Chạy nạn trước lũ dữ

20/10/2020 05:03 GMT+7

Vùng lũ Quảng Bình thu hút mọi sự chú ý khi hôm qua những tiếng kêu cứu vẫn chưa dứt, lũ lên nhanh và các cuộc ứng cứu vẫn cấp tập...

Lên mái nhà kêu cứu
Rạng sáng 19.10, PV Thanh Niên ở Quảng Bình bị đánh thức bởi tiếng mưa gió rít và cả những cuộc điện thoại lẫn tin nhắn khẩn. “Anh ơi, ba và cháu của em mắc kẹt trên mái nhà từ chiều qua”, “Nhà báo ơi, có hai vợ chồng đang kêu cứu”…

Xót ruột những tiếng kêu cứu trong cơn hồng thủy chưa từng thấy ở Quảng Bình

Tình người miền biển 

Giữa khung cảnh mênh mông lũ, có một chút yên lòng khi chứng kiến cảnh thuyền nhẹ của ngư dân đang len lỏi vào sâu từng ngõ xóm ngập nước, người trên thuyền đảo mắt xung quanh để tìm kiếm. Bên trong, hễ nghe tiếng máy thuyền, nhiều người dân bị nạn liền ra hiệu. Những gói quà gồm mì ăn liền, lương khô, nước đóng chai, kể cả bao đựng quần áo cũ... được quăng mạnh vào.
Những chiếc thuyền cứu nạn của ngư dân cũng liên tục đón người xin “quá giang”. PV Thanh Niên ghi nhận, kể cả lúc thuyền máy có sự cố, sắp hỏng nhưng chủ thuyền vẫn tấp vào cầu Phong Liên để cho một người đàn ông lên thuyền, rồi chở về nhà. Ông ấy là Đặng Công, nhân viên bảo vệ công trường nên phải trực suốt mấy ngày mưa lũ, giờ mới kịp tìm đường về giúp vợ con chạy lũ... 

Những “hiệp sĩ” làng biển đưa thuyền đánh cá cứu hộ vùng lũ Quảng Bình

Gần một ngày quần thảo cứu hộ người dân vùng lũ Lệ Thủy, nhiều thuyền của nhóm ngư dân Ngư Thủy Bắc chỉ chịu dừng lại khi máy bị hỏng. Nhưng họ quả quyết, hễ sửa máy xong là sẽ quay lại. “Gần như đi cả xã. Hiện thấy có 25 thuyền cá vào rồi, mỗi thuyền chuyên chở ứng cứu được rất nhiều lượt”, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Bí thư Xã đoàn Ngư Thủy Bắc, nhẩm đếm. Hôm qua, chính nữ thủ lĩnh thanh niên này cũng đã kêu gọi các bạn trẻ trong xã nhanh chóng vào vùng ngập lũ để cứu nạn. 
“Phong trào” ứng cứu ở vùng ven Lệ Thủy đang lan nhanh. Chị Nguyễn Thị Lớn, Chi hội Phụ nữ thôn Liêm Bắc (xã Ngư Thủy), cho hay hội viên đã góp tiền góp gạo, suốt đêm nấu được 200 suất cơm để gửi theo thuyền chở vào phân phát cho người dân vùng lũ. Họ cũng gửi theo hàng trăm thùng mì gói và rất nhiều sữa…
Trương Quang Nam
Bà Nguyễn Thị Nga (ở xã Phong Thủy, H.Lệ Thủy) đang đứng trên nóc nhà, thấy thuyền cứu hộ tới liền la hét thất thanh: “Xin hãy cho chúng tôi mì tôm, nước uống. Chúng tôi giờ không còn gì để dùng nữa rồi”. Nước lên quá nhanh, gần 100 con gà và 3 con heo nái đã bị cuốn. “Giờ vợ chồng tôi trắng tay rồi”, bà nghẹn giọng.
Ông Võ Chí Nghĩa (ở xã Phong Thủy) được cứu sau nhiều ngày mắc kẹt, lương thực dự trữ cũng đã cạn, và khi thuyền cứu hộ đến thì người thân đau ốm mới được chuyển đến bệnh viện. “Chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như thế này. Nhiều nhà dân ở vùng trũng thấp đã ngập tới nóc rồi. Họ đành bám lại vì không biết kêu ai. Mong các anh đến cứu sớm… Chắc giờ họ cũng chẳng còn gì để ăn qua bữa”, ông Nghĩa bần thần nói.

Người Quảng Bình lên mạng xã hội cầu cứu vì mưa trắng trời, lũ dâng quá nhanh

Mắc kẹt trong nhà gần 3 ngày với một gói mì ăn liền cầm hơi, ông Trần Duy Cảng (63 tuổi, ở xã Liên Thủy, H.Lệ Thủy) gần như kiệt sức khi được lực lượng chức năng dỡ từng viên ngói, đưa ra ngoài. Bước lên thuyền, ông nói câu được câu mất: “Tôi chưa bao giờ đầu hàng trước ai, nhưng nay có lẽ đã bị mưa lũ “quật ngã”… Tài sản bị lũ cuốn hết rồi”. Ông và hàng xóm đã vướng lũ lần hai chỉ sau mấy ngày. Lần này, ông khiếp sợ thật sự: “Nhiều người kêu cứu trong đêm, nhưng đáp lại chỉ là tiếng mưa trút, tiếng gió quật”.
Nhận 5 gói mì từ lực lượng cứu hộ, bà Mai Thị Miềng (cùng xóm ông Cảng) bật khóc. Đã mấy ngày nay, bà cùng đứa con trai tàn tật tá túc bên trong khung xe tải vì nhà ngập nước. May người dân trong xóm phát hiện, đưa mẹ con bà đến khu khô ráo có chiếc xe tải đang đỗ. Lương thực cũng không kịp mang theo để cầm hơi...
Chạy nạn trước lũ dữ

Ông Trần Duy Cảng được lực lượng dỡ từng viên ngói đưa đến nơi an toàn sau gần 3 ngày mắc kẹt

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Chi viện

Nhóm PV Thanh Niên lại thêm một ngày nữa tìm đường về tâm lũ Lệ Thủy. Quãng đường nối tuyến đường tránh lũ QL1 vào ngã ba Cam Liên trở nên chật chội vì hàng loạt xe cộ đậu hai bên đường. Khu vực này gần như trở thành bến phà trung chuyển người và hàng cứu trợ vào trung tâm huyện cũng như các địa bàn ngập lũ Kiến Giang, Xuân Thủy, Liên Thủy, Mỹ Thủy, Lộc Thủy, An Thủy...
Chúng tôi lên chiếc thuyền của một ngư dân. Chủ thuyền Trương Công Hoan, ở xã biển Ngư Thủy Bắc, đang chạy thuyền ngược vào vùng đồng bằng để ứng cứu.
“Tụi tui đi từ 11 giờ đêm qua (18.10 - PV). Nghe dân trong này kêu cứu dữ quá nên vội vô đây cứu người”, chủ thuyền nói. Từ QL1 kéo vào QL9C, ước chừng nước ngập ngang bụng. Nhưng thuyền càng vào sâu, thấy nhà cửa hai bên đường ngập đến phân nửa, nhiều nhà gần lút mái. Thuyền vội giảm tốc độ khi thoáng thấy có bóng người bên trong một ngôi nhà, chuyền vội gói hàng quà vào.

Cận cảnh cuộc giải cứu nghẹt thở 18 người trên xe khách bị lũ cuốn

Ở một hướng khác, chúng tôi vào vùng rốn lũ Lệ Thủy bằng ca nô của đoàn cứu hộ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình. Cũng vẫn khung cảnh ngập lụt mênh mông, nóc nhà “ngụp lặn” trong lũ. Lại cảnh người dân đang ngồi trên nóc nhà, vẫy vẫy...
Chạy nạn trước lũ dữ

Một người dân tháo ngói leo lên nóc nhà để lực lượng đến ứng cứu

ẢNH: C.X

Lệ Thủy, cùng với Quảng Ninh, là 2 huyện ngập sâu nhất Quảng Bình. Toàn tỉnh Quảng Bình, đến cuối ngày 19.10 ghi nhận hơn 89.350 ngôi nhà bị ngập, và riêng H.Lệ Thủy đã chiếm đến khoảng 30.000 nhà. Rất nhiều người không ai kịp trở tay. Gần như mọi hoạt động tê liệt. Mất điện suốt mấy ngày qua, nên người dân mắc kẹt không thể liên lạc được với bên ngoài. Tình hình càng lúc càng rối ren.
Đã hơn 2 ngày đêm, người dân vùng trũng ở Quảng Bình vật lộn với lũ dữ. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy, giọng cũng thảng thốt qua điện thoại: “Toàn bộ lực lượng của huyện túc trực và ứng cứu người dân từ hôm qua, suốt cả đêm qua. Căng thẳng hết sức!”. Ông Tình cho hay người dân kêu cứu rất nhiều, và địa phương cũng kịp ứng cứu nhiều trường hợp. Nhưng rồi, tình thế cấp bách buộc chính quyền H.Lệ Thủy cầu cứu lực lượng cứu nạn của tỉnh chi viện. Nhưng ông lại lo lắng khi các tuyến đến H.Lệ Thủy đều bị chia cắt.
Chạy nạn trước lũ dữ

Lực lượng ứng cứu đi dò tìm khắp các thôn xóm

ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Hôm qua, lại thêm một ngày lực lượng cứu nạn xoay trở như con thoi trong lũ dữ. Hàng chục tổ cứu hộ cứu nạn tiền phương của các lực lượng quân đội, công an, biên phòng tỉnh Quảng Bình đồn trú ở nhiều mũi, nhưng cũng chỉ biết hướng dẫn các phương pháp an toàn tại chỗ cho người dân. Mọi hy vọng đều trông chờ nhiều vào lực lượng cứu hộ tại chỗ (thôn, xã). Thuyền cứu hộ của lực lượng chuyên nghiệp cũng không “tự tin” khi lao đi trong đêm tối để vào vùng có người kêu cứu, chưa kể nguy cơ rình rập do vướng cây cối, dây điện...
Tối qua 19.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết địa phương đã phải điều động tất cả các lực lượng đi ứng cứu. Theo ông, lực lượng cứu nạn ở các xã, thôn đã nắm được từng vị trí, từng nhà cần ứng cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.