Cắt điện vô tội vạ có phải do độc quyền?

08/05/2010 02:37 GMT+7

Câu hỏi này được Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn đặt ra tại phiên thảo luận hôm qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quanh báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và đầu năm 2010.

Đau đầu vì điện

Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trong hai phiên thảo luận cả sáng và chiều 7.5 đều đề cập đến vấn đề thiếu điện và tình trạng cắt điện vô tội vạ, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Bây giờ đặt ra câu hỏi là không biết tại sao tình trạng này lại diễn ra nhiều năm mà không khắc phục được? Hay tại vì độc quyền của anh quản lý điện gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho Nhà nước, cho nhân dân? Nhà nước có đền bù thiệt hại này cho doanh nghiệp hay không?”, Chủ nhiệm VPQH bức xúc đặt hàng loạt câu hỏi, đồng thời đề nghị Chính phủ nên giải thích minh bạch với dân về tình trạng cắt điện vô tội vạ.

Đề nghị Chính phủ báo cáo số tiền chi cho lễ hội

Thảo luận tại phiên họp hôm qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị từ năm nay, Chính phủ cần có báo cáo khoản chi mỗi năm cho lễ hội là bao nhiêu.

Ông Ksor Phước cho rằng, cuối năm 2009 đến đầu 2010, lễ hội của ta quá nhiều. “Đi thì rất vui đấy, nhưng đặt ra câu hỏi khó khăn mà chi quá nhiều cho lễ hội, nếu chi cho phát triển sản xuất, nhà ở thì tốt lên cho xã hội bao nhiêu. Lãng phí này nằm trong chính chỉ đạo của chúng ta. Cứ kêu khó khăn thiếu thốn nhưng tổ chức lễ hội rất tràn lan, lãng phí”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng phản ánh: “Người dân đặt câu hỏi vì sao Nhà nước phát triển thủy điện mạnh nhưng điện lại thiếu hơn trước?”. Bà Thu Ba nhận định trong bối cảnh kinh tế mới ổn định lại, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện thì sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải trần tình: Do đang phục hồi kinh tế, cộng thêm hạn hán rất nặng, nặng cả bên VN và cả bên Trung Quốc (vì chúng ta có nhập khẩu điện Trung Quốc) cho nên mới có một số khó khăn tạm thời về điện. Bộ Công thương và ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. Cũng được nghe các tỉnh phản ánh về, có những trường hợp cắt điện luân phiên, đây là khó khăn khách quan, lãnh đạo Bộ Công thương xin hứa với các đồng chí lãnh đạo QH sẽ tiếp tục làm việc lại với các tập đoàn này (điện lực và dầu khí - PV) vì theo cơ chế thì từng bước các doanh nghiệp tự chủ và các Bộ quản lý là quản lý nhà nước, sau này không biết có cơ chế nào để Bộ trực tiếp hơn nữa để thể hiện sự điều hành của Nhà nước sâu hơn, đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời. Cũng theo ông Hải thì hiện nay nước về các hồ thủy điện khá tốt, sẽ cố gắng đảm bảo được mỗi ngày bình quân 280 triệu kwh. Lượng điện trong tháng 5 sẽ khá hơn và trong tháng 6 sẽ khá hơn nữa.

"Mổ xẻ" năng lực thống kê và công tác dự báo

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, chất lượng công tác dự báo và thống kê báo cáo cần phải được quan tâm khắc phục. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo QH đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện quá lớn, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo QH tới 51.690 tỉ đồng (tương đương gần 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009).

Đây cũng là mối lo của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước khi ông dẫn số liệu báo cáo về tỷ lệ giảm nghèo tại một địa phương vênh hẳn nhau ở cả 3 cấp: xã, huyện và tỉnh và cho rằng, bắt đầu từ năm nay, Chính phủ phải cam kết với QH làm sao sai số thống kê ngày càng giảm đi. “Nếu Chính phủ đưa ra những con số dự báo không chính xác thì lúc nào cũng trong tình trạng tự phát không kiểm soát được”, ông Ksor Phước nói.

 Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng than phiền về chuyện nói quá nhiều tới dự báo nhưng khi ban hành chính sách vẫn chưa tính hết, chuyện chi vượt dự toán ngân sách năm 2009 của một số tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình từ 28,9% tới 58,5% là ví dụ cụ thể, trong đó có những khoản chi vượt tới 840,9% (chi trợ giá tại Quảng Bình). Ông đề nghị tới đây trước khi ban hành luật hay văn bản quy phạm pháp luật cần phải có tính toán cụ thể về chi phí thực hiện, hiệu quả kinh tế đạt được sau khi luật, văn bản dưới luật đi vào cuộc sống vì có những luật khi có hiệu lực sẽ tăng thu ngân sách, cũng có những quy định khi thực hiện sẽ phải chi thêm, gây khó khăn cho những người thực hiện, ví như chủ trương tăng tiền đền bù đất cho nông dân từ 1,5 -5 lần so với mức cũ theo Nghị định 69 của Chính phủ (ban hành ngày 13.8.2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.