Chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu tâm dịch

01/08/2020 08:00 GMT+7

Sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu tâm dịch, các chiến sĩ áo trắng không quản khó khăn, hiểm nguy mà chỉ biết chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân nhiễm bệnh, góp phần ngăn chặn đại dịch Covid-19 .

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để hỗ trợ cho Đà Nẵng, trực tiếp là Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng, BV Đà Nẵng và BV đa khoa T.Ư Quảng Nam, kíp chuyên gia của BV Bạch Mai đã đến Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 28 - 29.7, mới nhất là một kíp tăng cường ngày 30.7. Hiện có 7 kíp hỗ trợ với 30 bác sĩ (BS), điều dưỡng, kỹ thuật viên của BV Bạch Mai đã có mặt tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Trước đó, kíp BS của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng đã ra Đà Nẵng, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 nặng. Trong đó, BV đa khoa T.Ư Quảng Nam có vai trò tiếp nhận các BN từ Đà Nẵng chuyển ra, cần được nâng cao năng lực chuyên môn.
Chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu tâm dịch

Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai tại buổi hội chẩn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Ảnh: Tạ Toàn

Khẩu trang như có thể vắt ra nước vì mồ hôi

Để ghi nhận hoạt động bên trong của tuyến đầu tâm dịch, PV Thanh Niên gặp không ít khó khăn bởi y BS của Đà Nẵng, cũng như các ê kíp y BS từ TP.HCM và Hà Nội tiếp viện, đang chạy đua với thời gian để chữa trị kịp thời cho BN.

Ngành y tế tập trung lực lượng tinh nhuệ để dập dịch ở Đà Nẵng

Tối 30.7, Bộ Y tế quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương này ứng phó tốt hơn với dịch Covid-19. Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý môi trường y tế; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP.HCM.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25.7. Toàn bộ lực lượng này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư”, thành viên của đoàn công tác chia sẻ.
“Ngành y tế tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các chuyên gia ở các BV đầu ngành đến Đà Nẵng hỗ trợ địa phương này chống dịch. Bộ Y tế cũng thành lập đội thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng”, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh.
Liên Châu - Lê Hảo

Bộ Y tế thành lập "Bộ chỉ huy tiền phương" chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

“Khó khăn chung trong quá trình điều trị, chăm sóc BN là thời tiết tại Đà Nẵng đang nóng, trong khi phòng bệnh phải mở cửa, không thể chạy điều hòa để đảm bảo không khí thông thoáng, kiểm soát lây nhiễm chéo. Quạt cũng không thấm gì so với sức nóng được “tăng cường” do bộ bảo hộ phòng dịch mà các nhân viên y tế mặc hằng ngày”, một BS chia sẻ.
“Có khi bỏ được bộ bảo hộ, đầu tóc ướt sũng như đi lặn, còn khẩu trang tưởng như có thể vắt ra nước vì mồ hôi. Có lẽ, cả người không chỗ nào khô do mồ hôi ngưng đọng sau nhiều giờ trong trang phục bảo hộ”, một BS đang được tăng cường tại Đà Nẵng cho hay. Dù vất vả, nhưng các BS vẫn khẳng định: “Các BS của y tế Đà Nẵng cũng như tất cả chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc chuyên môn, sát sao theo dõi sức khỏe các BN”.
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy, cũng là BS đã tham gia điều trị cho BN Covid-19 thứ 91 (phi công người Anh), là đội trưởng đội phản ứng nhanh số 1, đã có mặt tại BV Đà Nẵng ngay từ ngày 24.7. Một tuần qua, anh vẫn tiếp tục chung sức cùng các đồng nghiệp ở tuyến đầu điều trị cho BN Covid-19 tại BV Đà Nẵng.
Vừa nhận cuộc gọi của PV Thanh Niên, BS Linh nói nhanh: “Hiện giờ, tụi anh không có thời gian để nói chuyện điện thoại đâu”. Theo BS Linh: “Các BS, nhân viên y tế ở ngoài đây đang bận liên tục, phải sắp xếp, phân công rất nhiều việc trong công tác điều trị vì số lượng ca nhiễm đông và BN nặng, có sẵn bệnh nền mạn tính. Vì vậy, việc điều trị cho các BN cần theo dõi sát sao 24/24, phối hợp nhiều chuyên khoa và điều trị chẩn đoán của nhiều BS đầu ngành. Các BS, nhân viên y tế không thể lơi ra bất cứ giây nào”.
“Mọi người không có đủ thời gian ăn, nghỉ nữa thì lấy đâu lúc nào mà suy nghĩ tâm tư, tâm sự hay liên lạc trò chuyện với gia đình. Điều duy nhất trong suy nghĩ chỉ là chạy đua với thời gian điều trị, lo cho BN, theo dõi và xử lý cấp cứu kịp thời từng diễn biến bệnh”, BS Linh nói và cúp máy. Chỉ trong chưa đầy 2 phút, anh nói rất nhanh, cúp máy rất vội và nghe lao xao trong điện thoại bên phía anh là những âm thanh điều trị, trao đổi của các nhân viên y tế.
Chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu tâm dịch

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng đồng nghiệp cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng trong đêm tại Bệnh viện Đà Nẵng

Ảnh: BVCC

Cuộc chiến này nhất định phải khỏe !

Câu chuyện các BS tại BV Phổi Đà Nẵng tự cắt tóc để sẵn sàng chống dịch đã làm nhiều trái tim rưng rưng cảm phục. Hay ở trong tâm dịch, nhiều BS trẻ tạm gác lại nỗi nhớ nhà, nỗi lo cho những đứa con nhỏ, lo cha mẹ già ốm đau, nguy cơ nhiễm bệnh không ai chăm sóc, các BS gồng lên, cổ vũ nhau phải thật khỏe để “chiến” đến cùng. “Cuộc chiến này nhất định phải khỏe để chiến thắng, chiến thắng vì BN của mình, vì chính những người thân của mình ở bên ngoài kia”, một BS chia sẻ.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 1.8: Thêm 12 bệnh nhân mới ở Đà Nẵng

Tiếp sức từ bệnh nhân cho đến bác sĩ

Trong khi đó, hơn 300 BN chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng cũng được đưa đi cách ly tại một khách sạn trên địa bàn Q.Sơn Trà, có địa phương hỗ trợ thực phẩm, dinh dưỡng. Hằng ngày có xe của BV Đà Nẵng cùng với y BS hỗ trợ đưa BN thận đến BV Đà Nẵng chạy thận nhân tạo, chạy thận xong xe lại đưa về khách sạn cách ly.
Các y, BS BV Đà Nẵng chia sẻ những ngày qua họ rất ấm lòng với sự tiếp sức rất nhiều từ cộng đồng và luôn giữ niềm tin chúng ta sẽ vượt qua được trận chiến gian nan này. “Chúng tôi vô cùng tri ân điều đó, nhưng xin hãy quan tâm đến các BV khác, cũng đang tiếp nhận và điều trị bệnh nặng, BN Covid-19. Họ cũng đang rất khó khăn”, một BS BV Đà Nẵng đăng dòng chia sẻ trên trang cá nhân khi lo lắng cho các đồng nghiệp ở BV khác. “Hiện những BV khác như Ung bướu, 199, Sản Nhi cũng đang rất cần tiếp tế. Vật phẩm tiếp tế quan trọng nhất lúc này chính là khẩu trang N95 để bảo vệ, phòng tránh nhiễm khuẩn”, một BS viết trên Facebook.
An Dy
Hầu hết các BS nam trong khu vực cách ly BV Đà Nẵng động viên nhau dành thời gian luyện tập thể thao mỗi ngày để tăng cường đề kháng phòng chống dịch. “Chúng tôi sẽ sống khỏe và chiến đấu đến cùng. Xin đừng quá lo lắng cho chúng tôi mà hãy ở nhà, tránh di chuyển, tránh làm phức tạp tình hình dịch bệnh ở cộng đồng”, một nữ điều dưỡng tại BV Đà Nẵng kêu gọi bạn bè trên trang cá nhân.
BS CK2 Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết hiện tại, các BN tại BV Đà Nẵng đã được đưa đi điều trị cách ly ở các BV trên địa bàn TP, người nhà BN cũng được đưa đến các khu cách ly để theo dõi. Chính vì vậy, các BS, nhân viên y tế tại các BV bị phong tỏa không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn là chỗ dựa tinh thần, chăm sóc cho người bệnh.
ThS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ điều trị của Bộ Y tế “trực chiến” tại Đà Nẵng, cho hay: “BV Bạch Mai đã điều động tới Đà Nẵng các chuyên gia về hỗ trợ tâm lý để động viên nhân viên y tế đang căng mình chống dịch ở Đà Nẵng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.