'Cấp thuốc phá thai cho thai phụ': Do nhân viên sai sót, không phải lỗi phần mềm

Hoàng Phương
Hoàng Phương
04/04/2018 06:39 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc VNPT Tiền Giang, có văn bản khẳng định vụ cấp nhầm thuốc phá thai cho 3 thai phụ ở H.Tân Phước là hoàn toàn không liên quan gì đến phần mềm của VNPT.

Liên quan đến vụ 3 thai phụ bị cấp nhầm thuốc phá thai ở Trung tâm y tế (TTYT) H.Tân Phước, ngày 3.4, ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, ký thông cáo báo chí cho biết đã chỉ đạo TTYT H.Tân Phước “họp hội đồng kỷ luật xem xét, xử lý sai phạm phù hợp đối với dược sĩ và nữ hộ sinh đã cấp nhầm thuốc cho bệnh nhân”.
Theo Sở Y tế Tiền Giang, trường hợp của chị Huỳnh Thị Kim Cúc (32 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng Đông, xã Tân Hòa Tây, H.Tân Phước) nhập viện ngày 7.3 với chẩn đoán “dọa sẩy thai/thai khoảng 7 tuần” và xuất viện ngày 9.3.2018. Bác sĩ (BS) điều trị chỉ định Miprotone 100 mg 2 viên, ngày uống 2 lần. Khi xuất viện, BS chỉ định thêm 20 viên Miprotone 100 mg, uống trong 5 ngày. Ca thứ hai là chị Mai Bích Ngân (25 tuổi, ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Phước, H.Tân Phước) nhập viện ngày 5.3 với chẩn đoán “dọa sẩy thai/thai khoảng 8 - 9 tuần”. Chiều 9.3, khi xuất viện, BS chỉ định toa 20 viên Miprotone 100 mg, ngày uống 2 lần, trong 5 ngày.
Nhưng “thay vì cấp Miprotone 100 mg, nhân viên khoa dược đã thiếu kiểm tra đối chiếu nên phát nhầm Misoprostol 200 mcg. Sau đó, nữ hộ sinh cũng thiếu kiểm tra đối chiếu khi cấp thuốc... Đến tối cùng ngày, chị Cúc đau bụng, ra huyết âm đạo nên quay lại khám và nhân viên y tế phát hiện việc phát nhầm thuốc, đã giải thích và tư vấn. Do không yên tâm nên chị Cúc đã về nhà và sau đó tự đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang siêu âm lại, chẩn đoán thai 7 tuần 3 ngày đã chết lưu...”.
Trường hợp thứ 3 là chị Dương Diễm My (30 tuổi, thai khoảng 5 tuần) cũng bị cấp thuốc nhầm tương tự nhưng may là chị chưa uống, nhân viên y tế đã kịp liên hệ thu hồi lại.
Sau khi sự cố xảy ra, TTYT H.Tân Phước đã họp hội đồng chuyên môn và kết luận “có sai sót cấp phát nhầm thuốc cho người bệnh”, đồng thời “đã đình chỉ công tác đối với dược sĩ và 2 nữ hộ sinh có liên quan”.
Sở Y tế Tiền Giang kết luận: “Nguyên nhân xảy ra sự cố là do nhân viên khoa dược và khoa sản chưa thực hiện đầy đủ quy trình cấp phát thuốc, thiếu kiểm tra đối chiếu nên dẫn tới việc cấp phát thuốc chưa đúng theo đơn thuốc được BS chỉ định”.
Thuốc cấp nhầm dễ dẫn đến sẩy thai
Riêng trường hợp chị Cúc, Sở cho rằng nguyên nhân dẫn tới thai chết lưu “chưa thể khẳng định là do thuốc Misoprostol vì trước đó thai rất yếu. Mặt khác, thuốc Misoprostol chỉ có tác dụng làm mềm cổ tử cung, tăng co bóp cơ tử cung, dễ dẫn đến sẩy thai chứ không đủ gây ra thai chết lưu”.
Cùng ngày 3.4, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc VNPT Tiền Giang, có văn bản khẳng định vụ cấp nhầm thuốc phá thai cho 3 thai phụ ở H.Tân Phước là hoàn toàn không liên quan gì đến phần mềm của VNPT. Theo ông Thái, đơn thuốc trên phần mềm VNPT HIS có đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Bộ Y tế. Việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân do BS điều trị chỉ định đã có đầy đủ thông tin: tên thuốc, hàm lượng, số lượng và hướng dẫn sử dụng. “Việc nhầm lẫn là do nhân viên cấp phát thuốc chưa đúng loại thuốc trong đơn”, ông Thái khẳng định.
Trước đó, trả lời Thanh Niên ngày 27.3, BS Lê Văn Đức, Giám đốc TTYT H.Tân Phước, cho rằng sự cố cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành thuốc phá thai cho 3 thai phụ “là do phần mềm của VNPT lắp đặt”, “lỗi là tại phần mềm”.
Yêu cầu báo cáo trung thực vụ việc
Ngày 2.4, ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang về việc xác minh và báo cáo thông tin các trường hợp phát thuốc Misoprostol 200 mcg cho thai phụ tại TTYT H.Tân Phước, mà Báo Thanh Niên phản ánh.
Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em yêu cầu Sở Y tế Tiền Giang khẩn trương xác minh và báo cáo về Vụ trước 17 giờ ngày 5.4. Yêu cầu TTYT H.Tân Phước và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo trung thực thông tin vụ việc; xử lý tập thể, cá nhân nếu có sai phạm chuyên môn.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.