Chiêu trò cũ, sao mãi để bị lừa !

20/07/2020 05:39 GMT+7

Lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát... từng được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần, nhưng một số nạn nhân vẫn mất cảnh giác và bị “sập bẫy”.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều nạn nhân ở Tây Ninh, Đà Lạt (Lâm Đồng)... đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo. Cụ thể, một số người nhận được cuộc gọi giả danh công an dọa rằng đang điều tra đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền liên quan đến nạn nhân... Có nạn nhân vì quá lo sợ đã đến ngân hàng chuyển khoản cho nhóm lừa đảo hàng trăm triệu đồng để được “yên thân”, đến khi “tỉnh ngộ” thì đã quá muộn màng.

Hãy bình tĩnh suy nghĩ 5 phút !

Nếu mấy ông bà có liên quan đến đường dây ma túy hay rửa tiền thì tôi bảo đảm công an có mặt bắt trước khi ông bà kịp mở cửa, chứ đừng nói gọi điện thoại hù dọa. 

Huỳnh Quốc Vương

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã chia sẻ về những cuộc gọi “lạ” với những cách ứng xử và tâm trạng khác nhau. BĐ Bắc Thái kể: “Hôm trước họ gọi bảo tôi chuyển tiền để nhận quà từ nước ngoài gửi về. Tôi nói với họ là tôi chỉ có mấy chục cây vàng và tiền đô, nếu muốn ghé nhà tôi, tôi đưa chứ không có số tài khoản để chuyển đi. Chờ mãi chẳng thấy ai đến và cũng chẳng có món quà nào gửi cho tôi (!)”. Một BĐ tên Na cũng chia sẻ: “Hằng tuần điện thoại nhà tôi nhận ít nhất 3 cuộc gọi, mà câu mở đầu thường là: “Hiện nay quý khách có bưu phẩm...”. Nghe đến đây tôi đặt điện thoại qua một bên để họ tự nói một mình” và khuyến cáo “đừng trả lời bất cứ tin nhắn nào với những câu hỏi được nhắn từ số lạ”.
Đồng tình với ý kiến này, BĐ Chánh Trung cho rằng: “Bình tĩnh suy nghĩ 5 phút là biết bị lừa liền! Tiền làm cực khổ lắm mới có được, không tự nhiên trên trời rơi xuống. Tham là thâm!”.

Có hay không thông tin cá nhân bị lộ, lọt ?

Thời 4.0 còn bị lừa kiểu cũ rích. Gặp tôi, tôi kêu “giỏi thì qua nhà mà bắt”. Biết thông tin tôi liên quan đến ma túy thì biết địa chỉ nhà rồi còn gì? 

Hoàng Emma

Bài viết Cuộc gọi lừa đảo lại bùng phát đăng trên Báo Thanh Niên đã dẫn lời chuyên gia về an ninh mạng, nhận định tất cả vụ lừa đảo qua điện thoại hay qua mạng, email... cho thấy những kẻ lừa đảo nắm được thông tin về nạn nhân bị lừa; có sự phân tích, tổng hợp và kể cả tính toán về yếu tố tâm lý để thực hiện lừa đảo. Đa số những người bị lừa đều có sẵn tiền trong tài khoản, có vướng mắc trong gia đình hay công việc, nên nghe hù dọa sẽ sợ. Tuy nhiên, điều này có thể tránh được nếu người dân thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Theo BĐ Nguyễn Truyền, công an đã thông báo rõ ràng rồi mà ít ai chịu chú ý, rằng: “Công an hoàn toàn không làm việc với nhân dân trong bất kỳ trường hợp cần điều tra, hoặc mời làm việc gì qua điện thoại, tin nhắn... Công an cần gì sẽ thông báo đến công dân bằng văn bản hẳn hoi. Xin lưu ý! Đừng để bị lừa rất lãng nhách!”. “Quá đơn giản nhưng một số người cứ bị lừa hoài. Hãy cảnh giác bà con ơi”, BĐ Nguyễn Quý nhận xét.

Thật khó hiểu là bây giờ nhiều người vẫn không có thói quen đọc báo, nghe tin tức qua truyền hình, đài phát thanh... Nếu nắm bắt thông tin thì đã không mắc lừa bọn lừa đảo. 

Robin

Tuy vậy, qua hàng loạt những vụ việc nạn nhân bị lừa đảo, nhiều BĐ cũng đặt vấn đề có hay không việc số điện thoại, dữ liệu cá nhân của người dân bị lộ, lọt. BĐ Lê Ngọc Minh đề nghị: “Hãy xem lại các tổ chức tín dụng xem có bị “chuột” lẻn vào không? Tại sao mỗi lần có ai chuyển vào tài khoản một lượng tiền lớn là y như rằng trong ngày ấy sẽ có điện thoại nói rằng có “bưu phẩm” gửi đến cho mình và yêu cầu làm theo chỉ dẫn đã được lập sẵn. Đề nghị công an vào cuộc để người dân không bị lừa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.