Chìm tàu khách, 4 người thiệt mạng

20/03/2008 23:46 GMT+7

Khoảng 8h30 tối 19.3, tại rạch Kỳ Hôn thuộc ấp Long Thạnh, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, chiếc tàu khách Hoàng Long, số đăng ký BTr-0279, chạy tuyến Chợ Lách - Măng Tra (Bến Tre) đi TP.HCM bị tai nạn và chìm. Hàng chục người may mắn thoát chết nhưng có 4 người thiệt mạng, hàng chục tấn trái cây bị trôi dạt trên sông.

Quá tải?

Anh Nguyễn Công Tâm, nhà ở gần hiện trường xảy ra tai nạn kể: "Lúc đó tôi nghe tiếng đùng đùng rất lớn, tưởng là đụng tàu. Khi tôi chạy ra thì thấy tàu bị nghiêng mui vào bờ, lườn tàu hướng ra giữa sông. Tiếng kêu la hoảng loạn. Tôi bơi ra thì thấy nhiều người đã chui ra và bám trên thành tàu. Trái cây nổi đặc trên sông. Tàu có 2 tầng nhưng tầng nào cũng có người và trái cây. Nhiều bà con ở xung quanh đã lao ra sông cứu người, phụ moi cần xé trái cây để đưa người ra rồi phụ vớt trái cây cho tới sáng. Rất may là thời điểm đó nước cạn, một phần tàu không bị chìm nên nhiều người kịp thoát được".

Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Đức (chủ tàu), ngụ ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thì tàu khởi hành vào 11giờ trưa ngày 19.3 tại chợ Măng Tra, trên tàu có 51 người. "Vào thời điểm xảy ra tai nạn, ở sát bờ phía bên trái của rạch Kỳ Hôn có chiếc sà lan tự hành chạy cùng chiều phía trước, kế đó là chiếc sà lan lá chạy giữa (cả 2 sà lan đều chở cát) và phía bên bờ phải là tàu khách Hoàng Long. Lúc đó, chồng tôi (Đặng Thanh Long, 56 tuổi, tài công) chạy sát chiếc sà lan lá, cách khoảng chừng một thước. Tôi nói với ổng đừng có vượt qua. Lỡ qua không hết, mắc cạn là chết liền nghen. Khi đó ổng cũng chưa vượt qua, chỉ chạy "rô-đai" nhưng chiếc tàu cứ... trườn tới rồi xốc cạn (vướng), sạt các cần xé đựng trái cây xuống nước và lật úp ngang, còn tệ hơn... chiếc xuồng ba lá. Vì tàu chạy rất êm nên không ai hay chuyện gì đã xảy ra. Lúc đó bà con bám vào thành tàu rồi la làng" - bà Đức kể.

Chúng tôi hỏi tàu chở bao nhiêu tấn trái cây, bà Đức nói: "Chắc trên con số đăng ký (số đăng ký là 30 tấn). Khoảng vài trăm cần xé xoài, bưởi, đu đủ... Mỗi cần xé nặng trung bình từ 50-80 kg. Lúc đó trên tàu chỉ có 6 người khách, còn lại là bạn hàng". Một người dân tham gia cứu nạn, kể: "Thời điểm đó nước vừa lớn, chưa đầy nên rạch còn cạn. Tại tàu chở trái cây quá nhiều, tui thấy đầy nhóc luôn. Tàu có 2 tầng, nhưng tầng nào cũng chất trái cây. Khi tai nạn xảy ra, mui tàu bị lật úp xuống, trái cây đè lên làm cho khách không chui ra được. Tui phải lặn xuống nước quăng mấy chục tấn bưởi, cam, xoài, mít rồi kéo xác người ra. Trái cây nhiều lắm. Chỉ trong một khoang mà tụi tui móc ra chở 2 ghe 8 tấn cũng chưa hết".

Nỗi đau của cha mẹ cháu Thạch - Ảnh: H.PH

Tài công đã uống rượu?

Bà Nguyễn Thị Sa (52 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), vẫn chưa hoàn hồn, kể: "Tôi đi cùng cháu ngoại 3 tuổi từ Măng Tra về Sài Gòn thăm con. Lúc đó tôi ngồi gần sau lái, tay ẵm đứa cháu ngoại. Nghe tiếng chuyển "rắc rắc" rồi ụp luôn, không biết chuyện gì đã xảy ra. Chỗ tôi ngồi lại ụp xuống đáy sông nên hai bà cháu bị uống đầy nước lẫn dầu nhớt, đến khi tôi bới được các cần xé trái cây rồi chui ra. Tưởng đâu hai bà cháu tiêu rồi".

Anh Phan Khắc Long (ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách, Bến Tre) là cha của nạn nhân Phan Ngọc Thạch (16 tuổi) nói trong nước mắt: "Hôm qua cháu đi thăm người chị ở Sài Gòn. Cháu biết bơi nhưng theo nhiều người kể lại thì lúc đó cháu nằm trên võng, có thể là đang ngủ nên không phản ứng kịp". Do bị trái cây đè nên cho đến 9 giờ sáng qua xác của Thạch mới tìm được và đưa lên bờ, trong lúc mẹ của nạn nhân nhiều lần bị ngất xỉu.

Theo cơ quan điều tra thì tàu Hoàng Long đăng ký 49 khách, nhưng khi xảy ra tai nạn có tổng cộng 61 khách trên tàu cùng với hàng chục tấn trái cây (chưa rõ con số chính xác). Ngoài nạn nhân Phan Ngọc Thạch, 3 người khác bị thiệt mạng là: Võ Thị Sáu (82 tuổi, ấp Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Bến Tre), Võ Thị Kế (83 tuổi, ấp Phú Hòa, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, Bến Tre) và Nguyễn Thị Kiều Oanh (26 tuổi, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Theo trung tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang thì: "Nguyên nhân tai nạn có thể do tàu bị vướng lên bãi cạn, bị lật nghiêng rồi chìm. Điều này có liên quan đến ý thức chấp hành luật của tài công. Sau khi tai nạn xảy ra, tài công Đặng Thanh Long đã bỏ trốn cho đến 14 giờ chiều qua mới tới cơ quan điều tra trình diện". Trong khi đó, theo nhiều bạn hàng đi trên tàu thì tài công lúc nào bên người cũng có can rượu và khi xảy ra tai nạn đã có uống rượu. Trung tá Hùng xác nhận có nghe thông tin nói trên nhưng chưa xác định được và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân.                

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.