Chấn chỉnh các dự án sai phạm, thua lỗ

22/05/2018 09:00 GMT+7

Báo cáo thẩm tra của các ủy ban trong phiên khai mạc đồng tình với các kết quả tích cực của Chính phủ đạt được, nhưng cũng lưu ý và đề nghị chấn chỉnh một số vấn đề lớn.

Chi sai hơn 800 tỉ đồng từ nguồn cải cách tiền lương
Thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Ủy ban Tài chính ngân sách cho thấy, tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị còn lớn… Tại các bộ, ngành, địa phương, nguồn kinh phí chi sai là 1.952 tỉ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác là 804,8 tỉ đồng...
Theo báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kinh tế cho biết quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp (DN) nhà nước chưa đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả như yêu cầu. Bằng chứng, một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá DN trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của DN, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai. Điển hình như vụ Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đền bù tại khu dân cư Phước Kiển
(xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM) và vụ việc Công ty dịch vụ viễn thông MobiFone mua cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu An Viên (AVG). Theo Ủy ban Kinh tế, những vụ việc này thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn của nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, DN.
Trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016 cũng chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Sai sót chủ yếu như: chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu vốn trong phương án tài chính được duyệt; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, không đúng quy hoạch ngành; phê duyệt dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ khi xin chỉ định thầu.
Đơn cử, Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư; ký kết hợp đồng không đúng quy định, khi chưa có bảo lãnh của Chính phủ; tiến độ hoàn thành dự án còn chậm so với kế hoạch...
Trong đó, dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của TKV có việc lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. Hợp đồng EPC nhà máy alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỉ đồng, tương đương 387,5 triệu USD.
Vẫn theo KTNN, một số dự án lập, thẩm định, phê duyệt có quy mô, thời gian không tuân thủ kế hoạch 5 năm được phê duyệt như: dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai; dự án Khu liên hiệp gang thép Cao Bằng; dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai. Nhiều dự án của Tổng công ty điện lực không tuân thủ quy hoạch ngành điện như Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1,2,3; Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2; Công trình thủy điện Đồng Nai 5.
Đáng lưu ý, một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Ví dụ như dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỉ đồng; dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho 1 lần tăng 2.309 tỉ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỉ đồng...
Báo cáo KTNN cũng nhắc đến một số "đại dự án thua lỗ" như: dự án Nhà máy đạm Ninh Bình đến 31.12.2016, số lỗ lũy kế 3.197 tỉ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỉ đồng; dự án Nhà máy đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỉ đồng…
Từ báo cáo trên, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2016 là hơn 91.300 tỉ đồng.
Chiều 21.5, trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật Đặc xá (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, đề nghị cơ quan soạn thảo luật cân nhắc thận trọng với việc mở rộng quy định đối tượng được đặc xá phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác thành quy định chung cho mọi tội phạm, thay vì chỉ giới hạn đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do chủ tịch nước quyết định như trước. “Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt”, bà Nga nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.