‘Chỉ tiêu phải vừa bảo đảm tính khả thi cao, vừa nuôi dưỡng khát vọng’

Vũ Hân
Vũ Hân
20/08/2020 18:09 GMT+7

Sáng 20.8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 25, xem xét dự thảo lần thứ 5 Báo cáo chính trị cho Đại hội Đảng bộ TP, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

“Gương mẫu” được đưa lên vị trí đầu tiên

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Hội nghị lần thứ 25 này “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, vì sẽ thảo luận và thông qua toàn bộ các văn kiện trình Đại hội, là nội dung quyết định sự thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, quyết định sự phát triển của Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.
Trình bày những điểm thay đổi của Báo cáo chính trị mới, ông Nguyễn Văn Phong, Tổ trưởng Tổ thư ký - giúp việc Ban biên tập Văn kiện, cho biết Báo cáo chính trị lần này đã được tinh chỉnh. Thành tố “gương mẫu” đã được đưa lên vị trí đầu tiên. Tinh thần đổi mới, tính chất hiệu triệu được thể hiện rõ nét hơn.
Chủ đề đại hội được Hà Nội lựa chọn là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Chủ đề này được cho là “phù hợp với tinh thần và quyết tâm xây dựng Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.
Việc đưa thành tố “gương mẫu” vào vị trí đầu tiên cũng chính là thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Đảng bộ TP.Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.
Dự thảo Báo cáo chính trị còn bao gồm “5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm”, “3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu” trong giai đoạn 2020-2025, trong đó, Hà Nội xác định ưu tiên hàng đầu là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thủ đô trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tạo bước đột phá từ hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao...

Sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận

Tại báo cáo mới, Tiểu ban Văn kiện cũng đề xuất bổ sung 1 chương trình công tác về “Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị”, để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận trong nhiệm kỳ, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo ông Huệ, “chúng ta đã có một chương trình về xây dựng nông thôn mới. Với chương trình mới này, Hà Nội sẽ “đi bằng hai chân” để phát triển đồng đều hơn”.
Góp ý vào báo cáo, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho rằng, 2 vấn đề nổi cộm của nhiệm kỳ vừa qua là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nên cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết trong nhiệm kỳ mới, trong đó, cần xây dựng riêng một chương trình về môi trường mang tính dài hơi để có sự cải thiện rõ nét hơn.

Chỉ tiêu đặt ra phải “vừa khả thi, vừa nuôi dưỡng khát vọng và có tính đột phá”

Kết luận hội nghị, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, tương lai phát triển của Thủ đô “không phải là đường thẳng từ quá khứ đến tương lai”, mà có thể tận dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, để tạo ra bước phát triển đột phá. Vì vậy, các chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ mới phải vừa bảo đảm tính khả thi cao, vừa nuôi dưỡng khát vọng, quyết tâm và có tính đột phá.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sau Hội nghị, TP sẽ nhấn mạnh nội dung tăng cường phân cấp vào trong các văn kiện Đại hội. Ông Huệ cho rằng, mặc dù không có tình trạng phân cấp thiếu thực chất kiểu “tỉnh mở, sở đóng, huyện không có quyền, xã không biết nghe ai”, nhưng Hà Nội sẽ lưu ý, rút kinh nghiệm từ thực tiễn các địa phương để đưa việc phân cấp trong giai đoạn tới đi vào thực chất, nhất là gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
“Địa chỉ nào, đơn vị nào, cá nhân nào thiếu trách nhiệm, để chậm tiến độ các dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ công khai hết”, ông Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị vào ngày 19.9.
Tăng mục tiêu thu nhập đầu người vào 2025 thêm 200 USD
Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; GRDP đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt hơn 36.000 USD.
Thay đổi đáng kể nhất trong mục tiêu tổng quát nêu trên là về chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025. Theo gợi ý của Thủ tướng và Ban cán sự đảng Chính phủ, Hà Nội đã điều chỉnh mục tiêu phấn đấu, từ đạt mức 8.100 - 8.300 USD/người/năm trong dự thảo lần thứ tư lên thêm 200 USD, đạt từ 8.300 - 8.500 USD/người/năm vào năm 2025.
Hà Nội phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 có số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm đạt từ 9.000 đến 10.000 đảng viên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm và tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt hơn 75%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.