Cặp vợ chồng hơn trăm tuổi

12/10/2014 09:00 GMT+7

Cụ ông Trương Triêm (104 tuổi) và cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi, trú KP.2, P.An Đôn, TX.Quảng Trị, Quảng Trị) đã sống quá một thế kỷ. Họ có với nhau 7 người con, 21 cháu, 19 chắt.

Cặp vợ chồng hơn trăm tuổi 1
Cụ Triêm, cụ Cháu vui vầy bên cháu con - Ảnh: gia đình cung cấp

Hai cụ cũng đang nắm giữ kỷ lục “Cặp vợ chồng cao tuổi nhất VN có vợ cao tuổi hơn chồng” do Tổ chức Kỷ lục VN vừa xác lập.

Tình yêu sắp đặt...

Mò mẫm mãi, tôi mới tìm về được gian nhà đơn sơ bên dòng Thạch Hãn của đôi vợ chồng “trường thọ” ấy. Nhưng rủi thay, khoảng 1 tháng trở lại đây, 2 cụ đã không còn ở đó. Lần đầu tiên sau cả thế kỷ đằng đẵng, hai cụ mới biết đến sự... chia ly, khi mỗi cụ phải ở nhà một người con dù khoảng cách chỉ hơn 1 km.

Muốn biết về cuộc đời của các cụ, tôi đành cậy nhờ những người con của họ kể lại. Nhưng do tuổi đời còn... nhỏ (mới chỉ... 50, 60 tuổi) nên họ cũng không biết hết chuyện thời xa lắc. Cách cuối cùng là đành chắp vá những câu trả lời chữ được chữ mất của cụ Triêm hoặc kiên nhẫn nghe cụ Cháu chậm rãi nói chuyện.

Ngồi cùng tôi ở ngôi nhà trên đường Phan Chu Trinh (TX.Quảng Trị), ông Trương Ngọc Hiệp (60 tuổi, con thứ 3 của 2 cụ) nói rằng dạo gần đây, cụ Triêm thường hoài niệm về quá khứ. “Cụ nói nhiều về ngày trẻ chăn trâu, chăn bò, bắt lươn... Có hôm, nửa đêm, cụ choàng tỉnh cơn mộng mị, đòi tôi ra mở cửa cho bò vào”, ông Hiệp kể.

Và những câu hỏi của tôi lúc này quả là cơ hội để cụ Triêm tiếp tục mạch hồi tưởng ấy. Trong những câu chuyện vừa dài vừa không mấy liền mạch mà cụ kể thì tôi được biết, thời thanh niên, cụ vào vùng rừng núi Ba Quạt chăn trâu. Thời chống Pháp và chống Mỹ, cụ vẫn sống chủ yếu ở trên rừng.

Còn thời điểm đó, cụ Cháu là cô thôn nữ ở làng Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong), vốn chỉ biết việc chăm nom đồng áng, trồng rau, thả cá. Thời chiến, tình yêu là thứ xa xỉ và đối với hoàn cảnh của 2 cụ lại càng xa xỉ hơn.

Nên tình yêu đến với 2 cụ khá muộn, kể cả lúc cưới nhau rồi họ cũng chưa... yêu. “Tui cưới bà lúc mới trên rừng về. Đã biết mặt nhau đâu nhưng cha mẹ đặt, tui phải ngồi...”, cụ Triêm nhớ lại.

Nhưng kỳ lạ thay “mối tình sắp đặt” ấy lại nở hoa suốt ngàn ngày sau. Cũng như việc dù chậm đường con cái nhưng cuối cùng các cụ vẫn có 7 đứa, đủ cả gái trai.

Quấn quýt như đôi chim câu

Lần lượt sang thăm cả 2 cụ ở nhà 2 người con, tôi đều ướm hỏi xem các cụ có “nhớ” người còn lại không? Cụ Triêm trả lời gọn lỏn: “Ưng qua lắm nhưng mà chịu”, trong khi cụ Cháu sắc sảo như thường và thoáng chút dỗi: “Ông ấy có chân thì ông đi, ai cấm cản được”.

Chứng minh thư của cụ Triêm và cụ Cháu
Chứng minh thư của cụ Triêm và cụ Cháu - Ảnh: Nguyễn Phúc

Theo lời con cháu thì nếu không vì tuổi quá cao, có chút lẫn thì “trời có sập” cũng không chia cách được 2 cụ. “Chia 2 cụ ra thế này tiện hơn cho việc cháu con chăm sóc nhưng nhiều lúc thấy cụ ngồi một mình, buồn thiu, chúng tôi cũng xót xa lắm”, bà Bùi Thị Em (60 tuổi, con dâu 2 cụ) nói.

Cũng theo bà Em, từ mấy chục năm trước, ngoài thời gian lên rừng, ra đồng, 2 cụ vẫn quấn quýt với nhau trong gian nhà bên sông. Cách đây hơn 15 năm, cụ Cháu không may bị té, đến giờ vẫn không thể đi lại nhưng cụ Triêm vẫn đứng ra cáng đáng việc chăm sóc vợ. Sáng sáng, cụ đạp xe đi chợ rồi trưa về nấu cơm nước đàng hoàng. “Có phải chúng tôi không chịu phụng dưỡng đâu, nhưng các cụ muốn thế. Nói thế nào 2 cụ cũng không chịu tách nhau ra. Cuối cùng thời đó, hằng ngày chúng tôi lại lên chơi, ăn uống, dọn dẹp xong xuôi thì tối ai về nhà nấy”, bà Em chia sẻ.

“Nói sợ cụ la chứ tôi thấy 2 cụ giống như đôi chim câu, con cháu bọn tôi không sao theo kịp. Hồi đó, 2 cụ ngủ trên 2 cái giường đặt cạnh nhau, nhưng nhiều đêm tôi nghe 2 cụ cứ rì rầm chuyện trò tới sáng. Mỗi lần con cháu về đông, cho tiền là cụ ông sẽ lựa những tờ tiền to cho cụ bà. Hay ăn cái chi ngon, cụ ông đều nhường cụ bà ăn trước, ăn nhiều hơn...”, ông Hiệp nói, giọng không giấu vẻ tự hào.

Vậy nên đám cháu con của 2 cụ tếu táo rằng đang làm hồ sơ gửi Tổ chức Kỷ lục VN về... sức mạnh tình yêu mãnh liệt của 2 cụ. “Tôi nghĩ tình yêu được tô vẽ trên phim ảnh, trong tiểu thuyết chắc cũng ngang cỡ 2 cụ là cùng”, anh Trương Ngọc Kỳ, cháu nội của 2 cụ mạnh dạn bình luận.

“Ở có đức, mặc sức mà ăn”

Khi tôi hỏi về bí quyết trường thọ, cả cụ Triêm lẫn cụ Cháu không nói gì mà chỉ cười. Trong khi bà Nguyễn Thị Liên Phương (57 tuổi, vợ ông Hiệp) thì cho rằng: “Tôi nghĩ chắc các cụ cũng chả có bí quyết gì đâu. Cái thời cực khổ, ăn cơm độn sắn, đốt mái tranh làm muối, nuôi con không ngơi tay thì thời gian đâu các cụ chăm lo sức khỏe. Phần nhiều là do phúc phận của tổ tiên để lại mà thôi”.

 
Ngày trước, khi còn mẫn tiệp, nếu cần góp ý việc gì, cụ Triêm thường ngắn gọn: “Ở có đức, mặc sức mà ăn”

Nhưng chồng của bà Phương thì lại nghĩ để sống lâu vậy là do 2 cụ sống rất thoải mái, không tính toán xảo trá, rất hay cười, và tình yêu cũng là nhân tố ảnh hưởng đến tuổi thọ. Điều những người con cháu không nói nhưng có lẽ góp phần rất lớn ngoài mệnh trời để 2 cụ sống tận bây giờ, phần cũng nhờ con cháu phụng dưỡng chu tất. Nói như ông Hiệp thì: “Trong nhà có một người già là một niềm vui trong khi chúng tôi có cả cha cả mẹ đều sống đến tuổi này, không tự hào, không chăm lo sao được”.

Cũng theo người con trai này thì ngày trước, khi còn mẫn tiệp, nếu cần góp ý việc gì, cụ Triêm thường ngắn gọn: “Ở có đức, mặc sức mà ăn”.

Nguyễn Phúc

 >> Cụ ông cao tuổi nhất VN
>> Phát hiện thêm một cặp vợ chồng cao tuổi nhất VN
>> VN có thể có nhiều người cao tuổi nhất thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.