Bác Hồ với các nhà báo ở Paris năm 1946

14/05/2020 07:16 GMT+7

LTS: Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020), chúng tôi xin giới thiệu lại một bài viết đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 21.6.2001.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Tháng 6.1946, Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp, dự hội nghị Fontainebleau và ký tạm ước Việt - Pháp 14.9.1946.
Trong những ngày ở Pháp, Giáo sư - bác sĩ Trần Hữu Tước được tổ chức Việt kiều cử làm người chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ và phái đoàn. Tháng 10.1946, GS Trần Hữu Tước về nước phục vụ dân tộc, phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân. Hồi ký dưới dây do GS Trần Hữu Tước viết vào năm 1979.
Trong những ngày ở Pháp, Bác Hồ có những cuộc tiếp xúc với nhiều nhân vật, nhiều giới ở Paris. Bác có tài thuyết phục, gần như quyến rũ, thu hút tâm hồn người nghe. Nhiều nhà báo Pháp viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh có một khả năng "thôi miên", có sức lôi cuốn mạnh như một "từ trường cao thế". Những đối thủ lợi hại nhất, cần phải tránh cụ Hồ, nếu họ muốn giữ lập trường đối lập của mình, vì sau khi gặp, nhìn, và nhất là sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời, thì những ý kiến bất đồng đã suy yếu đi rất nhiều.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm thuật giải đáp rất tài tình, làm cho các nhà báo ở Paris phải vô cùng tán thưởng. Có lần một ký giả - chắc thuộc phe hữu, xin phép hỏi: 
* Thưa Chủ tịch, xin cho biết, bây giờ Người có phải là một người cộng sản không?
Chủ tịch từ tốn nhưng đanh thép đáp:
- Tôi là một người yêu nước từ nhỏ nên phải nghiên cứu các lý thuyết và chủ nghĩa, mong mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc, có nghiên cứu các đạo giáo và các thuyết khác, nhưng vẫn thấy con người đau khổ, cùng cực vì áp bức bóc lột, chiến tranh, cho nên phải tìm con đường đúng đắn. 
* Thưa Chủ tịch, thế Chủ tịch có thực hiện chế độ cộng sản ở Việt Nam không?
Với một nụ cười bao dung, Bác Hồ nhẹ nhàng nhìn lại và nói:
- Đồng nghiệp, vì trước đây tôi cũng làm nghề báo, có một câu thành ngữ của Pháp, "Đặt câu hỏi ra, là có cách giải đáp rồi!". Vậy, đồng nghiệp thử nói xem, đồng nghiệp sẽ giải quyết ra sao, trong tình hình hiện nay ở Đông Dương và quốc tế, nếu đồng nghiệp ở cương vị chúng tôi.

Hồ Chủ tịch và một số thành viên phái đoàn Việt Nam trong rừng Boulogne, một sáng cuối tháng 6.1946 

Ảnh chụp lại theo sách Bác Hồ ở Paris năm 1946

Luôn luôn, Chủ tịch nắm thế chủ động, ở tư thế cao để bao trùm, nhìn nhận vấn đề. Người ngồi ung dung nhàn nhã trên ghế tựa, chú ý nghe và quan sát; bàn tay phải với những ngón tay thon cứng, lúc cầm bút chì, lúc bỏ xuống tập giấy, lúc với một động tác xoay tròn bàn tay. Người nhấn mạnh những đoạn cuối đanh thép. Giọng Hồ chủ tịch hồi đó đã có một âm sắc rất đặc biệt, âm vang rất hiếm, khi dùng tiếng Pháp nhẹ, mang sắc điệu của kinh thành Paris, lúc chuyển sang tiếng Anh nhiều âm từ đanh sắc, nhưng giọng vẫn riêng biệt, điềm tĩnh của những âm xứ Nghệ.
Một hôm, Chủ tịch cho triệu đồng chí phụ trách phát ngôn của phái đoàn và chỉ vào một đoạn tin đăng trên một tờ báo buổi chiều ở Paris. Nhân thời kỳ đàm phán ở Fontainebleau, quân đội thực dân hay gây khiêu khích nổi loạn ở một số tỉnh nước ta. Nhà báo đến lấy tin để xác minh và không rõ người phát ngôn ta đã dùng danh từ gì, nhưng thấy in ngay trang nhất: "Theo phái đoàn Việt Nam, quân đội Pháp đã gây hấn". Chủ tịch góp ý nghiêm nghị: "Chú có biết mình ở nước họ, sao không tránh danh từ quân đội Pháp, cứ nói quân đội viễn chinh hay quân đội thực dân, không chạm gì đến tự ái quốc gia họ!".
Đồng chí phụ trách lo ngại thưa: "Hay là ta đính chính!".
Lúc này Chủ tịch mỉm cười: "Chú không hiểu rằng ở Paris trăm công nghìn mối, thường họ chỉ lướt qua, rồi có thể quên ngay, việc gì mình nhắc lại!".
Quả thật, Bác đã thấu rõ tâm tình người Paris, dân tộc Pháp, trong những chi tiết nhỏ như vậy, nhưng rất cần chú ý.
(Trích Trần Hữu Trước, cuộc đời và sự nghiệp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.