Có một Hồ Chí Minh như thế...

14/05/2020 08:10 GMT+7

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020), chúng tôi xin giới thiệu lại một bài viết đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 19.5.1999.

Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, với bộ trang phục kaki của người chiến sĩ, với đôi dép râu huyền thoại đã đặt chân xuống đất nước In-đô-nê-xi-a (Indonesia), không đem theo người bảo vệ”. Đó là những lời phát thanh đầu tiên của buổi tường thuật tại chỗ lễ đón tiếp trọng thể mà thân tình tại sân bay quốc tế Kê-ma-I-o-ran (Kemayoran) của thủ đô Gia-các-ta (Jakarta) chiều 27.2.1959, mở đầu cuộc hành trình hữu nghị của Hồ Chủ tịch thăm In-đô-nê-xi-a. Đó là chuyên đi thăm chính thức nước ngoài cuối cùng của Bác, 10 năm trước khi Bác mất.
Với tình cảm phương Đông, phong thái giản dị, và tôn trọng bạn, Bác chủ trương đoàn đi theo giúp việc phải hết sức gọn nhẹ, để đỡ gây phiền hà cho nước chủ nhà. Đoàn chỉ đem theo một viên báo chí duy nhất, kiêm nhiệm làm tin, viết bài, chụp ảnh... Ngay từ chân cầu thang máy bay, trung tá Xu-hác-giô, sĩ quan In-đô-nê-xi-a được tổng thống nước bạn thiệu với Bác Hồ với trọng trách làm sĩ quan cận vệ cho Người.

Hồ Chủ tịch tại Đại hội Thanh niên xung chống Mỹ cứu nước 1967

Những đoạn dưới đây là trích nguyên văn bài báo Tôi, vệ sĩ Bác Hồ của trung tá Xu-hác-giô đăng trên báo Bich-tăng Ti-mua (Ngôi sao Phương Đông) của Inđô-nê-xi-a ngày 8.3.1959:
1. “Bác là quốc khách, được mời về nghỉ riêng tại Cung Quốc gia, chỉ có tôi được phân công luôn luôn ở bên cạnh để phục vụ Bác. Tôi được hầu cơm Bác. Vừa ngồi vào bàn, Bác đã bảo tôi hãy để tất cả các đĩa thức ăn trên bàn, không cần phải bưng lên từng đĩa một, Bác nói: “Cái gì tôi thích thì tôi lấy, cái gì anh thích thì anh lấy, như ở nhà mình thôi". Bác Tu-ki-min là người trông nom nhà khách cũng được Bác kéo đến bàn và bảo ngồi cùng ăn chung.
Ăn xong, đột nhiên Bác yêu cầu tôi đưa Người đi dạo phố mà không cần báo cho tổ chức bảo vệ biết. Bác bảo tôi không cần mặc quân phục và để lại nhà tất cả quân hiệu, phù hiệu... Tất nhiên là tôi ngạc nhiên, tại sao Người lại có thể tin cậy chúng tôi đến như thế? Nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui sướng khi được Bác tin cậy.
Chúng tôi đưa Bác đi xem những cái tốt đẹp của thành phố Gia-các-ta. Và chúng tôi cũng không cảm thấy hổ thẹn khi đưa Người đi xem những cái còn chưa tốt đẹp. Vì tôi nghĩ Người là một nhà cách mạng, một chiến sĩ. Chắc chắn Người hiểu nhân dân và biết rõ nhu cầu của nhân dân".
2. "Hình như Người đã đoán biết được điều tôi đang suy nghĩ vì tôi thấy Người phát biểu ngay sau đó: “Thay đổi tình hình, xây dựng đời sống tốt hơn quả là không thể thực hiện được trong một thời gian ngắn. Không thể thay đổi tình hình ngay trong một đêm như làm trò ảo thuật được. Miễn là chúng ta không bao giờ quên rằng cách mạng không phải chỉ để giành độc lập về chính trị mà còn phải nhằm mục đích thu hút kết quả cao cho đời sống nhân dân. Nhân dân phải được ăn nhiều hơn, mặc đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn...
Đêm hôm ấy - trung tá Xu-hác-giô viết tiếp - một đêm đầy sao, tôi được hầu chuyện vị chiến sĩ lão thành về bước đường tham gia chiến đấu của tôi, về quyết tâm và tinh thần hy sinh của đồng bào tôi, hoài bão về lý tưởng của thế hệ chúng tôi. Đêm hôm ấy, hàng rào ngăn cách đều bị xóa hết đối với tôi. Tôi không còn cảm thấy Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người Việt Nam nữa, mà chỉ như một chiến sĩ giản dị, có thể xem như một người cha của tôi, một người bạn của tôi, không còn là một vị quốc khách nước ngoài nữa.
Từ đấy, tôi không thôi suy nghĩ về Bác trong mỗi giây phút tôi được gần Người. Không ai có thể nghĩ được rằng một ông già vui tính, biết hòa với mọi người, tham gia nhảy ở cung Bô-go, ở Xô-lô, ở Mô-đan, trong những đêm dạ hội của thanh niên và nhân dân nồng nhiệt chào đón Người. Ông già bình dị có thể ngồi bệt xuống đất, ngay trên sàn nhà, tiếp chuyện thanh niên, công nhân và nông dân, lại là vị Tổng Tư lệnh tối cao của những lực lượng vũ trang nhân dân đã làm nên chiến công Điện Biên Phủ, đã động viên toàn thể nhân dân nước mình đấu tranh không ngừng chống đói khổ, chống ngu dốt, chống bất công, đã đưa nhân dân nước mình lên con đường mới. Vĩ đại nhất của Bác là Người mãi mãi không từ bỏ đức tinh giản dị của thời gian chiến đấu, một khi Tổ quốc và nhân dân mình đã giành được độc lập”.
3. "Vâng, muốn kể về đức tính của Bác, tôi cho rằng chúng ta có thể viết đến hàng trăm hàng ngàn trang giấy. Chúng ta không thấy những vết tích do những thống khổ lớn lao về lâu dài mà Người đã trải qua để lại trên thân thể Người. Nhưng ai cũng biết Người đã trải qua cả một cuộc đời thử thách cam go, ác liệt. Sự hoạt động ung dung phóng khoáng của Người trong mọi lĩnh vực - đời sống và trong mọi tầng lớp xã hội cho thấy cả một bề dày từng trải sâu xa. Tài trí của Người không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Tôi khâm phục tài ứng phó của Người đối với bất kỳ tình huống nào, cách ứng phó làm con người ta phải vui cười, cách kết luận nhanh như chớp. Và không ai có thể tin rằng một ông già 69 tuổi mà phản ứng của giác quan nhạy bén và cách ứng xử lại linh hoạt đến như thế.
Người có tâm hồn nghệ sĩ, tôi có thể cảm thấy rõ điều đó. Người có thể đọc và giải nghĩa những câu thơ cổ rất khó của Trung Quốc. Người có thể nói tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Hoa và đã từng sống ở rất nhiều nơi. Đôi khi nếu Người nói hay chỉ thị điều gì, tôi có thể nhìn qua ánh mắt của Người trong chốc lát thôi cũng đủ hiểu rằng điều được chỉ thị cần được chấp hành”.
4. “Nhưng tôi cũng biết rằng Người lòng nhân từ sâu sắc, có một trái tim dễ xúc động. Lúc đi thăm Viện Điều dưỡng ở Xô-lô, tôi đã thấy Người rơi nước mắt khi tiếp những người tàn tật. Người cũng là người chống lãng phí. Lúc ở Cung Quốc gia, Người bảo tôi tắt cả đèn còn cháy lúc trời đã sáng. Người nói điện ấy có thể dùng vào việc khác.
Đêm ấy chia tay ở Mô-đan trên đảo Xu-ma-tra, tôi và các bạn được Người gọi đến gặp. Người nói: “Tôi cảm ơn tất cả các bạn vì nhờ tất cả các bạn mà chuyến đi thăm của tôi thành công. Tôi thật sự cảm thấy như giữa anh em trong nhà. Tôi đáp lời Người rằng được bảo vệ và phục vụ Người là một vinh dự, rằng tôi đã rất nhiều ở Người. Học nghĩ, học sống, học làm việc. Điều tôi cảm nhận được là rất quí báu cho suốt cả cuộc đời tôi. Nhìn lại cuộc hành trình - trung tá Xu-hác-giô kết thúc bài viết của mình - tối thâm nghĩ: "Tôi là vệ sĩ của Bác, nhưng ngược lại, xảy ra chuyện gì, chắc chắn rằng chính Bác là người bảo bọc tôi"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.