Chủ động nhiều giải pháp để thích ứng cách mạng 4.0

Chí Hiếu
Chí Hiếu
14/07/2018 09:38 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, VN đã nhận thức sâu sắc hơn về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sẽ có những bước đi, giải pháp rõ ràng và quyết liệt hơn để không bị lỡ chuyến tàu này và để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thông điệp trên được người đứng đầu Chính phủ chia sẻ khi phát biểu tại “Diễn đàn cấp cao tầm nhìn và chiến lược đột phá trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì tổ chức vào hôm qua (13.7).
Các doanh nghiệp VN phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới. Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng 4.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Diễn đàn và các hội thảo hôm qua có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Phía VN ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình còn có Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng, cả Bí thư lẫn Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Cách mạng 4.0: Tạo thêm hay lấy đi việc làm?
Vấn đề làm sao để tận dụng được cơ hội cũng như hạn chế các tác động không mong muốn là câu chuyện được các diễn giả tập trung tham luận lẫn ở phiên đối thoại chính sách cấp cao sau đó. Trong phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đã cảnh báo, cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... “Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, VN sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội”, ông Bình nói.
Chuyên gia Alistair Nolan của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chia sẻ rằng ông từng nghe nhiều người lo ngại tự động hóa gắn với việc mất công ăn việc làm. “Nhưng nếu nhìn vào các nghiên cứu mới đây cho thấy, tỷ lệ thâm nhập của robot trong nền kinh tế nước Anh có tỷ trọng thấp, nhưng mất việc làm cũng nhiều. Song Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ thâm nhập robot cao nhất thế giới nhưng số công ăn việc làm mới được tạo ra lại vào thuộc nhiều nhất”, ông Nolan dẫn chứng và đưa ra kết luận: Sử dụng công nghệ vẫn có thể giữ được nhiều công ăn việc làm hơn, tuy nhiên đây là thách thức quản trị cho các quốc gia và vấn đề là cải cách thế nào!
Ông David Aikman, Trưởng đại diện tại Trung Quốc của Diễn đàn kinh tế thế giới (WE) cũng kể, nhiều lãnh đạo quốc gia đang phát triển tỏ ý lo ngại các tập đoàn đa quốc gia đến từ các nước phát triển sẽ đóng cửa nhà máy ở các nước đang phát triển để trở về quê hương. “Thực tế là họ không dễ trở về, các công ty đó luôn cần nguồn nhân lực thỏa mãn các điều kiện để đáp ứng cho nhà máy tại nước sở tại. Cho nên, điều quan trọng là chúng ta cần cung cấp kỹ năng cho lao động thay đổi công việc trong xu thế mới”, ông Aikman bày tỏ.
Chuyên gia này nhận xét, ý nghĩa nổi bật của cách mạng 4.0 là mang tới khả năng cải thiện cuộc sống tốt hơn cho nhiều người, thay vì nhóm nhỏ hơn như các cuộc cách mạng trước, bằng chứng là rất nhiều người ngồi ở nhà nhưng vẫn có việc làm với nhu nhập cao hơn. Nhưng ông Aikman chỉ rõ, với các quốc gia đang phát triển như VN thì việc thiếu năng động trong lực lượng lao động có thể là cản lực ngăn VN tiến xa. “VN thuộc top 20 quốc gia về số người dùng internet nhưng nhiều chỉ số quan trọng như giáo dục, tư duy, kỹ năng thì lại thấp. Cho nên cần thay đổi cách giáo dục cho thế hệ mới. Điều này cũng tương tự như việc lấy giá nhân công trong tương tác với các quốc gia khác mà trong bối cảnh mới cần thay vào đó là định hướng chất lượng nhân lực thay vì giá cả”, chuyên gia này phân tích.
Doanh nghiệp cần tiên phong
Chia sẻ tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chính hội nghị này cách đây 1 năm, khi đó, người đứng đầu Chính phủ cũng như các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức, cơ hội mà cuộc cách mạng này đang lao tới với tốc độ chóng mặt. “Sau một năm nhìn lại, giờ là lúc chúng ta tập trung triển khai các giải pháp một cách thiết thực, thực hiện đồng bộ các giải pháp với cường độ cao hơn”. Bởi theo Thủ tướng, không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, VN đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Trên thực tế, các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở VN, đã mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã có những tập đoàn nước ngoài ở VN, đặc biệt là các công ty VN đã thành công bước đầu khi xuất khẩu công nghệ sang cả nước phát triển… Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, “những kết quả đó mới chỉ là bước đầu”. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở VN chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của nó.
Thủ tướng cho hay, về phía mình, Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0 một cách khoa học, sát thực tiễn với Chiến lược phát triển quốc gia. Song song với đó, việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia đã bắt đầu, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở VN.
Về các biện pháp cụ thể, Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trong đó chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh rằng, cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhóm hành động, là một lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng này. “Các doanh nghiệp VN phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới. Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng 4.0”, Thủ tướng lưu ý.
Trước khi dự diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực… Đây là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Đồng thời, cũng là dịp kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.
Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và Diễn đàn cấp cao tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp là sự kiện về cách mạng 4.0 đầu tiên của VN có sự phối hợp giữa Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư. Sự kiện gồm một phiên diễn đàn cấp cao, cùng 5 hội thảo chuyên đề đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể như đô thị thông minh, sản xuất thông minh, bước tiến trong ngành tài chính - ngân hàng, hay những giải pháp cho nông nghiệp thông minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.