'Chạy' hộ nghèo

16/10/2014 05:55 GMT+7

Ở một số huyện ngoại thành thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận, hàng loạt những hộ được bình xét và đang hưởng chính sách hộ nghèo lại không hề nghèo.

Bên trong nhà chị L. - Ảnh: Nam Anh

Lò sấy vải được xây với giá 40 triệu đồng để cho khách thuê - Ảnh: Nam Anh

Năm 2014, bản danh sách hộ nghèo của thôn Thắng Trí, xã Minh Trí (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) được chốt ở con số 28. Tuy nhiên, theo những người dân trong thôn, có ít nhất 6 trường hợp không quá khó khăn để phải vào diện hộ nghèo. Theo họ, những hộ này đều đủ ăn, đủ mặc, chí ít cũng có nhà mái ngói bốn, năm gian, xe máy có, ti vi màu có.

Ở nhà mái bằng, buôn bán đất...

 

Gia đình có hai cháu, đều lớn cả. Một cháu năm nay vào cấp 3, cháu kia đi học nghề, nên bà con trong thôn cũng có nhiều chiếu cố, bình xét cho gia đình vào hộ nghèo... Như vậy, khi các cháu đi học sẽ được miễn giảm nhiều khoản

Chị T., thôn Tư Hai, xã Quý Sơn

Để làm rõ thực hư thông tin người dân cung cấp, chúng tôi đến hộ ông N.K. Qua ghi nhận thực tế, thời gian trước 7 người nhà ông K. sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 mái ngói cũ, 5 gian nằm ngay sát con đường bê tông liên thôn. Nói là nhà ngói cũ, nhưng nó còn chắc chắn và mới hơn rất nhiều những ngôi nhà khác trong thôn. Ít năm trở lại đây, theo xu hướng ở địa phương, gia đình ông K. cũng bỏ tiền ra thuê thợ về cất thêm một ngôi nhà mái bằng, đổ bê tông kiên cố, ngay bên là khu công trình phụ, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Kể từ khi cất được ngôi nhà mái bằng khang trang, ngôi nhà cấp 4 mái ngói trở thành nơi chứa đồ, để xe... Trong ngôi nhà mái bằng với diện tích sàn lên tới gần 100 m2, những vật dụng có giá trị tiền triệu như bộ bàn ghế sa lông, chiếc tủ đựng quần áo, chiếc ti vi màu. Đó là chưa kể những chiếc xe máy của các thành viên trong gia đình.

Gia đình đủ ăn là vậy, nhưng không hiểu sao trong danh sách 28 hộ nghèo của xã Minh Trí lại có tên gia đình ông K. Ông H., một người dân sinh sống cùng thôn, cho hay: “Ông K. vốn là kế toán của hợp tác xã đã về hưu. Vợ chồng ông K. còn khỏe mạnh và có thể tự chăn nuôi được, tăng gia thêm được. Còn con cái ông bà cũng khỏe mạnh, vẫn có thể tự kiếm được ra tiền. Đấy là chưa kể ông K. cũng từng buôn bán đất cát, tích lũy được khá tiền...  Như thế không thể gọi là hộ nghèo được”.

Tương tự, qua khảo sát, nhiều trường hợp hộ gia đình nghèo khác... đều có đất, có ruộng, cuộc sống kinh tế không đến nỗi quá khó khăn, nhưng lại được đưa vào danh sách hộ nghèo, hưởng chính sách hỗ trợ.

Hưởng lợi chính sách

 

120.000 tỉ đồng/năm dành cho giảm nghèo

Theo kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn lực cho công tác giảm nghèo đạt hơn 881.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 864.050 tỉ đồng; nguồn còn lại từ đóng góp của xã hội. Riêng giai đoạn 2011 - 2013 nguồn lực dành cho giảm nghèo là 364.000 tỉ đồng, tương đương 120.000 tỉ đồng/năm.

Vốn nổi tiếng với sự “thay da đổi thịt” từ cây vải thiều và chỉ nằm cách thủ đô Hà Nội không quá trăm cây số, nhưng năm 2014 xã Quý Sơn của H.Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cũng có tới 218 hộ nghèo. Và cũng như ở Thắng Trí, danh sách hộ nghèo ở Quý Sơn thật sự có “vấn đề”. Cụ thể, nhiều hộ khi có con lớn vào cấp 3, cao đẳng, đại học, hay học nghề... đã tìm cách “lo” hộ nghèo, nhằm để con được miễn giảm học phí, cũng như hưởng một số chính sách khác.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, tuy không quá rộng, quá khang trang, nhưng cũng đầy đủ các vật dụng cần thiết như đài, quạt, ti vi, xe máy... chị T. (nhà ở thôn Tư Hai, xã Quý Sơn) giọng thật thà: “Gia đình có hai cháu, đều lớn cả. Một cháu năm nay vào cấp 3, cháu kia đi học nghề, nên bà con trong thôn cũng có nhiều chiếu cố, bình xét cho gia đình vào hộ nghèo… Như vậy, khi các cháu đi học sẽ được miễn giảm nhiều khoản”. Thực tế, ngoài khoảng thời gian làm ruộng và chăm lo cho vườn vải thiều của gia đình, chị T. chăm chỉ cùng chồng đi chợ sớm, mổ lợn thuê trong xã... nên thu nhập cũng không đến nỗi.

Trong khi đó, một hộ nghèo khác ở Quý Sơn lại cho biết trường hợp như nhà chị T. không phải cá biệt và tình trạng “lo” hộ nghèo ở Quý Sơn diễn ra khá phổ biến. “Khi có con em tới tuổi đi học, nhà có người ốm đau... là y như rằng họ sẽ xin xỏ này nọ với thôn, với xã để vào hộ nghèo”, người này nói.

Còn tại thôn Tư Một (xã Quý Sơn), gia đình chị L. năm nay cũng được bình xét đưa vào hộ cận nghèo và trong năm tới sẽ chính thức hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Tuy nhiên, với những gì vợ chồng chị L. hiện có, gồm: 4 sào đất ruộng trồng lúa, vườn vải thiều 4 sào và cho thuê mặt bằng, cho thuê lò sấy vải quả… thì mức thu nhập không thể dưới 400.000 đồng/tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay gia đình nhà chị L. cũng có một cháu gái vào lớp 10 và sẽ còn học lên cao nữa, do vậy gia đình cũng tìm cách “lo” hộ cận nghèo.

“Tiến hành đúng 3 bước”

Trả lời PV Thanh Niên, cả ông Trần Văn Sáng, Phó chủ tịch xã Quý Sơn và ông Nguyễn Văn An, Phó chủ tịch xã Minh Trí, nói việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Quý Sơn và Minh Trí được tiến hành theo đúng 3 bước như quy định chung. Tuy nhiên, trong quá trình bình xét, do cán bộ thôn còn nể nang, tình làng nghĩa xóm muốn giúp đỡ nhau, nên một số trường hợp trong xã không đến nỗi khó khăn nhưng cũng được đưa vào danh sách hộ nghèo.

Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH), thừa nhận ở Bắc Giang tình trạng lãnh đạo thôn, xã giúp đỡ người nhà vào hộ nghèo… diễn ra khá nhiều. Những trường hợp này, chủ yếu để được hưởng hỗ trợ chính sách giáo dục và hưởng BHYT.

Sẽ giảm dần chính sách kiểu “cho không”

Hôm qua, tại cuộc họp báo về Giảm nghèo bền vững tới năm 2020 của Bộ LĐ-TB-XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định thời gian tới sẽ giảm dần các chính sách kiểu cho không, tránh tâm lý ỷ lại của người dân. Sắp tới, hộ nghèo không thể ở mãi trong diện nghèo, nếu không chuyển biến sẽ phải xem xét lại.

Trả lời câu hỏi về giải pháp của Bộ LĐ-TB-XH nhằm giảm tình trạng không công bằng trong việc bình chọn hộ nghèo, ông Đàm nói: “Từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách đều phải làm chặt chẽ. Thông qua đó để hạn chế tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị, bổ sung kịp thời. Nếu không kiểm tra thường xuyên, thậm chí trưởng thôn có thể đưa người họ hàng vào”.

Trước đó, ngày 12.10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết cơ quan này đã nhận được phản ánh về tình trạng “chạy” hộ nghèo tại một số địa phương. Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét lại. Địa phương nào làm trái với hướng dẫn, dứt khoát không được công nhận. Nếu cần thiết sẽ hủy kết quả bình xét để đảm bảo đối tượng người nghèo được hưởng đúng chế độ. Bộ LĐ-TB-XH  đang lấy ý kiến để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo báo cáo Chương trình quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 7,8% năm 2013. Tốc độ giảm trung bình 2% năm, riêng huyện nghèo giảm 5% năm. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo cao, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm. Cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo, 1 hộ nghèo mới. 

T.Hằng

Hà An - Xuân Bùi

>> Xử lý sai phạm trong trợ cấp hộ nghèo
>> Tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc
>> Thích làm “hộ nghèo”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.