Chè xanh ký sự

15/07/2020 06:06 GMT+7

Bát nước chè xanh gắn liền với tuổi nhỏ và những trang sách của tôi cho đến khi khôn lớn.

Năm 1980, lần đầu tiên tôi đi máy bay từ Đà Nẵng ra miền Bắc với giá vé 60 đồng một lượt và phải có giấy giới thiệu của Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đó là ông Phạm Đức Nam. Lý do, cả chức vụ và mức lương không đủ tiêu chuẩn. Nhưng đây là chuyến đi quan trọng: Ra miền Bắc ký hợp đồng mua hạt giống tận quê hương của giống chè số 1 Việt Nam ở Tân Cương, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).
1. Máy bay AN-26 đáp xuống sân bay Gia Lâm sau hơn một giờ rưỡi chao lượn trên bầu trời đầy mây. Theo tiêu chuẩn, tôi vào nhà ga mua một chai rượu gừng theo giá phân phối để làm quà khi đến nơi làm việc kèm theo một ký mực khô Hội An đã mang theo. Xe của Tổng công ty giống cây trồng tại Hà Nội hôm sau đưa tôi đến thủ phủ chè Tân Cương cùng một chuyên gia về giống cây công nghiệp.
Công việc diễn ra hết sức thuận lợi vì đã có sự bàn bạc trước của các cấp lãnh đạo ở Bộ Nông nghiệp. Kết quả là 5 tấn hạt chè giống Tân Cương đã được thỏa thuận mua bán để đưa về ương tại các nông trường chè Đức Phú và Quyết Thắng vừa mới thành lập ở Quảng Nam. Chai rượu gừng và một ký mực Hội An hảo hạng tối đó đã giúp cho việc tìm hiểu và làm việc của tôi suôn sẻ. Tôi không chỉ được đưa đi thăm các vườn chè cổ thụ sẽ cho các loại hạt giống tốt mà còn đến xem quy trình chế biến các loại chè truyền thống nổi tiếng ở đây.
Lần đầu tiên tôi biết thế nào là chất đất feralic, hay macma phù hợp với cây chè. Còn chè móc câu thì thu hoạch từ hái lá non, đem chè về phơi héo trên nong tre để khô sương rồi đưa vào lò sao, lấy hương, đóng gói ra sao. Tất cả đều làm thủ công và theo lối gia truyền của mỗi gia đình... Cứ nghe các cụ già kể chuyện làm chè và cứ gật đầu chứ thật ra cũng như “vịt nghe sấm” vậy!
Nhưng nhìn những vườn chè cổ thụ ở Tân Cương là một trải nghiệm thích thú. Lần đầu tôi nhìn những cây chè cao hai, ba mét, gốc lớn có đường kính vài chục cen ti mét và nhiều thế cây như bonsai rất đẹp. Có những gốc chè cổ thụ đến hơn 50 - 70 tuổi, bằng cả một đời người, lao lực để đem lại vị ngọt của những buổi thư giãn bên cốc chè xanh của bao thế hệ...
Sau này có lần đến vùng núi Thiên Nhẫn (Nghệ An), nhìn những cụ lớn tuổi cho đến lớp trung niên gọi nhau uống chè xanh pha mộc mỗi sáng, tôi lại càng hiểu thêm cái kỳ công của các nghệ nhân ở Tân Cương. Nhưng ở vùng Thiên Nhẫn, Nam Đàn, người ta vẫn lan truyền câu nói: “Gọi nhau sang nhà uống bát chè xanh là để chia sẻ những vui buồn lân lý, nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt...”.
Nghe câu ấy, tự nhiên tôi nhớ về tuổi thơ...
Chè xanh ký sự

Chè cổ thụ Tân Cương

ẢNH; TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

2. Nhà ông nội bác và ông nội ruột tôi cách nhau một khoảng sân. Cha tôi kể cứ mỗi 3 giờ sáng ông thường bị đánh thức bởi những làn ánh sáng ẩn hiện trên tấm phên tre phía sau bàn thờ. Làn ánh sáng ấy cứ lóe lên một lúc rồi mất biến trong đêm tối. Người chú út tôi mồ côi mẹ sớm nên ngủ với cha tôi là anh đầu. Khi thức giấc thấy hiện tượng trên đều ôm cứng lấy ông và khóc ré lên, cứ nói là... ma trên bàn thờ! Cha tôi yên lặng vỗ về đứa em, nhưng quan sát và suy nghĩ mông lung lắm. Cuối cùng ông phát hiện làn sáng ấy hắt ra từ cái ô vuông của tấm phên đất phía nhà bếp ông nội bác. Cha tôi ngồi dậy quan sát tiếp. Thì ra ánh lửa từ ngọn đèn trong bếp kia rọi thẳng vào ngay giữa bàn thờ nhà tôi. Mỗi lần ông nội bác đi qua đi lại trong gian bếp, thân hình ông che khuất làn sáng ấy. Đó là nguyên nhân của làn ánh sáng lúc có lúc không rọi vào bàn thờ nhà tôi.
Ông nội bác khuya nào cũng dậy nhen lửa nấu một om đất chè xanh. Khi nước sôi đủ để nắm chè lá ra hết chất, ông lấy chiếc cặp tre kẹp vào quai om đất, rót hết chè ra cái bát lớn đặt trên bàn. Bát nước chè “sủi tăm” kết tụ hàng trăm bóng nước xanh nhạt quanh miệng bát. Đợi cho chè hạ nhiệt vừa đủ, ông tôi mới uống. Lúc đó trời bên ngoài chưa sáng tỏ, nhưng tiếng mấy con gà trống ngủ ngoài chuồng trâu đã gáy vang mấy lượt...
Ông nội bác tôi đứng dậy, vác cày dắt trâu ra đồng mà trong bụng chỉ là bát nước chè xanh sủi tăm ấy. Đến nửa buổi thì ăn vài củ khoai lang luộc...
Những ngày nông nhàn, ông nấu nhiều chè hơn, rót ra vài bát, rồi gọi cha tôi hoặc vài người bà con chòm xóm sang uống cùng, bàn chuyện...
Cuộc sống đạm bạc miền thôn dã của các thế hệ cha ông tôi, ngoài việc đồng áng, đan lát, giỗ chạp ra, thì bát nước chè xanh và những câu chuyện quanh lũy tre làng hầu như là một thú vui không thể thiếu. Nghe kể rằng, ở quê tôi thuở ấy, trai gái các làng gần nhau cũng thường tụ họp hát đối đáp, hò kiến tại để thử tài nhau khá vui. Các ông tôi thời trẻ cũng có mặt trong những buổi như vậy, và bát nước chè xanh luôn là phần thưởng cho những người hát hay, đối đáp thông minh... Ấy vậy mà các cụ đều sống rất lâu, người nào cũng đến 80 - 90 tuổi khi râu tóc đã bạc phơ. Có người từng nói cái “hồn quê” tụ hội quanh bát nước chè xanh là vậy!
3.Đứa em con người cô ruột tôi sống ở làng Ngũ Giáp, bên cạnh gánh trầu cau của cô tôi để lại, còn có bán thêm chè xanh ở chợ. Một cô em họ hàng xa còn gánh chè xanh đi bán dạo quanh làng. Em tôi kể: Mỗi bó chè lớn khoảng 30 kg gọi là một bành chè bán với giá khoảng 300 ngàn. Em tôi mua về mở ra cột thành từng bó nhỏ bán lẻ, mỗi người mua độ 10 ngàn thì cả nhà uống trong một ngày.
Ca dao xưa ở Quảng Nam có những câu: Thấm lòng chia vị lòn bon/Chè tươi ai hái ngát hương An Bằng.
Hay: Bạc vàng ở tại Bồng Miêu/Cao Sơn, Phú Thượng biết bao nhiêu chè...
Hoặc: Ốc bươu Bàu Nghè, chè xanh Phú Thượng...
An Bằng, Phú Thượng là những vùng trồng chè nổi tiếng từ xưa. Ngoài ra, theo tập san Kinh tế Đông Dương, năm 1913, Quảng Nam có đến 10 đồn điền của người Pháp với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Công ty chè Lombard et Cie chiếm 500 ha ở vùng Tùng Sơn - An Ngãi (Hòa Vang); đồn điền trồng chè De la Geau chiếm 420 ha ở Đức Phú (Tam Kỳ). Giáo sĩ Mailllard (Cố Thiên) có mặt tại Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang ngày nay) vào năm 1884, tiến hành mua 250 ha đất để mở trang trại trồng chè và cà phê (theo Hương Thu). Tôi đến làng An Bằng vài lần và nghe kể từ giữa thế kỷ 19 một người đi lính Tây mang giống chè về làng trồng và sau đó hàng chục vườn chè được mở ra. Năm 1930, một người Pháp đến đây dựng nhà máy, thu mua và chế biến chè bán đi khắp Đông Dương. Ngày nay, ở An Bằng vườn nhà nào cũng có hàng trăm gốc chè để bán chè lá cho tiêu dùng nội địa. Vào nhà nào, việc đầu tiên là được chủ nhà mời uống chè mới nói chuyện. Hầu như người làng An Bằng nào cũng hãnh diện với vị chè của làng mình.
4.Trong văn học Việt Nam, ngoài hai câu ca dao gắn liền với Truyện Kiều: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều, thì có lẽ Nguyễn Trãi là người có những vần thơ nổi tiếng về chè ở nước ta với bài Loạn hậu qui Côn Sơn cảm tác với những câu “Hà thời kết ốc vân phong hạ/Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên” (Bao giờ dưới núi làm nhà/Nước suối trà pha, gối đá nằm) và: Say minh nguyệt chè ba chén/Thú thanh phong lều một gian...
Danh tướng Trần Quang Khải trước đó cũng viết về trà: “Mùa hè lại pha trà mời khách uống/Cơn mưa xong, gọi trẻ sửa chậu lan”... (Theo Trà Kinh, tiến sĩ Vũ Thế Ngọc, 2006)...
Chiến tranh đã làm cho nền công nghiệp chè non trẻ xứ Quảng tàn lụi. Các nhà máy do người Pháp xây dựng cũng không còn... Vài địa phương thuộc các huyện miền núi với giống chè bản địa, trong đó có Phú Thượng, An Bằng chỉ còn là những vườn chè nhỏ của gia đình nông dân đáp ứng cho tiêu dùng tại địa phương với cách nấu chè lá trực tiếp hay vò lá chè rồi hãm trong bình tích. Một dự án khôi phục nghề trồng chè và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP dường như đang được khởi động ở Quảng Nam, nhưng với những người làm chè ở An Bằng cũng mới là... trên giấy!
Từ đầu những năm 1980, khi các nông trường Đức Phú, Quyết Thắng mở ra với cây chè là cây trồng chủ lực, thì công nghiệp trồng và chế biến chè theo quy mô và kỹ thuật từ miền Bắc mới được khôi phục, nhưng hết sức khó phát triển như các thương hiệu ở Bắc Thái. Nhưng dù sao, chuyến đi mua hạt giống chè ở Tân Cương của tôi năm nào, cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.