Chỉ còn nước mắt sau đám cháy ở xóm nghèo Cầu Ông Lãnh

02/12/2015 12:00 GMT+7

Sau vụ cháy dữ dội vào chiều 1.12, tại khu vực chợ Gà Gạo vào khuya, chúng tôi lặng người khi hai bên đường Yersin là cảnh lây lất của hàng trăm con người bỗng chốc không nhà cửa, không tài sản, chỉ còn lại nước mắt.

Sau vụ cháy dữ dội vào chiều 1.12, tại khu vực chợ Gà Gạo vào khuya, chúng tôi lặng người khi hai bên đường Yersin là cảnh lây lất của hàng trăm con người bỗng chốc không nhà cửa, không tài sản, chỉ còn lại nước mắt.

Chị Thủy cùng hàng xóm buồn bã nghĩ về giấy tờ, đồ đạc chưa kịp mang ra - Ảnh: Bùi ThưChị Thủy cùng hàng xóm buồn bã nghĩ về giấy tờ, đồ đạc chưa kịp mang ra - Ảnh: Bùi Thư
“Còn mỗi bộ đồ”

Ngồi cùng một vài người hàng xóm sau vụ cháy kinh hoàng, chị Thủy, ở số nhà 139 khu chợ Gà Gạo đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM) ôm một bên tay vừa đi chích thuốc vì chóng mặt. Chị bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đám cháy xảy ra là tui đang nướng chuối đi bán. Tui ở nhà cây nên coi như không kịp lấy bất kì giấy tờ gì mà chỉ kịp chạy thoát thân. Còn có bộ đồ dính da thôi, thằng con đi học về cũng vậy, ở ngoài đường từ chiều giờ không còn gì hết. Sách vở, quần áo, tiền bạc, giấy tờ cháy rụi hết rồi…Tới bộ đồ còn không còn để mặc”.

Thẫn thờ nhìn con trai, chị Thủy kể tiếp: “Lúc đó cháy quá trời cháy. Tui leo lên cố gắng lấy giấy tờ thì vừa mở nắp hầm là lửa phừng phừng. Chỉ lo chạy thoát thân thôi, không còn nghĩ được gì. Tiêu tan hết rồi…”. Bà Hoa, hàng xóm chen vào: “Bây giờ mà vô nhìn nhà chắc chỉ còn nước mắt. Nhà đen thui, đồ đạc khét mùi. Giờ nhắm mắt tui còn thấy lửa đỏ bừng trước mặt, nhà cửa bao nhiêu năm tan tành trong phút chốc”.
Nhiều người dân vẫn ngồi đợi chờ, chấp nhận cảnh ‘màn trời chiếu đất’ - Ảnh: Bùi Thư
Bà Bình, nhà ở số 113 khu chợ Gạo, cũng buồn bã nhìn về phía khu nhà giờ một màu đen. Bà cho hay lúc hỏa hoạn mọi người đang ngủ trưa: “Con bé cháu nằm kế, trời cúp điện nên tui cởi đồ con nhỏ ra cho mát không thôi nó khóc. Lúc vừa mới mở mắt là nghe mùi khét, tui la lên là thấy lửa bốc nghi ngút. Lật đật ẵm con nhỏ chạy ra thì coi như cháu tui không còn gì để mặc. Có người mới ghé qua cho được bộ đồ chứ đâu còn gì”.
“Chớp mắt mất căn nhà mấy chục năm dành dụm”
Chóng mặt sau cơn hoảng loạn do vụ cháy, bà Ánh, ở nhà số 142 khu chợ Gà Gạo, giơ đống quần áo cháy xém ở cạnh kể lại: “Đám cháy bắt to từ trên xuống nên không thể lấy được bất cứ cái gì vì đồ đạc tui để trên lầu ba hết. Lúc xảy ra chuyện tui đang giặt đồ, đồ mà ngâm trong nước lôi ra còn cháy rụi huống gì giấy tờ, tiền bạc. Trời ơi, nhà vậy mà chớp mắt cái là mất. Mấy chục năm dành dụm mới có được căn nhà, giờ tui gần 60 rồi biết làm sao…”
Vợ chồng bà Sáu bị choáng sau đám cháy lớn, thẫn thờ nghĩ đến căn nhà trong biển lửa - Ảnh: Bùi Thư
Lôi trong túi bộ đồ cho đứa con gái, mặt bà Ánh tiu nghỉu: “Tội nghiệp con nhỏ không còn đồ để mặc, tui mới mua cho bộ đồ tròng vô đỡ. Sách vở con bé đi học về, mới mua đồ cho nó thì bị cháy đen hết. Mà cũng may, cháy lúc chiều tụi nhỏ không có nhà nên không đứa nào bị sao hết. Chỉ thương tối nay ngủ ngoài đường, lỡ trời mưa không biết tính sao”.
Ông Hoàng, hàng xóm bà Ánh không giấu được nỗi buồn nói: “Giờ không còn gì hết, chỉ còn cái mạng này thôi. Trước lúc cháy là cúp điện, nóng quá tui ra ngoài đường đứng thì thấy nhà nó phực lửa, chạy vô tối thui đâu thấy được gì mà khói thì bốc lên. Giờ sáng điện vô coi thì nhà nó cháy rụi hết. Hồi nào chăm chút nhà cửa, con bé cháu nó dán này dán nọ lên tường giờ nhìn vô chỉ còn mảng đen thui. Bước vô còn nghe mùi khét, còn đâu là cái nhà nữa”.
 Bà Ánh gỡ trong bao bộ đồ mới mua: “Cháy hết giờ phải mua đồ cho con nhỏ thay đồ đi học để mai còn có cái mặc” - Ảnh: Bùi Thư
Ở số nhà 146 cùng khu chợ Gà Gạo, bà Nguyễn Văn Sáu (57 tuổi) ngã người lên tấm cửa cuốn, mỏi mệt lắc đầu: “Tới giờ vẫn chưa tin được là đám cháy nó nhanh như vậy. Đúng là giặc lửa”. Nói đến đây, bà Sáu nước mắt chực trào: “Giờ vô nhìn căn nhà chắc xỉu nữa chứ còn nước mắt đâu mà khóc. Hai vợ chồng tui già rồi, nhà cửa do bố mẹ để lại chứ giờ làm gì kiếm đủ tiền mà mua nhà ở Sài Gòn này…”.
Còn được gì hay cái đấy
Hàng trăm người dân khệ nệ cùng đồ đạc người ngồi, người nằm dài trên đường Yersin. Đôi dép, cái bàn, mền mùng, chiếu gối giờ cũng là tài sản. Có người muốn vào nhà xem còn lấy được gì ra nữa cũng phải chạy đi mượn dép của hàng xóm vì “ban chiều tôi chạy nhanh quá rớt mất chiếc dép”.
Nhiều người già và trẻ em chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy - Ảnh: Bùi Thư
Tìm lại được chiếc bàn inox để bán chè trong đống đổ nát, bà Ánh mừng như bắt được vàng: “Tui tưởng cháy mất hoặc ai khiêng đi rồi. Cái bàn này tui bán chè hàng ngày, giờ không biết còn vốn để bán không nhưng còn cái bàn là còn may”.
Trong suốt buổi tối, yên ắng được chút lại nghe tiếng những người công an, dân phòng hò hét yêu cầu người dân ở bên ngoài vùng giải tỏa để lực lượng chức năng tiếp tục dập lửa vì lửa vẫn còn âm ỉ trong quần áo, bình gas gây nguy hiểm. Nhiều người tâm lý tiếc của, vẫn lặn lội đi vào để tìm lại đồ đạc.
Nhiều người mệt mỏi ngủ quên bên tài sản còn sót lại - Ảnh: Bùi Thư
Dù được cung cấp cơm hộp, bánh mì, chỗ ở tại Đình Ông Hổ ở gần đó nhưng nhiều người vẫn ở lại chấp nhận cảnh “màn trời chiếu đất” để giữ đồ đạc. Bà Ánh tiếc rẻ: “Tui ở đây đặng người ta bắt loa kêu còn biết đường mà có mặt. Giờ nhà cửa trong đó, có là cục than nữa ai nỡ bỏ đi. Có chỗ để ngủ thì nhường cho trẻ em, người già chứ sao mà chứa hết nổi từng này người”.
Nhiều phần cơm, bánh mì được chu cấp cho những hộ dân bị thiệt hại trong cơn hỏa hoạn. Có bà nằm sóng soài ra chiếu, đuối sức nuốt không trôi, hàng xóm liền chụp ổ bánh mì nhét vô tay bảo: “Thôi ăn đi, ăn còn có sức mai chui vào đống đổ nát dọn dẹp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.