Chẳng lẽ chịu thua karaoke “khủng bố” ?

09/04/2020 06:42 GMT+7

Không chỉ ở thời điểm dịch bệnh hiện nay mà vấn nạn karaoke "kẹo kéo" tồn tại suốt nhiều năm qua gây ra nhiều hệ lụy nhưng có vẻ cơ quan chức năng bất lực trước tình trạng này khiến bạn đọc bức xúc.

Như Thanh Niên thông tin, thời gian cách ly xã hội phòng tránh Covid-19, làm việc ở nhà với chị Trần Thị Thủy, 29 tuổi, trú đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM không phải ngày nào cũng suôn sẻ khi mà tiếng karaoke "kẹo kéo", cách đó vài căn nhà phát ra những tiếng hát đủ các thể loại, bolero, nhạc trẻ. Cũng đang cách ly xã hội, phải ở nhà làm việc 24/24 anh Nguyễn Quang Thạch, 39 tuổi, trú khu dân cư Phú Định, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM cho biết không thể chịu nổi khi bị "tra tấn" bởi karaoke từ những nhà gần đó. Ở trọ tại hẻm 283 Bông Sao, P.5, Q.8, chị Nguyễn Thị Liễu, 32 tuổi, làm công việc nhà theo giờ cho biết có những chiều đi làm về, chừng 17 giờ đã thấy nhà hàng xóm ở giữa hẻm khui bia ra ăn uống rồi hát ầm ĩ với loa kẹo kéo.

"Tra tấn" bất kể giờ giấc

Bạn đọc (BĐ) rất bức xúc trước vấn nạn karaoke "khủng bố" làm khổ biết bao người từ nhiều năm qua. "Ở xóm tôi, họ hát bất kể giờ giấc, hát từ sáng đến tối khuya, ngày nào cũng hát. Đi làm về mệt chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng họ cứ "tra tấn" ngày này qua tháng nọ. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người xung quanh, stress kinh khủng. Đặc biệt con cái học hành không ngày nào yên. Chẳng lẽ chúng ta chịu thua với vấn nạn karaoke "khủng bố" này", BĐ Nguyễn Phú (TP.HCM) bức xúc.
BĐ Thúy Mai (Đồng Nai) thì cho biết: "Ở xóm tôi 10 hộ gia đình thì có 5 hộ đều sắm loa. Ngày nào cũng hát từ 8 giờ sáng hôm nay đến 1 giờ sáng hôm sau. Không chết vì dịch thì cũng chết vì "ô nhiễm" tiếng ồn".
"Hát karaoke, đã và đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Tôi không hiểu ý thức của người hát ở đâu? Có những nơi người bị bệnh ung thư gần đất xa trời mà vẫn bị "tra tấn" hằng ngày, thậm chí nhà bên cạnh có đám ma mà họ vẫn hát. Nhà nước cần thay đổi luật, hiện nay quy định sau 22 giờ mới nhắc nhở thì người dân sẽ còn bị "tra tấn" bởi âm thanh của loại hình giải trí này dài dài", BĐ Lê Nam (TP.HCM) bức xúc.
"Trong giai đoạn cả nước chống dịch, họ vô tâm nhậu nhẹt, ca hát đã là vô cảm, thiếu ý thức cộng đồng, chính quyền địa phương, tổ dân phố, ấp, phường, xã, có nơi bất lực, có nơi cũng vô cảm theo, không can thiệp, không có biện pháp xử lý dù đã có luật, có chỉ thị, dân chỉ còn biết kêu trời", BĐ Phan Đại Nghĩa (Long An) bức xúc.

Cần kiên quyết dẹp karaoke "kẹo kéo"

BĐ V.H (Đồng Nai) cho rằng Chính phủ cần có biện pháp nghiêm cấm việc sử dụng các thiết bị điện tử gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. "Vì sức khỏe cộng đồng, Chính phủ nên có biện pháp nghiêm cấm nếu sử dụng karaoke không có phòng cách âm, thậm chí có thể phạt cảnh cáo bằng tiền hoặc tịch thu phương tiện gây tiếng ồn nếu tái phạm", BĐ V.H đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Son Tran (TP.HCM) thiết tha: "Đề nghị chính quyền các cấp giải quyết vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn của karaoke. Chỉ được hát karaoke trong phạm vi gia đình, không làm ảnh hưởng đến nhà kế bên, nếu hát lớn sẽ bị phạt tiền chứ không phải cho hát đến 22 giờ như hiện nay. Nhắc nhở họ đâu có nghe, còn sinh mâu thuẫn, nhiều vụ chém giết vì hát karaoke ồn ào đã xảy ra rồi...".
"Chuyện nhỏ như vậy mà cả chục năm nay các nhà làm luật không quan tâm có một biện pháp triệt để, cứ để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân", BĐ Cát Tường (TP.HCM) bức xúc.
"Người ta có quyền "gào thét karaoke" thì người khác cũng có quyền không muốn nghe, muốn được yên tĩnh vậy. Chứ làm gì có chuyện chỉ 1, 2 nhà hát karaoke mà bắt cả xóm phải chịu tra tấn", BĐ Nam Tran (TP.HCM) ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.