Chính phủ cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Anh Vũ
Anh Vũ
01/06/2019 06:00 GMT+7

Một chính phủ liêm khiết, kiến tạo là chính phủ dám nhận lỗi; minh bạch, công bằng, khách quan trong thanh, kiểm tra... có như vậy mới lấy được niềm tin của doanh nghiệp và lòng tin của người dân.

Trên nóng dưới lạnh; quyền anh, quyền tôi !

Đó là kiến nghị của các đại biểu (ĐB) khi tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại hội trường ngày 31.5. Với 12/12 chỉ tiêu kinh tế đều hoàn thành trong năm 2018, tốc độ GDP những tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì đà tăng, lạm phát được kiểm soát… theo các ĐB, nền kinh tế vẫn phát đi những tín hiệu tích cực. Cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại những dấu ấn đậm nét.
Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), đánh giá kết quả đó chưa đủ để bứt phá như yêu cầu của Thủ tướng. Đơn cử, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, VN đã tụt hạng so với năm 2017. Chính phủ đặt mục tiêu đưa nước ta vào nhóm 4 nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN vào năm 2020 về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhưng hiện tại mới đang ở hạng thứ 5 và 7.
“Tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Lạnh ở đây không chỉ ở một số địa phương mà còn ngay ở cấp bộ, ngành chưa dành đủ thời gian và tâm lực cho cải cách thể chế… Tình trạng tranh chấp quyền anh, quyền tôi trong các cơ quan quản lý vẫn nặng nề”, ĐB Vũ Tiến Lộc lo ngại và đề nghị Chính phủ hãy lắng nghe ý kiến từ cơ sở, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo.
Trước đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) cũng đã nêu một số dự án điển hình về sự chậm trễ, kéo dài dẫn tới xung đột pháp lý, gây mất lòng tin nơi người dân. Theo ĐB Sơn, chỉ còn khoảng 200 ngày nữa là đến thời điểm bắt buộc phải đóng cửa bãi rác Khánh Sơn tại Đà Nẵng. Cách đây hơn 3 năm, chính quyền TP đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị cho một dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải: thuê tư vấn, tìm kiếm công nghệ, địa điểm, nhà đầu tư… Tuy nhiên, sau gần 3 năm kết quả vẫn bằng 0, dự án xử lý rác thải đang được chuyển hướng thành dự án đốt rác phát điện.
“Dự án phát điện thì phải phù hợp với quy hoạch ngành điện được Chính phủ phê duyệt. Rốt cuộc đó là dự án điện hay là dự án xử lý rác thải. Chính quyền, nhà đầu tư thì bị quấn vào một ma trận các quy định, người dân trong vùng dự án “cứ yên tâm kéo dài sự đau khổ” vì ô nhiễm”, ĐB Sơn lo lắng.

Có khuất tất gì trong thanh, kiểm tra không ?

Kể từ năm 2017, theo ĐB Sơn những vụ việc sai phạm tại TP.Đà Nẵng được phát hiện, thanh tra, điều tra, đến nay vẫn còn nhiều vụ chưa kết thúc. Các cuộc thanh tra, điều tra liên quan đến dự án Đa Phước, bán đảo Sơn Trà, sai phạm trong việc quản lý và sử dụng tài sản công trên địa bàn TP là trung tâm sự quan tâm của cử tri TP cho đến nay vẫn chưa dứt điểm được...
“Dư luận bức xúc, nhân dân, cử tri nêu nhiều kiến nghị, cán bộ công chức ở các cơ quan liên quan thì lo lắng, dao động, thiếu kiên quyết, thiếu năng động trong thực thi công vụ dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Đã có cử tri là người cao niên, lão thành cách mạng đặt vấn đề với ĐB của TP rằng tại sao việc thanh tra, điều tra kéo dài như thế, các đồng chí có dám cam kết với nhân dân rằng không có điều gì khuất tất, tiêu cực hay chạy chọt trong các quá trình thanh tra, điều tra hay không?”, ĐB Sơn đặt câu hỏi.
Dẫn lại vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, Hà Nội khi lực lượng công an bắt giữ, làm gãy chân cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, ĐB Dương Trung Quốc cho biết, hiện nay Viện kiểm sát tiếp tục truy cứu việc này. Gần đây Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra của Hà Nội tháng 7 năm ngoái làm đúng, còn những người tố giác không chính xác.
“Sự việc như thế có thể khép lại được không, tôi nghĩ là chưa, bởi lẽ có một thực tế việc bắt giữ người như vậy có cần thiết với một ông già 80 tuổi đời và 55 tuổi Đảng hay không mà phải dẫn dụ người ta ra đồng kiểm tra mốc giới rồi bắt. Tại sao chúng ta không bắt đàng hoàng, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, người dân và cả gia đình nữa. Người ta tâm phục, khẩu phục và tuân thủ. Trong khi dân bức xúc có nhiều đối tượng vượt qua mặt công an để chúng ta phải truy nã”, ông Quốc trăn trở.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, cử tri tôn trọng kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng chính người dân Đồng Tâm kiến nghị, tại sao thanh tra không hỏi dân mà chỉ hỏi lãnh đạo Hà Nội.
“Từ vụ Đồng Tâm tôi muốn nói vấn đề quan trọng hơn. Một chính phủ liêm khiết, một chính phủ kiến tạo, chúng ta hãy trở lại nguyên lý truyền thống là tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà nước ngày xưa có trách nhiệm rất lớn là giáo hóa cho dân, mỗi cái sai của người dân có lỗi của nhà nước vì thế tôi rất muốn, Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ lấy được lòng tin của người dân”, ông Quốc kiến nghị.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.