Chấm dứt việc tùy tiện bảo lãnh vay vốn

09/06/2014 03:05 GMT+7

Trả lời Thanh Niên về các giải pháp kiểm soát nợ công, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách và triệt để cải cách nền tài chính công và hành chính công để kiểm soát được an toàn nợ công trong thời gian tới.

Trả lời Thanh Niên về các giải pháp kiểm soát nợ công, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách và triệt để cải cách nền tài chính công và hành chính công để kiểm soát được an toàn nợ công trong thời gian tới.

Chấm dứt việc tùy tiện bảo lãnh vay vốn
Ông Trần Du Lịch - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội vừa rồi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải minh bạch con số nợ công, nhất là khi Kiểm toán Nhà nước đưa ra thông tin đáng chú ý là việc ứng trả nợ cho các khoản vay được bảo lãnh ngày càng tăng. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Bây giờ vấn đề là phải đi vào kỷ luật ngân sách. Sửa luật Ngân sách sắp tới phải thay đổi cơ chế ngân sách mềm hiện nay sang một cơ chế ngân sách cứng, có nghĩa là không có khoản chi nào không nằm trong dự toán mà được phê duyệt; không có nguồn chi nào, loại thu nào nằm ngoài hệ thống cân đối ngân sách hằng năm. Thứ hai, phải thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong bảo lãnh cho doanh nghiệp (DN) vay vốn. Luật Ngân sách sửa đổi sắp tới phải quy định rõ, trường hợp nào được bảo lãnh, ai có quyền bảo lãnh, điều kiện gì để bảo lãnh, vì phần bảo lãnh đó phải tính vào nợ công theo luật Quản lý nợ công. Tức là phải làm rõ điều kiện bảo lãnh chứ không phải DN nào cũng được bảo lãnh.

Một vấn đề nữa cũng phải dứt khoát, ví dụ một DN cần bảo lãnh nợ để vay tiếp hoặc muốn sử dụng ngân sách trả nợ thay cho DN đó thì phải quy định điều kiện thật chặt chẽ.  Bởi vì tất cả DN nhà nước hiện nay là TNHH, nợ tự vay tự trả thì không tính nợ công. Nhưng nếu nó lâm vào phá sản thì phải làm thủ tục phá sản chứ không được tùy tiện giữ lại và đưa tiền để cứu. Nên thực sự xét thấy DN nào cần phải cứu thì phải chiếu theo các điều kiện chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để thực hiện, chứ không được tùy tiện như lâu nay.

Có nước nào đang vay nợ mà chi tiêu thường xuyên vượt định mức như ta không, thưa ông?

Không, thực sự thì các nước kỷ cương ngân sách họ rất chặt chẽ. Tôi đã từng phát biểu là chi thường xuyên, chi tiêu dùng cần phải quy định chặt chẽ. Lâu nay việc xây trụ sở chúng ta coi đó là chi đầu tư, nhưng thực chất đó là chi thường xuyên. Vì chi đầu tư phải có được lợi nhuận, như xây nhà cho thuê chẳng hạn. Còn xây nhà để ở là để tiêu dùng. Các nước họ rất chặt chẽ cái này, còn ở ta, cứ hiểu chi xây dựng cơ bản là chi đầu tư. Thành ra chúng ta mới xây nhà xây cửa thoải mái. Vì vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là nằm ở kỷ cương, kỷ luật ngân sách và phải chuyển từ ngân sách mềm thành ngân sách cứng như tôi vừa nói trên. Đồng thời, phải triệt để thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm tối đa chi thường xuyên.

Vậy tại kỳ họp này, QH cần có giải pháp gì để kiểm soát vấn đề an toàn nợ?

Tôi đề nghị Chính phủ cần có một sự chuẩn bị phân tích khá kỹ và đưa ra QH thảo luận nội dung chuyên đề về nợ công, để chúng ta cùng phân tích tất cả các nguồn, các khoản, và lật đi lật lại những tính chất an toàn của từng khoản nợ đó như thế nào. Bởi vì tôi lo lắng từ năm 2016 trở đi, vấn đề bội chi ngân sách về nợ công trở thành một nhân tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nếu trong giai đoạn 5 năm vừa rồi, vấn đề tín dụng ngân hàng là vấn đề gây bất ổn vĩ mô chúng ta đã xử lý được thì từ 2016 trở đi, nợ công lại trở thành nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô, vì vậy chúng ta phải tính trước từ bây giờ và tính kỹ.

Theo tôi, để bảo đảm an toàn nợ công sắp tới phải gắn với hai vấn đề cải cách mạnh mẽ. Đó là cải cách triệt để tài chính công (vấn đề phân bổ ngân sách, vấn đề tự chủ ngân sách địa phương thế nào...) mà trong luật Ngân sách và luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sắp tới đây phải làm. Thứ hai là phải cải cách nền hành chính công. Nếu chúng ta cứ duy trì bộ máy hành chính như hiện nay, chính quyền nhiều cấp thế này và ngày càng phình ra như vậy thì rõ ràng không thể nào có đủ nguồn thu cho chi thường xuyên được.

5 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn

Theo chương trình nghị sự, từ chiều thứ ba (10.6), QH sẽ bắt đầu chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ đăng đàn đầu tiên với nhóm chủ đề chất vấn tập trung vào vấn đề nợ công, khả năng nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, cùng nhiều nhóm vấn đề quan trọng khác như kỷ luật tài khóa; bình ổn giá thị trường; tái cơ cấu và cổ phần hóa DN nhà nước. Thứ tự kế tiếp là Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận (sáng 11.6), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (chiều 11.6), Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (sáng 12.6) và cuối cùng là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thẻ căn cước thay CMND có gây lãng phí ?

Theo dự kiến, ngày hôm nay 9.6, QH sẽ thảo luận cho ý kiến về dự án luật Căn cước công dân (CCCD). Liên quan đến đạo luật này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Trong tờ trình của Chính phủ nói rõ, thẻ CCCD (thay thế cho tên gọi hiện nay là CMND) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân VN. Tuy nhiên, tên gọi còn đang tranh luận, giữ tên gọi là CMND hay đổi sang thẻ CCCD. Đa số ủng hộ tên gọi mới và khi luật có hiệu lực sẽ cấp duy nhất một loại thẻ là thẻ CCCD thay thế CMND hiện nay nên không có chồng chéo thẻ này với thẻ khác. Vấn đề là vận dụng trở lại như thế nào đối với người đang có trong tay CMND. Theo dự thảo luật, nếu CMND vẫn còn hiệu lực vào thời điểm luật có hiệu lực thì vẫn tiếp tục có giá trị và người dân vẫn sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho đến khi hết hạn thì đổi sang thẻ CCCD. Hoặc nếu họ thấy thẻ hay hơn CMND, muốn đổi, hoặc bị mất thì sẽ được đổi sang thẻ CCCD. Không có chồng chéo về giấy tờ mà chỉ có giai đoạn chuyển tiếp, sẽ có một số người có giấy tờ  khác nhau nhưng mỗi người chỉ có một loại giấy tờ hoặc CMND hoặc thẻ CCCD”.

Thái Sơn

Bảo Cầm
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.