Việt Nam - New Zealand hướng tới Đối tác chiến lược

Chí Hiếu
Chí Hiếu
14/03/2018 04:57 GMT+7

Trong khuôn khổ chuyến thăm New Zealand, ngày 13.3, tại Nhà chính phủ ở Auckland đã diễn ra lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao VN.

Lễ đón được tổ chức trọng thể với 19 phát đại bác và màn chào mừng theo phong tục truyền thống của người Maori - nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Jacinda Ardern, ra tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới Đối tác chiến lược.
Nâng tầm quan hệ
Hai bên hài lòng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện VN - New Zealand, nhất là trong các lĩnh vực trụ cột như chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, viện trợ phát triển, giáo dục đào tạo, lao động, giao lưu nhân dân...
Ghi nhận đà phát triển tích cực của quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập Đối tác toàn diện năm 2009, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và giao các bộ, ngành liên quan của hai bên triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình hành động 2017 - 2020, nhanh chóng hoàn tất trao đổi và tham vấn trong năm 2019 về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong tương lai gần theo thỏa thuận giữa hai bên.
Hai bên thống nhất các phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thời gian tới như: nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường giao lưu nhân dân; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 - 2 tỉ USD vào năm 2020... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị New Zealand tiếp tục tạo điều kiện cho các mặt hàng hoa quả nhiệt đới của VN vào thị trường New Zealand và New Zealand tăng cường đầu tư vào VN trong các lĩnh vực có thế mạnh đồng thời VN có nhu cầu như khai khoáng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, tài chính...
Thủ tướng New Zealand công bố 2 dự án ODA mới, bao gồm chương trình hợp tác 3 năm trị giá 1,5 triệu đô la New Zealand hỗ trợ nông dân VN hiện đại hóa sản xuất, sản xuất thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập; dự án thí điểm về năng lượng tái tạo trị giá 0,5 triệu đô la New Zealand hỗ trợ Cục Điều tiết điện lực VN xây dựng thị trường điện bán buôn, giúp tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo.
Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký 3 văn kiện quan trọng, gồm Thỏa thuận giữa Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand về hợp tác kinh tế và thương mại; Thỏa thuận giữa Bộ Công thương và Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand về hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng; Kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Bộ GD-ĐT và Cơ quan Giáo dục New Zealand về giáo dục - đào tạo giai đoạn 2018 - 2020.
Nông nghiệp sẽ là trụ cột mới trong hợp tác
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp (DN) VN - New Zealand, với sự tham gia của khoảng 300 DN của 2 nước.
Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước thời gian gần đây, với quy mô thương mại tăng 3 lần trong 10 năm qua. Đặc biệt, New Zealand đã hoàn thành các thủ tục để cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản của VN, bao gồm thanh long, xoài, chôm chôm.
Theo Thủ tướng, New Zealand có rất nhiều thế mạnh và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp nhiệt đới, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật để có một nền sản xuất, sản phẩm chất lượng cao và an toàn, đây là điều VN rất cần được chia sẻ, hợp tác. Người đứng đầu Chính phủ cho biết trước khi vào diễn đàn, đã tiếp một số lãnh đạo DN lớn của New Zealand và tất cả đều bày tỏ rằng đầu tư vào VN lúc này là thuận lợi và cần thiết. “Các bên nên bàn bạc với điều kiện mới rất thuận lợi là chúng ta cùng tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hôm nay, Chính phủ đã “dạm ngõ”, nhưng “cưới” được hay không là do DN quyết định. Chúng tôi chờ DN báo tin bằng những hợp đồng hợp tác để hai bên cùng thắng”, Thủ tướng chia sẻ và cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe DN để tạo môi trường thuận lợi nhất.
Bộ trưởng Nông nghiệp, An toàn thực phẩm và an ninh sinh học New Zealand Damien O’Conner khẳng định New Zealand sẵn sàng cùng hợp tác, đưa nông nghiệp thành trụ cột mới với kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Trả lời câu hỏi của DN VN về mong muốn hợp tác trong chuyển giao công nghệ và chờ đợi lộ trình sớm mở cửa cho các loại quả như chuối, vú sữa... vào New Zealand, ông O’Conner “rất hoan nghênh nếu các loại trái cây này đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, an ninh sinh học”. Ông cũng tiết lộ đã có công ty New Zealand muốn nhập khẩu các loại quả này và các cơ quan chức năng sẵn sàng xem xét, như với trường hợp của thanh long, xoài.
Ngay sau khi kết thúc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm, một trong những cơ sở nghiên cứu hiện đại nhất New Zealand về giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và công nghệ đánh bắt thủy hải sản; đề nghị Viện tiếp tục hợp tác, hỗ trợ VN trong nâng cao năng lực ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, sử dụng công nghệ cao. Trước đó, Thủ tướng tiếp lãnh đạo các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp sữa của New Zealand; đề nghị mở rộng hợp tác, nghiên cứu các vùng sản xuất nguyên liệu phù hợp để đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến ngay tại VN, giúp chuyển giao công nghệ... nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp sữa của VN. C.H
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Toàn quyền New Zealand Patsy Reddy. Thủ tướng đã chuyển lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Toàn quyền New Zealand thăm cấp nhà nước tới VN và bà Toàn quyền vui vẻ nhận lời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard; chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Quốc hội New Zealand thăm chính thức VN. Chủ tịch Quốc hội New Zealand cũng nhắc lại lời mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sớm thăm New Zealand.     
TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.