Chỉ còn 6 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh

11/11/2014 05:55 GMT+7

Hôm qua, QH thảo luận về những vấn đề tranh cãi cuối cùng xung quanh dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) và luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

* Vẫn chưa bỏ được con dấu

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại điều 6 của dự thảo luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Chi tiết được quy định tại các phụ lục của dự luật.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị bổ sung ưu đãi cho những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. “Khởi nghiệp cực kỳ quan trọng. Ở các nước, định chế ngân hàng đầu tư hỗ trợ người khởi nghiệp mà chúng ta chưa quan tâm việc này. Khởi nghiệp là ngân hàng đầu tư, định chế tài chính nhà nước phải hỗ trợ. Việc này tôi đề nghị bổ sung”, ĐB Lịch nói.

Giải trình việc tiếp thu dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết đã có một số ý kiến góp ý rất xác đáng của ĐB được tiếp thu vào bản dự thảo lần cuối này. Ví dụ, có ý kiến ĐB đề nghị gộp danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh (quy định trong dự án luật Doanh nghiệp) và danh mục lĩnh vực cấm đầu tư (quy định trong dự án luật Đầu tư) thành một danh mục và quy định trong một luật, cụ thể là trong dự án luật Đầu tư, để tránh chồng chéo. UBTV đã tiếp thu, chuyển danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định thống nhất tại dự án luật Đầu tư (sửa đổi). 

Nhưng ý kiến đề nghị bỏ quy định DN phải có con dấu nhằm giảm phiền hà không được tiếp thu. Theo ban soạn thảo, mặc dù ở nhiều nước hiện đã bỏ con dấu, dùng chữ ký số nhưng với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về DN phải có con dấu riêng.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng một số ý kiến ĐB đề nghị vẫn ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không hợp lý, vì quy định này nhiều năm nay đã không theo kịp thực tế, khiến DN phải tốn phí thêm nhiều thời gian, chi phí làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh mỗi khi phải thay đổi. “Tuy nhiên, như dự thảo, vẫn còn yêu cầu mã hóa ngành nghề kinh doanh cũng không nên vì việc này chỉ có tác dụng thống kê, nhưng gây rắc rối cho DN”, ông Lâm nói.

Thay đổi tư duy từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”

Phát biểu trước QH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết điểm mới  nhất của luật Đầu tư (sửa đổi) được đánh giá rất cao là thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật. Từ phương pháp truyền thống là “chọn-cho” đã chuyển sang “chọn - bỏ”.

Theo Bộ trưởng Vinh, “chọn-cho” nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật. Bởi vì xã hội cần quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới nên không thể đưa hết vào danh mục. Mỗi khi có phát sinh thì DN và người dân lại phải đi xin, xin các cơ quan quản lý nhà nước. Xin mà không có trong luật, người thích thì cho người không thích thì không cho làm cho rất tốn kém, khó khăn và không minh bạch. Ngược lại, “chọn-bỏ” là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến và minh bạch nhưng vô cùng khó làm. “Chọn-bỏ” là những gì cấm thì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm. Đây là một thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ và của QH, đặc biệt là UBTVQH rất ủng hộ việc này,  Bộ trưởng Vinh cho biết.

 

 

Trường Sơn - Mạnh Quân

>> Giảm gần 90% số ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.