Cất vó thời 4.0

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
07/02/2020 09:00 GMT+7

Mục sở thị máy quay vó bằng điện thoại di động của anh Đượm mới thấy được sự thông minh của ngư dân này.

“Dùng sức người để cất vó như trước đây xưa rồi, ngư dân bây giờ đã nghiên cứu thành công công nghệ 4.0. Chỉ cần ngồi trên bờ, ấn nút điện thoại di động là những chiếc vó khổng lồ được nhấc lên khỏi mặt nước, bội thu tôm cá”, ông Võ Hoàng Bon mở đầu câu chuyện khi đưa chúng tôi tham quan làng vó ở hồ Dầu Tiếng.
Từ TP.Đồng Xoài (Bình Phước), chúng tôi đi xuyên qua những con đường mòn đất đỏ bazan dài khoảng 70 km, đến khu vực bờ hồ Dầu Tiếng (thuộc xã Tân Hiệp, H.Hớn Quản, Bình Phước). Theo những người sống lâu năm ở đây, từ khi hồ Dầu Tiếng được xây dựng và tích nước (năm 1985), người dân ở nhiều nơi đổ về sinh sống và hành nghề đánh bắt cá. Đến nay, làng vó ở khu vực này được hình thành với khoảng 30 hộ đến đây mưu sinh.

Anh Huỳnh Thanh Đượm thực hiện các thao tác trên smartphone, những chiếc vó của anh lần lượt được kéo lên, hạ xuống một cách nhẹ nhàng

Công nghệ 4.0 thay sức người

Những chiếc vó ngày trước không to như bây giờ nhưng phải mất 2 đến 3 người mới kéo lên, hạ xuống mặt hồ. Còn bây giờ, ngư dân ở đây đã biết nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4.0 để cất vó, không mất sức như ngày trước

Ông Võ Hoàng Bon (ngụ xã Tân Hiệp, H.Hớn Quản, Bình Phước)

Chở chúng tôi trên chiếc vỏ lãi, ông Võ Hoàng Bon (42 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, H.Hớn Quản), người có thâm niên khoảng 20 năm bám nghề ở khu vực này, chia sẻ: “Những chiếc vó ngày trước không to như bây giờ nhưng phải mất 2 đến 3 người mới kéo lên, hạ xuống mặt hồ. Còn bây giờ, ngư dân ở đây đã biết nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4.0 để cất vó, không mất sức như ngày trước”.
Đến chiếc vó xa nhất của mình, ông Bon ra hiệu cho vợ trên chòi (cách nơi đặt vó khoảng 200 m) bấm máy. Khoảng 2 phút, chiếc vó được kéo lên nhẹ nhàng khỏi mặt nước. Ở vị trí sát với chiếc vó, chúng tôi mới cảm nhận được nó “khủng” như thế nào. Chiếc vó được kéo lên, 4 cây cột tre to từ 4 góc như oằn mình cất lên khỏi mặt nước nặng hàng trăm ký. Ông Bon cho biết mỗi chiếc vó có diện tích khoảng 25 - 30 m2, thì sức nặng khi kéo lên khỏi mặt nước phải 300 - 400 kg. Nếu có rác, kèm theo củi khô có khi lên đến 500 kg.
Càng đến gần túi vó, thì tiếng sột soạt của những con cá lớn, nhỏ thi nhau vẫy vùng bên trong nghe rõ hơn. Ông Bon nhẹ nhàng tháo sợi dây cột dưới đáy túi vó, những chú cá đủ loại như cá lăng, cá trê, cá lóc... đã nằm gọn trong túi. “Thấy vó lớn vậy chứ hoạt động lại cực kỳ đơn giản. Cứ cách 5 - 10 phút, người ở nhà chòi chỉ cần bật công tắc lên để khởi động mô tơ, sợi dây thừng từ máy quay vó kết nối với hệ thống ròng rọc trên những cột tre từ từ kéo lên khỏi mặt nước. Cứ khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ, mình chạy ghe ra thu hoạch 1 lần”, ông Bon cho biết.
Cất vó thời 4.0

Dù đã gần 20 năm gắn bó với nghề này nhưng cuộc sống của những người trong làng vó vẫn còn lắm nỗi lo

“Rung đùi” với smartphone chờ cá

Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng ngày 29.4.1981 và hoàn thành ngày 10.1.1985. Hồ có diện tích mặt nước 27 km², diện tích lưu vực 270 km2 và 45,6 km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỉ m³ nước. Hằng năm, để tái tạo nguồn lợi thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã thả cũng như kêu gọi người dân cùng tham gia thả hàng triệu con cá giống các loại xuống lòng hồ. Nhờ đó, người dân có thu nhập nhờ sống bằng nguồn lợi thủy sản.
Ở làng vó trên lòng hồ Dầu Tiếng, hầu như ai cũng biết đến tiếng tăm bắt cá bằng công nghệ 4.0 của anh Huỳnh Thanh Đượm (37 tuổi, quê Bến Tre). Với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề này, anh Đượm được xem là người tiên phong trong việc sử dụng máy móc thay sức người, dù trình độ văn hóa chưa hết lớp 6. Những chiếc máy quay vó hiện nay ở toàn bộ khu vực này mà ngư dân đang sử dụng đều do anh tự mày mò, tự học rồi chế tạo ra. Mỗi bộ máy kéo vó được đầu tư khoảng hơn 10 triệu đồng, ngoài mô tơ điện là thứ phải mua mới thì những bộ phận còn lại như cần gạt, bánh xe, dây kéo… đều được tận dụng từ những vựa phế liệu được mua về rồi chế lại và lắp đặt hoàn thiện.
Cất vó thời 4.0

Ông Võ Hoàng Bon (phải) cùng một người dân địa phương thu hoạch cá trong túi vó

“Trước đây, việc quay vó hoàn toàn thủ công, dựa vào sức người. Hệ thống trục quay được chế bằng khúc gỗ tròn, 2 đầu được đặt trên giá đỡ cố định. Mỗi khi cất vó lên phải cần 2 - 3 người để kéo lên, thu lượm cá có khi phải mất cả nửa tiếng đồng hồ. Thấy làm cực quá, mà hiệu quả cũng không cao vì kéo chậm, cá đi hết nên mình tự tìm hiểu, mày mò hệ thống kéo ròng rọc chạy bằng dầu. Vài năm sau có điện thì chuyển qua sử dụng bằng điện”, anh Đượm nhớ lại và khoe tiếp: “Giờ có sóng wifi, điện thoại thông minh, mình áp dụng công nghệ vào máy quay luôn. Chỉ cần ngồi rung đùi nghịch điện thoại, ấn nút chờ cá vào và cất vó lên thôi”.
Mục sở thị máy quay vó bằng điện thoại di động của anh Đượm mới thấy được sự thông minh của ngư dân này. Ngoài hệ thống mô tơ, ròng rọc cất vó như máy sử dụng điện, anh Đượm còn lắp đặt thêm hệ thống cảm biến dừng, ngắt tự động khi kéo lên, hạ xuống. Ngoài ra có cả hệ thống camera phía trên để có thể theo dõi được cá lớn lọt vó hay không hoặc có ai tới gần vó. Cuối cùng, cài đặt ứng dụng eWeLink ở kho ứng dụng Google Play trên điện thoại thông minh, mỗi khi có kết nối internet thì ở bất kỳ chỗ nào anh Đượm cũng có thể theo dõi, nâng, hạ vó của mình chỉ bằng một cái bấm nút hay quẹt ngón tay trên ứng dụng điện thoại.
“Mọi công đoạn lắp đặt, kết nối đều được mình học trên internet, rồi tự mày mò thực hiện mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ ai. Chỉ cần vài triệu đồng, ngư dân có thể lắp thêm hệ thống này. Thời gian tới nếu mọi người cần, tôi sẵn sàng lắp đặt giúp ngư dân tiết kiệm thời gian để làm những việc khác nữa mà không cần phải suốt ngày ngồi coi vó, chờ gạt cần, bật công tắc lên xuống như trước nữa”, anh Đượm chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.