Chia nhỏ, đổi tên dự án để xây trung tâm hành chính ngàn tỉ?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/09/2018 09:00 GMT+7

Dự án trung tâm hành chính tập trung từng bị Thủ tướng yêu cầu ngưng triển khai 3 năm trước đang được tỉnh Hải Dương tái khởi động bằng việc chia nhỏ, đổi tên và chuyển đổi hình thức đầu tư.

UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc điều chỉnh hình thức đầu tư công trình trung tâm hội nghị và quảng trường. Trước đó, tại tờ trình năm 2014, tỉnh này đề nghị xây dựng trụ sở HĐND - UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị; sân đường, quảng trường với tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lẫn một phần hỗ trợ từ T.Ư.
Đầu năm 2015, địa phương có tờ trình xin đổi sang hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) và được Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc, đồng thời lưu ý không dùng vốn ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, dự án đã bị tạm ngưng từ tháng 11.2015, khi Thủ tướng có công văn yêu cầu các địa phương tạm dừng việc xây khu hành chính tập trung.
Từ BT sang đầu tư ngân sách
Từ giữa năm 2017 đến nay, tỉnh Hải Dương liên tiếp có những động thái chuẩn bị cho việc tái khởi động dự án này mà điển hình nhất là công văn xin Thủ tướng điều chỉnh dự án khoảng 1 tháng trước.
Văn bản lần này có 3 điểm rất đáng chú ý. Đầu tiên là việc “chia nhỏ” dự án khi triển khai trước một phần là công trình trung tâm hội nghị và quảng trường với số vốn gần 650 tỉ đồng. Thứ 2, dự án nay mang tên mới là Trung tâm văn hóa xứ Đông (quy mô 6 tầng, gồm 1 tầng hầm, 4 tầng và 1 tầng áp mái, tổng diện tích xây dựng hơn 4.500 m2, tổng diện tích sàn là 19.633 m2 và quảng trường diện tích hơn 19.600 m2). Thứ 3, Hải Dương đề nghị chuyển từ đầu tư theo hình thức BT sang dùng vốn ngân sách bằng nguồn thu từ đấu giá sử dụng đất của dự án khu đô thị ven sông Thái Bình (Ecoriver). Điều đáng nói, tỉnh Hải Dương cho hay địa phương đã đấu giá đất xong và thu về 805 tỉ đồng từ trước khi xin Thủ tướng thay đổi hình thức đầu tư dự án. Trong khi đó, các công trình còn lại, tỉnh đề nghị giữ nguyên theo hình thức BT.
Nếu được thông qua, UBND tỉnh Hải Dương dự kiến triển khai dự án từ nay đến năm 2020.
Chưa rõ sự cần thiết, không có trong quy hoạch
Tham gia ý kiến về đề xuất này theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho hay với những tài liệu hiện nay thì chưa có cơ sở để xem xét sự cần thiết đầu tư dự án bằng ngân sách nhà nước. Do vậy, cơ quan quản lý xây dựng cho rằng, UBND tỉnh Hải Dương cần bổ sung kế hoạch thực hiện tổng thể dự án khu hành chính tập trung.
Cùng với đó, cần làm rõ mục đích, lý do cần phải phân kỳ đầu tư xây dựng trước công trình này trong tổng thể dự án Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương. Bộ Xây dựng cũng lưu ý Hải Dương rằng dự án đang tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung nói chung tại các địa phương. Văn bản của Bộ Xây dựng đồng thời nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đối với dự án này là không dùng tiền ngân sách.
 
Cũng cần nói thêm rằng, đề xuất tái khởi động dự án của tỉnh Hải Dương, ngoài việc tách riêng hạng mục trung tâm hội nghị và quảng trường để thay tên mới cho dự án còn khá “tế nhị” khi mà trước đó chưa lâu, đề xuất xây dựng khu trụ sở hành chính hợp khối của tỉnh Hà Giang đã không nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngay sau đó yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và giai đoạn này chưa nên đặt vấn đề xây dựng hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh. Chưa kể, đề xuất thay đổi hình thức đầu tư từ BT sang vốn ngân sách của tỉnh Hải Dương diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính đang đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.