Chính phủ hội nghị trực tuyến: Ngưng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân

26/12/2012 03:20 GMT+7

Hôm 25.12, Chính phủ đã dành cả ngày họp trực tuyến với các tỉnh, thành để triển khai nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2013.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, sau hội nghị trực tuyến, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề tập trung tháo gỡ tình trạng hàng tồn kho, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và giải quyết nợ xấu. Nhóm giải pháp lớn được xác định chủ yếu tập trung vào thuế, phí, cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn, lãi suất cho vay ưu đãi. Đơn cử như gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế phải nộp quý 1; 3 tháng đối với số thuế phải nộp quý 2, 3 của năm 2013 cho các DN có quy mô vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động  trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may...; DN xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; DN đầu tư - kinh doanh nhà ở.

Dự kiến gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của 3 tháng đầu năm 2013 đối với các DN đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với các đối tượng DN đã nêu ở trên giao Bộ trưởng Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo QH xem xét, quyết định áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1.7.2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNDN) đối với DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng).

Chính phủ hội nghị trực tuyến: Ngưng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân
Phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ đăng ký lần 2 trở đi sẽ còn 2% - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giảm phí trước bạ ô tô

Trong dự thảo Nghị quyết chuyên đề, Chính phủ nhấn mạnh đến việc không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện trong năm tới. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ đăng ký lần đầu với mức thu chung là 10% (các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung), với ô tô đăng ký lần 2 trở đi, mức thu thống nhất trên toàn quốc là 2%.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  chỉ đạo các ngân hàng thương mại của nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; cho vay đối với các DN xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. “Trong quý 1/2013, NHNN phải phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng hỗ trợ”, dự thảo Nghị quyết nêu.

Đề nghị bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phân tích tình trạng hàng tồn kho lớn trong khi sức mua giảm mạnh, dù vào thời điểm cuối năm và đề xuất Chính phủ sớm cụ thể hóa các giải pháp “giải cứu” thị trường bất động sản để có cơ chế áp dụng ngay, để từ lĩnh vực này tác động tích cực đến các lĩnh vực khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự kiến nghị thêm: Chính phủ nên mạnh dạn cho áp dụng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa, để có nhiều DN được vay vốn, vì hiện tại cơ chế này đã được áp dụng nhưng vẫn còn rất “dè dặt”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung xin cơ chế đặc thù cho tỉnh, như được phát hành trái phiếu địa phương với quy mô gấp hai lần tổng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm để giải quyết các gánh nặng quá lớn về an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng trên địa bàn.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.