Cho con nghỉ học, phản đối trường xa

21/09/2012 08:00 GMT+7

Năm học mới đã khai giảng từ lâu, nhưng gần 20 gia đình trong một thôn ở Hưng Yên đã cho con em nghỉ học để phản đối việc nhà trường và xã “bắt” trẻ đi học xa nhà.

Có mặt ở thôn Anh Nhuệ, xã Văn Nhuệ, H.Ân Thi, Hưng Yên. PV Thanh Niên chứng kiến sự bức xúc của các bậc phụ huynh, trong đó có cả những ông bà đã ngoài 70 tuổi, khi nói về việc cháu họ bỗng dưng không được học ở nơi các cháu vẫn học mấy năm nay.

Khác với nhiều xã, phường, Văn Nhuệ không có trường mầm non chính ở trung tâm xã mà nằm rải rác ở từng thôn. Tuy nhiên, người dân ở đây cũng vui lòng vì con cháu được học gần nhà, cách vài chục bước chân. Thế nên, họ ngỡ ngàng khi nghe nhà trường thông báo: toàn bộ trẻ 5 tuổi của thôn (gồm 19 cháu) từ năm học này sẽ phải chuyển lên điểm trường của ấp Tân Dân, cách khoảng 3 km để có điều kiện học tập tốt hơn.

Cho con nghỉ học, phản đối trường xa 
Các bé 5 tuổi thôn Anh Nhuệ đang phải tạm nghỉ học

Lập tức, hầu hết các gia đình phản đối quyết định này vì việc đi lại quá vất vả. Bà Nguyễn Thị Quý, có cháu ngoại 5 tuổi nói: "Bố mẹ cháu ngày nào cũng đi làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt mới về, tôi thì đã hơn 70 tuổi, xe đạp không biết đi, đành phải cho cháu nghỉ." 

Việc chuyển lớp sang điểm trường mới cũng khiến người dân ở đây không “kham” nổi mức đóng góp khác hẳn. Trước đây, mỗi cháu phải đóng dưới 100.000 đồng/tháng thì nay sẽ phải đóng 430.000 đồng vì ngoài học phí, họ sẽ phải nộp tiền ăn trưa, tiền nước uống... Đó là chưa kể mỗi năm còn phải nộp 120.000 đồng tiền bảo vệ trường.

Bà Nguyễn Thị Ầm, 68 tuổi, chia sẻ: 20 gia đình đều là hộ nghèo, cận nghèo, lo ăn từng bữa. Từ trước đến nay, các cháu đến trường học, trưa về nhà ăn cơm nên không tốn kém. 

"Nay mỗi tháng phải đóng hơn 400.000 đồng cho một cháu đi học thì rất khó", bà Ầm nói.

Vì các gia đình cho con nghỉ học để phản đối việc đi học xa nhà, tốn kém, xã Văn Nhuệ đã triệu tập 3 - 4 cuộc họp nhưng vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Anh Đào Văn Tuấn, một phụ huynh cho biết: "Khi chúng tôi yêu cầu cho các cháu được học ở điểm trường cũ thì nhà trường nói rằng: cho đến thì nhà trường vẫn nhận nhưng không có người dạy, nếu xảy ra việc gì nhà trường không chịu trách nhiệm!"

Những phụ huynh này còn bức xúc vì năm ngoái đã tình nguyện góp 200.000 đồng để trường đổ bê tông đường đi, mua đồ dùng, đồ chơi nhưng năm nay con cháu không được học ở điểm trường này nữa. Đã vậy, nhà trường còn chuyển những đồ dùng, đồ chơi phụ huynh góp tiền mua năm trước lên điểm trường mới.

Theo quan sát của PV, điểm trường cũ của thôn Anh Nhuệ có 4 phòng học, tuy là nhà cấp 4 nhưng đã được ốp trần nhựa, sàn lát gạch men, có bàn ghế, đồ chơi tương đối đầy đủ. Còn điểm trường mới ở ấp Tân Dân kiên cố và đầy đủ đồ dùng, đồ chơi hơn nhưng không có sân chơi, không có nhà vệ sinh khép kín.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Văn Nhuệ cho biết, theo quyết định của UBND huyện Ân Thi, toàn huyện sẽ phải hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước tháng 12.2012 nên “chúng tôi phải làm như vậy mới có thể đạt yêu cầu”, ông Phiến nói.

Còn bà Trần Thị Tảng, Hiệu trưởng trường mầm non, cho biết: trong xã chỉ có mỗi thôn Anh Nhuệ, nơi có đông học sinh nhất là phản đối! Tuy nhiên, bà Tảng thừa nhận, điểm trường Anh Nhuệ là khang trang, sạch đẹp nhất so với những thôn khác.

Khi PV trao đổi tinh thần của Bộ GD - ĐT: không chạy theo thành tích, không ép tiến độ phổ cập mầm non với những địa phương khó khăn và viện dẫn Điều lệ trường mầm non: “độ dài đường đi của trẻ em đến nhà trường, nhà trẻ không quá 1 km”, chúng tôi được lãnh đạo xã cho biết đó là chỉ đạo, đã được đưa vào nghị quyết của huyện, của tỉnh nên phải thực hiện. 

Ngạc nhiên là, theo tìm hiểu của chúng tôi, H.Ân Thi (trong đó có xã Văn Nhuệ) đã hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi từ ngày 10.5.2012, khi điểm trường Tân Dân còn chưa được bàn giao (8.2012).

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng GD-ĐT H.Ân Thi lý giải: “Phòng giáo dục huyện không ép xã Văn Nhuệ, khi biết việc người dân phản đối, chúng tôi còn nói với hiệu trưởng là chỉ động viên, thuyết phục người dân chứ không ép bằng mọi giá nhưng có thể do nôn nóng mà xã làm cứng nhắc hay có vấn đề gì khác thì chúng tôi không rõ”. Cũng theo bà Lan, nếu người dân kiên quyết phản đối, Phòng GD - ĐT sẽ yêu cầu cho trẻ ở thôn Anh Nhuệ đi học ở điểm trường cũ.

Bài, ảnh: Tuệ Nguyễn

>> Cha mẹ nghỉ làm vì con nghỉ học phòng cúm A/H1N1
>> Đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục
>> Bắt quả tang nhân viên môi trường xả trộm chất thải
>> Công ty môi trường xả nước thải ra biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.