Chạy 'bão' Covid-19: Chôn chân chờ bão qua

18/07/2021 07:00 GMT+7

Người lao động chịu cảnh chôn chân ở nhà vì chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - kế sinh nhai duy nhất của họ - đã bị đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 .

Khi chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, cũng là lúc những người bám chợ mưu sinh phải nghỉ ở nhà, nhìn quanh bốn bức tường thinh lặng, cầm cự qua ngày và không khỏi lo âu đoạn đường dài phía trước...

Không biết ngủ đêm hay ngủ ngày

Tối 8.7, trong lối hẻm hẹp vào căn phòng trọ của bà N.T.H (56 tuổi, quê An Giang) vắng lặng, cơn mưa lắc rắc làm khu trọ càng thêm ảm đạm. Khu trọ trên đường TL43, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (phường này với hơn 73.000 nhân khẩu đã bị phong tỏa từ 0 giờ ngày 13.7) là chỗ tạm trú của nhiều nữ bốc xếp tại chợ đầu mối Thủ Đức. Nơi đây cách chợ đầu mối Thủ Đức chưa đầy 1 cây số.
Khu trọ của những người bốc xếp trên đường TL43, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức chiều tối 7.7 ẢNH: Song Mai

Khu trọ của những người bốc xếp trên đường TL43, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức chiều tối 7.7

ẢNH: SONG MAI

Bà H. mới thức dậy sau một đêm lao động quá sức. Đêm qua, lệnh tạm ngưng hoạt động khu chợ như khối đá nặng đè lên người bà. “Nhưng tôi vẫn cố kéo được nhiều xe hàng, tiền công hơn 200.000 đồng”, bà nói.
Chồng bà H. bị bệnh nặng, không lao động được, ông cũng định ở dưới quê nhưng nhớ bà quá nên phải lên tìm, bảo miễn hai vợ chồng hủ hỉ lo cho nhau, có gì ăn nấy, chứ ở “ên” (một mình - PV) buồn lắm.
“Giờ chợ đóng cửa rồi, làm gì bây giờ, tôi cũng già rồi ai mà mướn. Chỉ biết ở trong phòng, đợi chợ mở rồi đi làm tiếp. Tôi có để dành, vì trước đợt dịch này, có bữa kéo ghê lắm, được 500.000 đồng/đêm. Chắc là lấy ra ăn hết thôi”, bà H. buồn thiu, rồi nói thêm: “Đêm qua, tôi ra chợ lúc 18 giờ, 19 giờ nghe phát loa sắp tạm đóng cửa, chứ nếu không mấy ngày “chợ cúng”, cũng kiếm được chút đỉnh rồi. Sáng về mệt quá, tôi ghé mua đại một con cá rô 20.000 đồng với trái bầu rồi về kho. Vậy đó, ăn đơn giản, hà tiện thôi”.
Đáng lý, giờ này bà H. đã đi bộ ra chợ. Một năm “dời bến” lên thành phố, bà chưa dám nghỉ ngày nào, chống chọi rồi quen dần nếp sống về đêm, nay tự dưng được ở nhà, bà nghĩ không biết mình nên ngủ đêm hay ngủ ngày.
“Nếu vậy thì ban ngày sẽ chán lắm”, bà H. chỉ lên cái ti vi trên vách tường, bảo: “Cháu tôi một tháng nay về quê, gửi tạm cái ti vi và tủ mát, bảo tôi cứ cắm điện mà xài. Nhiều khi chồng tôi ở nhà chán, muốn coi lắm, nhưng không dám”.
Chúng tôi hỏi “Tại sao vậy?”, bà im lặng một lúc lâu rồi nói: “Sợ đóng tiền điện nên không dám cắm, mở. Cái tủ mát cũng thế luôn, một tháng tiền trọ đã 1,3 triệu đồng rồi, giờ thêm điện cho hai cái này nữa chắc chết”.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe được điều như thế. Bỗng dưng, chúng tôi thấy nỗi lo âu của bà H. lây sang chúng tôi.
Cách đó vài căn, chị Trần Thị Lý (47 tuổi, quê Hậu Giang) cầm đĩa cơm ăn vội. Chồng chị vẫn còn ngủ. Không may mắn như nhiều bốc xếp “hốt cú chót” tối qua, chị Lý ra chợ từ chiều tối nhưng đến 23 giờ khuya chỉ kéo được 20.000 đồng. “Tối qua chợ đông thật sự, người ta chủ yếu vô mua rau thôi, tôi thì kéo ở chợ trái cây, đợi mãi không ai kêu kéo, ngợp, mệt quá tôi về luôn”.
Chị Lý lên thành phố mưu sinh đã lâu. Chị không nhớ rõ mình đi năm nào, nhưng chị nhớ chiếc xe đò của nhà xe Huệ Thanh chở chị và đứa con gái út còn nhỏ đi lên thành phố, và lúc mới lên, nhìn đâu chị cũng thấy lạ lẫm. “Tôi khóc bù lu bù loa vì nhớ đứa con đầu”, chị nói.
Buổi đầu ở thị thành, chị Lý tìm được công việc lột hành tỏi, chặt sả thuê. Có năm, vì nhà dưới quê sập nên chị phải về quê để sửa lại nhà cửa. Sau đó, lên lại thành phố, chị nghe em rể mách nghề kéo xe và tập cho chị kéo. Chị thấy được nên chuyển luôn sang làm nghề này.
“Lúc đầu không thể nào kéo được, ban đêm ra chợ nhức đầu chịu không nổi, nhất là khi sương xuống. Chưa kể, làm nghề này, đa số chị em cũng đều bị bệnh tim như bệnh nghề nghiệp vậy. Tiền thuốc men khi tuổi già không sao kể hết. Chỉ biết ráng thôi. Sáng mở mắt ra cái gì cũng cần tiền, tùm lum tiền”, chị Lý kể chuyện mưu sinh rồi tính toán mãi cũng không biết ngày mai thế nào. Chuyện năm dài tháng rộng là chuyện mơ hồ, trước mắt là ngày mai phải vật lộn để sống. Cực khổ thế nào cũng cố sống.

Tuần sau, TP.HCM bắt đầu tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19

Cơm chan canh thay cháo cho con

Dịch Covid-19 kéo dài để lại nhiều áp lực vô bờ bến trong cuộc sống người lao động tha phương cầu thực. Người lao động tự do ở khu trọ của chị T.T.T (32 tuổi, quê An Giang) tại KP.2, P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức) cũng chịu cảnh chôn chân ở nhà vì chợ đầu mối Thủ Đức - kế sinh nhai duy nhất của họ - đã bị đóng cửa.
Chợ đầu mối Thủ Đức có hơn 1.000 bốc xếp ẢNH: KHÁNH TRẦN

Chợ đầu mối Thủ Đức có hơn 1.000 bốc xếp

ẢNH: KHÁNH TRẦN

Gia đình 6 người của chị T. đã ở miết trong căn nhà trọ 10 m2 từ đầu tháng 7. Chị T. ở cùng chồng và mẹ chồng. Gia đình chị có 3 đứa con, hai đứa đầu đang theo học lớp tình thương, đứa nhỏ mới khoảng 1 tuổi. Nhưng mấy ngày qua, cả 3 trụ cột gia đình chị đều ở nhà, khi nghe tin chợ đầu mối đóng cửa, chị càng thấy hoang mang.
“Nhớ lại khuya 30.6, tôi nấu xôi xong thì đạp xe ra đó nhưng bị ngăn lại không được vào chợ bán. Tôi năn nỉ gãy lưỡi xin bán hôm nay nữa vì xôi đã nấu xong rồi. Bán nốt đêm đó là về nghỉ tới nay”, chị kể lại rồi cho biết thêm: “Tôi đã đóng tiền trọ tháng 6 rồi, tháng nào tiền nhà cửa, điện nước cũng cỡ 2 - 2,2 triệu đồng. Lúc đóng, tôi có nói với chủ trọ là nếu tháng này gia đình không có việc, thì xin thiếu tiền nhà tháng 7. Chủ trọ cũng biết mình khó khăn nên gật đầu, cho nhà tôi thêm 25 kg gạo”.
Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay chợ có hơn 1.000 bốc xếp, trong đó 350 người của Công ty CP quản lý kinh doanh nông sản chợ Thủ Đức. Theo hợp đồng lao động thì công ty sẽ thực hiện hỗ trợ, trả lương theo đúng quy định của pháp luật. Số còn lại lao động bốc xếp của các công ty khác là lao động bốc xếp tự do, ông Nhu cho biết chưa có phương án hỗ trợ, tuy nhiên chợ có phổ biến cho nhóm này về gói hỗ trợ mà thành phố đang triển khai để họ có thể đăng ký tại địa phương.
“Phải chi có ai mướn mình, mà giờ ở đâu tôi cũng thấy đóng cửa hết rồi”, chị nói rồi tần ngần, không lo của kho cũng hết. Chưa kể, chồng chị T. đau ốm, bệnh tật liên miên. Hai đứa con đầu của chị học ở lớp học tình thương đã phải tạm nghỉ, đôi lần loáng thoáng chị cũng định cho hai bé ra trường công để học, nhưng giờ thế này chị nghĩ mình lo không nổi.
Hỏi chị lo cho đứa con nhỏ trong thời gian này có khó khăn gì không, chị nói: “Nhà không làm ra tiền nên không dám ăn nhiều. Hồi đó mẹ và tôi thay phiên bán xôi ở chợ cũng được 300.000 - 500.000 đồng/đêm, lo được tiền sữa, tiền cháo cho con nhỏ. Sau khi bùng dịch, nấu xôi bán ít lại, toàn phải mua cháo gói, 10.000 đồng cháo dinh dưỡng ăn được 2 bữa. Hoặc nấu cơm rồi chan canh vô thay cháo cho nó ăn thôi”.
Lúc mới lên Sài Gòn, chị T. mới 22 tuổi. “10 năm qua, tôi không nghĩ đến được sẽ đối diện cảnh này. Không biết khi nào mình được bán lại”, chị T. băn khoăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.