'Chia' tiền đã quá khả năng cân đối của ngân sách 150.000 tỉ

Vũ Hân
Vũ Hân
29/10/2018 13:21 GMT+7

Phân bổ vốn đầu tư công trung hạn tưởng rất minh bạch, nhưng trên thực tế, các địa phương hàng năm vẫn phải về T.Ư “trình bày” để được phân bổ số vốn đã cam kết, mà vẫn không được nhận đủ, do ngân sách thiếu.

Bố trí vốn “không đúng luật”, “kém hiệu quả”, “dàn trải”, “xin - cho”
Đây là thực tế đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra khi thảo luận về kế hoạch đầu tư công sáng nay, 29.10.
Dù không phủ nhận những thành tựu đã đạt được với kế hoạch đầu tư công trung hạn và luật Đầu tư công mới, nhưng đại biểu Hàm vẫn “xin nêu một vấn đề” là phương án phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư mà Chính phủ trình cho 2 năm tới “không đúng quy định của luật Đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả, tạo cơ chế xin - cho”.
Theo đại biểu, phương án Chính phủ trình Quốc hội không có danh mục dự án và chia vốn đầu tư của T.Ư vượt số tiền có thể cân đối được, chia cả số tiền đã phân bổ cho các dự án trong kế hoạch trung hạn.
Dẫn trang 27 báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hàm cho biết, 2 năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí để chi đầu tư của T.Ư (từ nguồn thu, nguồn vay, nguồn thoái vốn, cổ phần…) chỉ được khoảng 414.000 tỉ (dự toán 2019 trình Quốc hội là 197.000 tỉ đồng; dự kiến năm 2020 trên nền phấn đấu cao cũng chỉ được 217.000 tỉ đồng), còn thiếu đến 60.000 tỉ cho các dự án đã có danh mục (khoảng 475.000 tỉ đồng). Nếu sử dụng tiếp vốn dự phòng của T.Ư sẽ thiếu khoảng 150.000 tỉ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc các dự án đã “có tên” trên cả nước sẽ bị cắt giảm số tiền tương ứng, dẫn đến tình cảnh khó tránh khỏi là các dự án bị chậm tiến độ, dàn trải; chưa kể đến việc “gá chân” thêm các dự án mới.
Việc này, theo đại biểu là “vi phạm luật Đầu tư công, phá vỡ thành quả của việc cơ cấu lại chi đầu tư với thành tựu nổi bật là chống dàn trải, nợ đọng, chỉ quyết định dự án khi cân đối được nguồn và cách làm này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau”.  
Chưa kể đến, việc hợp thức hóa nhu cầu bằng các cam kết bố trí vốn trong trung hạn, khi thực tế hàng năm không cân đối đủ nguồn sẽ tạo ra cơ chế xin - cho; cộng thêm việc bổ sung ODA 60.0000 tỉ đồng và điều chỉnh sang đầu tư từ ngân sách một số dự án PPP của tuyến đường ven biển đều chưa cụ thể được nguồn, nên mức độ dàn trải, xin cho còn nặng nề hơn.
Vì thiếu trước, hụt sau, nên “hàng năm tỉnh phải về T.Ư trình bày cùng với các tỉnh, bộ, ngành khác, nhưng các dự án đang thực hiện vẫn không đủ vốn như cam kết. Kết quả là đầu tư của tỉnh sẽ dàn trải, chậm tiến độ, cả dự án cũ và dự án mới", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, đây là phương án phân bổ không minh bạch, vì dù có mức tiền cam kết trong trung hạn, nhưng tỉnh vẫn không biết mình được chia tiền thật là bao nhiêu.
Hoặc cắt bớt dự án, hoặc nới trần bội chi
Chỉ ra thực tế trên, đại biểu Hàm đề xuất 2 phương án phân bổ ngân sách.
Phương án 1 là nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đang trình, thì phải rà soát các dự án đã ghi tên, mức tiền để cắt giảm kế hoạch trung hạn đã giao cho các dự án không thể giải ngân hết vốn hoặc dự án mức độ cấp thiết ít nhất; mạnh dạn cắt giảm các dự án khó thực hiện, vì nếu có để “cũng chỉ là cam kết không có tiền thực, làm lớn thêm số tiền được ghi vào trung hạn; không có ý nghĩa”.
Phương án 2 là nếu Chính phủ thấy nhất thiết phải thực hiện phân bổ theo phương án đang trình, thì phải cân đối thêm nguồn, bằng cách xin Quốc hội cho sử dụng tăng thu ngân sách T.Ư 2019, 2020 (nếu có); báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn đang dư tại Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, còn thiếu thì nới trần bội chi trên cơ sở giữ trần nợ công (hiện nay trần nợ công còn dư địa để tăng bội chi). Nếu không muốn nới trần bội chi có thể cắt giảm một chút để phù hợp với nguồn vốn cân đối được.
“Để bảo vệ thành quả nhiều năm cơ cấu lại đầu tư công, đúng luật, không tạo kẽ hở cho cơ chế xin - cho, Chính phủ cần cân nhắc lại. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, để giải quyết thiếu hụt nguồn lực so với nhu cầu không thể tròn trịa được chỉ có hai con đường hoặc cắt giảm nhu cầu, giãn hoãn tiến độ một số dự án hoặc dùng giải pháp tình thế để tăng nguồn lực và có thể phải thay đổi một số mục tiêu”, đại biểu Hàm nói và nhấn mạnh, “minh bạch, công khai là các bộ, ngành, địa phương phải biết mình được T.Ư phân bổ bao nhiêu tiền, dự án nào”, chứ không phải vẫn phải hàng năm về “trình bày” như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.