Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Chánh án TAND tỉnh Bến Tre 'cũng than trời'

Bắc Bình
Bắc Bình
22/07/2019 09:00 GMT+7

Trước một số ý kiến suy diễn về bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002, PV Thanh Niên đã trao đổi với Chánh án TAND tỉnh Bến Tre.

“Bản án đã thể hiện rõ ràng…”

 
Bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre đã rõ ràng đến mức không cần giải thích thêm mà chỉ căn cứ vào đó thi hành là được”, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre khẳng định.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre, tuyên buộc ông Liêu Việt Khánh (bên mượn nhà lúc còn đi học), ngụ 157/1 đường 3.4, P.4, TP.Bến Tre phải trả tài sản là nhà, đất tại địa chỉ này cho cụ Võ Thị Thảnh (bên cho mượn nhà), ngụ xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre).
Thế nhưng, bản án có hiệu lực thi hành đã 17 năm trôi qua, nhưng con cháu cụ Thảnh - người cho mượn nhà, rơi vào tình cảnh bi đát, đang phải thường xuyên chịu cảnh sống cơ hàn, vì “ngôi nhà cho mượn bị mất mà mãi không đòi lại được”.
“Tôi thật sự bất ngờ sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Thanh Niên về vụ bản án số 16/2002 chưa được thi hành án. Bởi vì vào năm 2002, chính tôi là thư ký trong phiên tòa phúc thẩm vụ án này. Tôi cũng khẳng định luôn là nội dung bán án dân sự phúc thẩm số 16 của TAND tỉnh Bến Tre tuyên rằng gia đình ông Liêu Việt Khánh có nghĩa vụ trả toàn bộ tài sản bao gồm nhà và đất cho gia đình cụ Võ Thị Thảnh. Những ai hiểu bản án đó là tòa chỉ tuyên trả nhà mà không nói tới trả đất là sai”, ông Nguyễn Biên Thùy nói.
Ông Nguyễn Biên Thùy nói thêm: “Pháp luật về đất đai, tài sản gắn liền với đất được quy định trong thời điểm đó có nhiều điểm cần phải ghi nhận trên bản án không giống như bây giờ, nhưng bản án này cũng đã thể hiện rõ ràng rằng ông Liêu Việt Khánh phải trả cả nhà và đất cho cụ Thảnh”.

Nói thật là tôi không ngờ bản án đơn giản như vậy mà 17 năm vẫn còn chưa thi hành được, chắc là cụ Thảnh và con cháu của cụ uất ức lắm!

Ông Nguyễn Biên Thùy, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre

Theo ông Nguyễn Biên Thùy, cũng cần nói rõ rằng bản án có hiệu lực vào năm 2002, thì nguyên tắc là phải luôn được áp dụng pháp luật ngay thời điểm đó, chứ người thi hành án mà tự suy diễn, so sánh với các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở mới được ban hành sau này, là hoàn toàn sai. 

Cứ theo luật mà làm!

Để thi hành bản án, theo luật sư Nguyễn Bá Kết, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm. Vụ này không có chỗ cho sự hoài nghi, suy diễn gì cả. Bởi, bán án này không bị kháng nghị, kháng cáo lên cấp giám đốc thẩm hay tái thẩm.

Cụ Võ Thị Thảnh cho mượn nhà nhưng bị mất luôn nhà, nay con cái của cụ rơi vào cảnh sống cơ hàn, tạm bợ

BẮC BÌNH

“Cơ quan Thi hành án dân sự TP.Bến Tre chỉ cần áp dụng điều 2, 6, 7 và điều 30 quy định tại luật Thi hành án Dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 là hoàn toàn có thể buộc các bên phải thi hành”, luật sư Nguyễn Bá Kết nói, đồng thời cho rằng việc chậm tổ chức thi hành bản án hoàn toàn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong khi đó, ông Lê Văn Mười, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre, nói: “Tôi xem bản án kỹ rồi. Tôi cho rằng những ai hiểu bản án chỉ tuyên trả nhà mà không phải trả đất là sai lầm nghiêm trọng, hoặc cố tình hiểu sai về bản án này. Còn vì sao họ suy nghĩ như vậy thì tôi không biết được. Bởi, trong phần phụ lục và các văn bản có đính kèm bản án, TAND tỉnh Bến Tre đã liệt kê giá trị toàn bộ tài sản mà ông Lưu Việt Khánh phải trả cho bà Thảnh, trong đó nói rõ là bao gồm đất và nhà chính, đất và chái sau rất cụ thể, rõ ràng”.
“Vì vậy, theo tôi, vấn đề không thi hành được bản án này là hoàn toàn do Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre đã thiếu quyết liệt trong thi hành”, ông Lê Văn Mười đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.