Cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/05/2018 18:07 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ hôm nay, 14.5.

Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, ngày 4.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng. Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư chấp nhận đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 14 của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Theo quy định tại điều 38, luật Tổ chức Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định. Trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay, 14.5, căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ hôm nay, 14.5.
Trước đó, trong phiên họp ngày 4.5, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội
Cũng liên quan vấn đề nhân sự, tại phiên họp thứ 24, chiều 14.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 22.1.2018, tại bản án hình sự số 33/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Ngoài ra, ngày 29.3.2018, tại Bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào Ocean Bank. Sau đó, 2 ông đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Văn phòng Quốc hội cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 355, bộ luật Tố tụng hình sự: "Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án" và theo khoản 2, điều 39, luật Tổ chức Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật" thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội. 
Trong một diễn biến khác, chiều nay, 14.5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án với các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo Đinh La Thăng vẫn bị tuyên phạt 13 năm tù, y án sơ thẩm. Như vây, ông Đinh La Thăng đã mất quyền đại biểu Quốc hội.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.