Chính phủ kiến nghị xử lý dứt điểm các dự án còn vướng mắc như Formosa

15/05/2017 15:03 GMT+7

Chính phủ kiến nghị khẩn trương rà soát, tập trung xử lý dứt điểm các dự án đang còn vướng mắc như Formosa , để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa dự án vào hoạt động.

Kiến nghị trên được Chính phủ đưa ra tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 và triển khai kế hoạch 2017 trình ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay (15.5).
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu 2017 kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân của quý I (4,96%), lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ.
Về các giải pháp thời gian tới, Chính phủ kiến nghị nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai nhanh, quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và FDI, thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp Ảnh Trường Sơn
Về nhóm giải pháp ngắn hạn, phục vụ các tháng còn lại năm 2017, Chính phủ kiến nghị để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, tập trung vào các giải pháp nhanh như: tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Chính phủ cũng kiến nghị việc khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành, nhưng chưa đi vào hoạt động, các dự án đang còn vướng mắc như dự án Formosa, nhằm tập trung xử lý dứt điểm, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để các dự án đã đăng ký nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.
Cân nhắc việc tăng sản lượng dầu thô
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức, đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%.
Ông Thanh cho hay, có một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững. Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Theo Ủy ban Kinh tế, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để, còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao (39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỉ đồng), Ủy ban Kinh tế lưu ý tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Theo ông Thanh vấn đề nổi lên hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
“Quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột; hoạt động của các doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao”, ông Thanh nói.

tin liên quan

Formosa đủ điều kiện vận hành thử nghiệm lò cao số 1
Ngày 10.5, hội đồng giám sát liên ngành đã họp xem xét, đánh giá toàn bộ quá trình khắc phục sự cố môi trường Formosa, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Ủy ban Kinh tế đánh giá công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, công tác thu hồi, đền bù thiếu minh bạch và thiếu hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. “Khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận thu, tận diệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, do sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành, nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý nông nghiệp vẫn là ngành mũi nhọn nhưng năm qua và đặc biệt quý 1.2017 đã phải có nhiều cuộc giải cứu như với thịt lợn, dưa hấu... Theo ông Tỵ, việc Chính phủ phải tham gia giải cứu là đương nhiên cần thiết để giúp dân vượt qua khó khăn nhưng với vai trò chủ đạo Chính phủ phải xử lý quá nhiều các vụ việc không đúng tầm thì phải xem lại. Theo Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, nếu công tác dự báo tốt có thể đã không dẫn đến việc “giải cứu”, hạn chế thiệt hại cho người dân.
Liên quan đến công tác đất đai, ông Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Chính phủ phải rà soát lại. Qua vụ Đồng Tâm và nhiều địa phương khác, cho thấy quản lý đất đai có nhiều vấn đề phải xem xét lại”, ông Tỵ nói.
Điều quan trọng, theo Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, là làm cho người dân thấy chính sách đúng và có trách nhiệm. Cần rút kinh nghiệm về cách xử lý tình huống, đối thoại với dân. “Tình hình căng như thế mà càng chậm đối thoại với dân thì các thế lực càng tập trung vào phá hoại, châm chọc gây bất lợi”, ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý.
Không nên gây xáo trộn nông thôn chỉ vì mục tiêu kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cảnh báo về việc lĩnh vực nông nghiệp từng là bệ đỡ cho tăng trưởng, nhưng năm 2016 lại rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. 
Theo ông Giàu, diễn biến giá thịt lợn vừa qua là “một nỗi đau” vì điều này hoàn toàn nằm trong khả năng dự báo để đưa ra giải pháp. “Báo cáo chưa thấy đánh giá vấn đề này có ảnh hưởng giảm GDP bao nhiêu, nhưng mất mát của người dân quá lớn. Cái này phải nghiên cứu đánh giá”, ông Giàu nhấn mạnh. 
Liên quan đến vấn đề đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng chia sẻ góc nhìn về vấn đề tích tụ ruộng đất. Theo ông Giàu, nông nghiệp trong giai đoạn tới là nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn, nông nghiệp góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Cần có cái nhìn như vậy thay vì quan điểm nông nghiệp với những đồn điền “thẳng cánh cò bay” như cách đây hàng chục năm. 
Theo ông Giàu đây là vấn đề đáng lưu ý vì vẫn còn tới 60% người dân sống ở nông thôn, nếu không có cách làm đúng sẽ dẫn đế những biến động. “Không nên gây xáo trộn nông thôn chỉ vì mục tiêu kinh tế mà quên đi mục tiêu xã hội”, ông Giàu cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.