'Chia phe' tranh luận quy định cấm cho thuê căn hộ

19/10/2020 06:06 GMT+7

Người ủng hộ cấm thì cho rằng khó quản lý, an ninh trật tự không đảm bảo... Ngược lại, bên ủng hộ cho thuê thì đặt câu hỏi: Tại sao không cho phép để quản lý tốt, dân có thêm thu nhập, nhà nước thu được thuế?

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Xây dựng cảnh báo việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng trên thực tế, việc cho thuê theo giờ, theo ngày, theo tháng các căn hộ chung cư đã và vẫn đang nở rộ khắp nơi.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hầu hết các căn hộ cho thuê ngắn ngày hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao... Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nên tìm ra giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Phức tạp lắm, chẳng ngủ nghỉ được gì

“Tôi phản đối chuyện cho du khách thuê căn hộ. Cái gì ra cái đó, làm ăn thì đăng ký làm nhà trọ, khách sạn... còn căn hộ để ở thì chỉ để ở, đừng nhập nhằng. Chung cư tôi có một số người cho du khách thuê căn hộ, phải nói là đông đúc, ồn ào... không ngủ nghỉ gì được. Phức tạp lắm. Thử nghĩ xem được ngày thứ bảy, chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi mà ồn ào không chịu nổi”, BĐ Gia Hòa bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Phúc Hưng viết: “Ở khách sạn còn riêng biệt, chứ ở căn hộ thì một nhà ồn, cả tầng lầu cũng ồn ào. Nhà có người già, em bé... thì làm sao? Tôi phản đối cho du khách thuê căn hộ. Nên tổ chức những block chung cư riêng chỉ dành cho thuê, ai muốn thuê thì qua đó ở, đừng ở chung với các hộ dân bình thường mà... phải chịu đựng lẫn nhau”.
Trong khi đó, BĐ Tú Trinh ngắn gọn: “Cứ theo luật mà làm. Luật không cho phép thì phải chấp hành, còn làm chui là vi phạm pháp luật”.

Cho làm, nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn

Là một người có căn hộ cho thuê, BĐ Công tâm sự: “Nói thật, tôi có một căn hộ ở gần biển Vũng Tàu, cũng cho thuê. Người ta thuê của tôi và một vài căn khác để làm du lịch: cho du khách thuê vào cuối tuần. Tôi thấy họ làm ăn cũng bài bản và cũng có khách, lắm khi không còn chỗ cho khách (mùa trước dịch Covid-19). Khách cũng thích ở kiểu này. Sao ta không hợp pháp hóa, để tạo thêm công ăn việc làm và nhà nước cũng thu được thuế?”.
Cùng ý kiến, BĐ Tuyết Vy nói thêm: “Cứ cái gì khó làm thì cấm có phải là cách quản lý tốt không? Tôi cho rằng cứ cho họ kinh doanh, vấn đề là phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, trật tự... như các hộ kinh doanh nhà trọ, khách sạn. Nếu họ chưa làm được thì mở lớp tập huấn cho họ (có thu phí). Chuyện homestay giờ phổ biến lắm rồi, sao mình lúc nào cũng sợ khó quản lý mà cấm?”. BĐ Tư Mắt Kiếng lại so sánh việc này với câu chuyện Grab - taxi, cùng là để phục vụ khách hàng, nên có thể xếp cho thuê căn hộ vào nhóm như kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, với yêu cầu là “có quản lý, thu thuế”.
“Tôi ủng hộ đề xuất của một chuyên gia đăng trên Thanh Niên, đó là thay vì cấm nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển thì nhà nước phải đưa vào luật để quản lý cho tốt, tránh các hệ lụy phát sinh và có thể thu được thuế từ những người kinh doanh trong lĩnh vực này”, BĐ Việt Cương bày tỏ.
Chung cư không phải là khách sạn, cư dân sống trong đó cần có kiểm soát người ra vào vì vấn đề an ninh. Nếu thuê để ở thì không ai thuê căn hộ theo giờ hay từng ngày...
bathoi
Nếu (chủ căn hộ) đăng ký và đóng thuế đầy đủ thì cấm làm gì? Cầu có - cung có, còn thiếu mỗi quản lý. Phải tìm ra cách quản lý để thu ngân sách - không lẽ cứ không quản lý được là cấm?
NPhong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.