Chăm lo hơn nữa đời sống người lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
26/09/2018 09:17 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, tổ chức công đoàn còn lúng túng trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động.

Trong phiên họp toàn thể hôm qua (25.9), Đại hội Công đoàn VN lần thứ 12 đã đón các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội các thời kỳ...
Chất lượng đội ngũ công nhân có dấu hiệu bất cập
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội (ĐH), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá nhiệm kỳ ĐH 11 vừa qua đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công đoàn cũng có nhiều sáng tạo, đề xuất và tổ chức thực hiện những chương trình hoạt động mới như chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, tổ chức tết sum vầy cho người lao động (NLĐ)...
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân (CN), NLĐ có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm vấn đề cơ bản lâu dài có tính chiến lược. “Một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng đội ngũ CN nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hóa trong đội ngũ CN làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp CN đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư nhìn nhận, tổ chức công đoàn vẫn còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của CN lao động. Mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn chậm được đổi mới...
Nâng cao bản lĩnh chính trị cho người Lao động
Tổng bí thư gợi mở một số vấn đề để các đại biểu ĐH xem xét, quyết định, đó là: chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho CN viên chức, NLĐ; tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp CN, viên chức, NLĐ nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp CN.
Tổng bí thư chia sẻ: “Ngày nay, thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của CN, NLĐ chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công việc, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp... để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu”.
Theo Tổng bí thư, cần phát triển phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng như internet, mạng xã hội và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần tới công đoàn, CN, NLĐ. “Cần chú trọng giáo dục, giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của CN, NLĐ để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”,Tổng bí thư lưu ý.
Để thu hút NLĐ tự nguyện đến với tổ chức công đoàn, Tổng bí thư cho rằng, công đoàn cần chăm lo hơn nữa đến đời sống đoàn viên, bảo vệ chính sách tiền lương, BHYT, BHXH, chăm sóc sức khỏe của NLĐ...; đồng thời thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng tiêu cực; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp.
10 kiến nghị của người lao động
Tại ĐH, Tổng liên đoàn Lao động đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước 10 kiến nghị của đoàn viên, NLĐ cả nước:
1. Ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp CN và tổ chức công đoàn.
2. Xem xét tính đặc thù của tổ chức Công đoàn VN so với các đoàn thể chính trị khác.
3. Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn.
4. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với tổ chức công đoàn, giúp CN VN hội nhập.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động và BHXH, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH...
6. Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế công đoàn.
7. Đề ra các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho NLĐ.
8. Nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ. Có chế tài buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo NLĐ.
9. Tạo việc làm và thu hút NLĐ vào khu vực chính thức.
10. Quản lý nhà nước về đầu tư. Kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không chấp hành các quy định pháp luật, hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Ông Bùi Văn Cường tái đắc cử Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN
Tối 25.9, Tổng liên đoàn Lao động VN đã công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành khóa 12 tại Đại hội Công đoàn VN nhiệm kỳ 2018 - 2023. Kết quả, 161 ủy viên được 947 đại biểu bầu vào Ban Chấp hành khóa 12. Tại phiên họp thứ nhất diễn ra vào tối cùng ngày, Ban Chấp hành đã bầu các chức danh Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 16 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm và 2 Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ông Bùi Văn Cường (53 tuổi, quê quán Hải Dương), Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN khóa 11, được Ban Chấp hành bầu tái đắc cử chức danh Chủ tịch khóa 12 với số phiếu tín nhiệm 100%. 4 Phó chủ tịch gồm: ông Trần Thanh Hải, ông Trần Văn Thuật, ông Ngọ Duy Hiểu và ông Phan Văn Anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.