Chính sách dân tộc nhiều nhưng chưa hiệu quả

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/08/2018 13:37 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số đã phủ hầu hết các lĩnh vực nhưng lại chưa hiệu quả vì còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, phân tán nguồn lực.

Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay, về tổng thể, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, từ y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng cơ sở, sinh kế,…
Tuy nhiên, theo ông Chiến, hệ thống chính sách này vẫn chưa hiệu quả.
Ông Chiến cho hay, nhiều chính sách mới chỉ là khung, mang tính định hướng, chưa xác định rõ nguồn lực để đảm bảo, do vậy khó khăn trong thực hiện. Có chính sách ban hành nhưng chưa cân đối nguồn vốn hoặc tỉ lệ cân đối rất thấp, do vậy, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các chính sách thường chỉ kéo dài 2 năm, tương ứng nhiệm kỳ Chính phủ, do vậy, có khoảng giữa 2 nhiệm kỳ là chính sách không được triển khai thực hiện.
Thứ ba là đồng bào dân tộc thiểu số thường sống ở những vùng có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa lý chia cắt, đất đai canh tác không có, thậm chí đất ở cũng không. Do đó, việc giải quyết ngay những vấn đề của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn.
Ngoài ra, ông Chiến cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo cũng là một trong những nguyên nhân một số không dù không nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn dựa dẫm, có tình trạng không muốn ra khỏi hộ nghèo.
Đề nghị tích hợp chính sách, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia
Đề cập giải pháp, ông Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ủng hộ việc nghiên cứu, xây dựng tích hợp các chính sách hiện nay thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khoảng thời gian 10 năm. Theo ông Chiến, với khoảng thời gian đủ dài, sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng và tiêu chí đánh giá cụ thể thì mới thấy rõ được hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng, cần hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không. “Tôi cũng vừa đi công tác miền Tây nam bộ thì thấy rằng, nếu người dân họ vay vốn thì họ lo phải làm để trả vốn còn nếu như cho không thì người dân sẽ thấy rất nhẹ nhàng, lợi ích mạng lại thấp hơn”, ông Chiến nêu.
Ngoài ra, ông Chiến cũng đề nghị hỗ trợ nhưng phải có điều kiện kèm theo. Chẳng hạn hỗ trợ khoản a, khoản b, khoản c thì phải cam kết trong vòng 3 năm phải thoát khỏi thôn nghèo, 5 năm phải thoát khỏi xã nghèo hay 10 năm phải thoát khỏi huyện nghèo. Ông Chiến cho hay, đây là mô hình mà Quảng Ngãi đang triển khai rất tốt, nên áp dụng.
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ việc nên dồn các chính sách thành một chương trình. “Hiện quá nhiều chính sách, T.Ư nói lồng ghép nhưng địa phương cũng khó thực hiện, gây lãng phí nguồn lực”, ông Dũng nói.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong phần giải trình của mình cũng đồng tình với đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và cho rằng, cần phải tổng kết để có đề xuất khoa học, thực tiễn có thể triển khai được.
Theo báo cáo của Ủy ban dân tộc, hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc có 116 chính sách được thể chế qua 173 văn bản (gồm các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ, nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Khắc phục tình trạng chính sách dân tộc hiện còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, phân tán nguồn lực, khó khăn trong chỉ đạo thực hiện; Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành tích hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn thành các chương trình, chính sách lớn.
Từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đến nay chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu.
Các bộ, ngành đã rà soát, đề xuất tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản hướng dẫn theo hướng giảm bớt số lượng văn bản, tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp.
Trong 3 năm (2016-2018) đã tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới với tổng số 29 văn bản chính sách (trong đó: tích hợp 6 văn bản chính sách, sửa đổi: 3 văn bản chính sách, bãi bỏ 6 văn bản chính sách, ban hành mới 2 văn bản chính sách và 15 văn bản chỉ đạo chung liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc, chương trình giảm nghèo).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.