Chạy 'bão' Covid-19: Những chủ trọ tốt bụng

Trần Tiến
Trần Tiến
20/07/2021 05:30 GMT+7

Nhiều chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng.

“Người thuê cũng là người nuôi mình nên giảm tiền trọ là điều cần thiết trong lúc dịch khiến nhiều người khó khăn. Mình làm nhà trọ lâu nên cũng hiểu hoàn cảnh của họ, giờ lá lành đùm lá rách”, ông Lê Phước Tuấn (48 tuổi, chủ nhà trọ tại P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nói.
Từ ngày 25.6, UBND TP.Thủ Đức đã có văn bản yêu cầu 34 phường trên địa bàn vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay.

Chủ tịch TP.HCM gửi tâm thư, nêu 8 giải pháp trọng tâm kiểm soát Covid-19

San sẻ gánh nặng

Nhiều phường trên địa bàn TP.Thủ Đức đã chỉ đạo các khu phố, công an khu vực trực tiếp xuống tìm gặp, vận động chủ trọ giảm tiền thuê phòng trong thời điểm dịch. Đây là kế hoạch được TP.Thủ Đức kịp thời triển khai từ thực tế tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM hiện nay. Ảnh hưởng của dịch, nhiều người lao động phải nghỉ việc nhằm đảm bảo công tác phòng chống Covid-19. Một số khác như người bán vé số, xe ôm, bán hàng rong, ve chai... cũng bị tác động mạnh khi thu nhập giảm sút đáng kể.
 Đại diện P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) đến dãy trọ của ông Tuấn phát cơm từ thiện cho người khó khăn vì dịch Covid-19

Đại diện P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) đến dãy trọ của ông Tuấn phát cơm từ thiện cho người khó khăn vì dịch Covid-19

Tại dãy trọ 42 phòng của ông Lê Phước Tuấn (48 tuổi) ở khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức), khi dịch hoành hành khiến nhiều người lao động lâm vào cảnh khốn đốn, nên ông Tuấn chủ động giảm tiền trọ. Với ông Tuấn, việc này giúp người thuê ấm lòng hơn trong thời điểm dịch bùng phát. Người thuê trọ và ông cũng năng gặp nhau nên việc giảm tiền trọ cũng là tình làng nghĩa xóm.
“Họ thuê trọ tạo ra thu nhập cho mình nên người thuê cũng là người nuôi mình. Giảm tiền trọ cần thiết trong lúc họ khó khăn do dịch Covid-19. Mình làm nhà trọ lâu nên cũng hiểu hoàn cảnh của họ, giờ lá lành đùm lá rách thôi”, ông Tuấn nói.
Không chỉ giảm tiền trọ cho người lao động, nhiều buổi trưa khi ông Tuấn nhận được thông báo có cơm nghĩa tình, ông cũng đăng ký để có những suất cơm miễn phí cho khách thuê. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn cho rằng bản thân bỏ chút vật chất để chia sẻ với người xung quanh, nhưng giúp được họ lúc khó khăn thì đó là điều nên làm.
Thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát, rất nhiều chủ trọ tại P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức cũng tự mở lòng giảm tiền trọ hoặc thậm chí miễn phí luôn tiền trọ cho công nhân lao động gặp khó khăn, thất nghiệp.
Từ những ngày đầu tháng 7, nhiều khu phố của P.Hiệp Bình Chánh đã đến vận động các chủ trọ trên địa bàn miễn giảm tiền thuê trọ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngay sau khi được giải thích, nhiều chủ trọ niềm nở đồng ý vì cho rằng đây là hành động thiết thực. Riêng KP.7 tính đến nay đã có hơn chục chủ trọ đồng ý giảm tiền trọ.
Tìm hiểu các chủ trọ hưởng ứng việc giảm tiền thuê trọ cho người lao động, chúng tôi cũng nghe được nhiều câu chuyện của người lao động cũng như tâm tư của các chủ trọ. Bà Đào Thị Huế (57 tuổi) có 3 căn nhà cho thuê với giá từ 10 triệu đồng trở lên. Việc cho thuê nhà nguyên căn cũng giúp gia đình bà có thu nhập ổn định trong nhiều năm qua. Thế nhưng, 2 năm qua mọi thứ bị xáo trộn khi dịch Covid-19 hoành hành, tiền trọ bà cũng phải điều chỉnh để phù hợp với người thuê. Đỉnh điểm từ đầu tháng 5, TP.HCM phải giãn cách, các khách thuê của bà Huế cũng vì thế bị ảnh hưởng. Không thu tiền trọ thì gia đình bà mất nguồn thu nhập, nhưng nhìn tình cảnh người thuê (để ở và kinh doanh bán đồ ăn - PV) ế ẩm suốt thời gian dài khiến bà ái ngại. Qua bàn bạc với chồng, bà quyết định giảm tiền trọ cho khách thuê, thậm chí cho khất tiền thuê.
“Trước đó tôi cũng giảm tiền thuê nhưng có vận động thì tôi giảm hẳn 50% cho họ. Mỗi căn thuê được giảm từ 5 triệu trong tháng này. Họ không hoạt động được mình cũng thấy đồng cảm nên phải giảm cho họ”, bà Huế nói thêm.

Nhìn mặt giảm tiền

Tương tự, ông Dương Ngọc Điệp (46 tuổi) cũng có dãy hơn 20 phòng trọ tại P.Hiệp Bình Chánh. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên ông Điệp tự giảm tiền thuê cho người lao động, nhưng khi có văn bản của TP.Thủ Đức vận động, ông đồng tình cả hai tay.
Theo một số hộ kinh doanh nhà trọ, họ sẵn sàng giúp đỡ người lao động nghèo giảm tiền trọ. Nhưng họ cũng mong muốn nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong thời điểm dịch để chủ trọ có thể giảm tiền thuế kinh doanh nhà trọ.
Không giống cách giảm của chủ trọ khác, ông Điệp gần gũi với người lao động thuê trọ nên hiểu được tình cảnh của từng người. Do đó ông chọn phương án nhìn mặt giảm tiền và giải thích rằng không phải ai cũng gặp cảnh khó khăn. Ông Điệp phân tích, người lao động đến khu trọ của ông ở với giá rẻ từ 1,2 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, ông chỉ cho phép người thuê trọ hiền lành, chịu khó làm ăn và ít tụ tập ăn nhậu. Ông không ở cùng khu trọ, nhưng vẫn thường xuyên đến kiểm tra tình hình an ninh trật tự tại dãy trọ, cũng như trò chuyện cùng người thuê nên biết được công việc họ đang làm.
Và khi những người thuê gặp khó khăn, thất nghiệp do dịch Covid-19, ông Điệp cũng biết được trường hợp nào khó khăn cần giảm nhiều, trường hợp nào chưa thực sự cần giảm.
“Tôi giảm 50% cho người thất nghiệp, giảm 30% cho người lao động nghèo vì không ai giống ai. Lần trước tôi cũng giảm tiền trọ cho mọi người. Họ lao động khó khăn nên mình giúp được gì mình giúp. Với tôi giúp đỡ là tốt nhưng cũng cần đúng người”, ông Điệp chia sẻ.
Còn ông Phạm Văn H. (63 tuổi) hiện công tác ở KP.7, P.Hiệp Bình Chánh cũng có khoảng 20 phòng trọ cho thuê với giá 1 - 2 triệu đồng/tháng. Những tháng gần đây, do tình hình dịch căng thẳng nên nhiều người đã thông báo trả phòng để về quê lánh dịch. Thu nhập từ việc cho thuê trọ cũng là một phần kinh tế chính trong gia đình ông H. Thế nhưng, ông H. vẫn nhiệt tình hưởng ứng việc vận động giảm tiền thuê trọ cho người lao động nghèo.
Ông H. giải thích, do công tác lâu năm tại chính quyền địa phương và thường xuyên tiếp xúc bà con tại khu phố nên tình cảm hàng xóm cũng nảy sinh. “Mình thấy họ khó thì mình giúp đỡ được phần nào hay phần đó. Tôi còn mấy phòng có người thuê nhưng vẫn giảm 30% cho họ, nếu dịch căng thì tôi tính toán hỗ trợ tiếp”, ông H. tâm sự.

Sáng 20.7: Thêm 2.155 ca Covid-19, TP.HCM nhiều nhất với 1.519 ca

Tình người quan trọng hơn vật chất

Ông Ngô Tiến Sơn (62 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng có 8 phòng trọ cho thuê trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh với giá từ 1,3 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, tiền cho thuê trọ cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình ông với mỗi tháng kiếm được hơn 10 triệu đồng.
Nhưng rồi dịch ập đến, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Ông Sơn phải chắt chiu nhiều khoản để giảm bớt áp lực tài chính. Chính gia đình ông cũng gặp khó khăn nên ông Sơn càng đồng cảm với phận người lao động nghèo suốt nhiều tháng qua phải “thắt lưng buộc bụng” gồng mình chống chọi với dịch Covid-19. Ông quyết định bàn với vợ về phương án miễn phí tiền thuê trọ cho mọi người.
Ông Sơn nói: “Trước đó tôi đã giảm nhiều đợt, đợt này người ta khó khăn hơn nên mình giảm luôn tiền cho họ. Thay vì đi từ thiện, mình làm việc thiết thực ngay những người gần nhất. Dịch bây giờ, tình người quan trọng hơn vật chất. Tôi sẽ giảm cho họ đến khi dịch được đẩy lùi”.
Ông Trần Đình Quân (60 tuổi, tổ trưởng KP.7, P.Hiệp Bình Chánh), người có thâm niên và nắm bắt rất rõ từng người dân sinh sống trên địa bàn KP.7. Sau khi có đơn vận động giảm tiền trọ, ông Quân phát xuống cho nhiều chủ trọ với nội dung mong hỗ trợ giúp người lao động nghèo. Chỉ sau đó vài ngày, rất đông chủ trọ đã chủ động giảm tiền trọ.
“Họ rất nhiệt tình, còn ký cam kết sẽ giảm. Có người 20%, có người 50%, thậm chí có người thấy tội các công nhân thất nghiệp mà giảm hẳn 100% tiền trọ cho họ”, ông Quân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.