Cấp cứu nam thanh niên 'ăn' cả ký đinh, móc sắt, muỗng, đồ cắt móng tay...

Duy Tính
Duy Tính
17/01/2021 10:12 GMT+7

Nam thanh niên có 'sở thích' kỳ lạ là nuốt đinh sắt, móc sắt muỗng, dây kẽm, đồ cắt móng tay trong nhiều năm qua.

Ngày 17.1, tin từ Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu một nam thanh niên tên T.H.T (27 tuổi, ngụ Bình Dương) vì nuốt hàng chục cây đinh sắt, muỗng, đồ cắt móng tay… vào bụng. Bệnh nhân có dấu hiệu mắc Hội chứng Pica, rất hiếm gặp.

Nguyên một khay đinh sắt, móc sắt lấy ra từ bụng bệnh nhân

ẢNH: BVCC

Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Phó chủ nhiệm Khoa ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175, cho biết nam bệnh nhân T.H.T có dấu hiệu trầm cảm, thích ăn các dị vật kim loại như đinh sắt, móc sắt, muỗng, đồ bấm móng tay... đã lâu.
Một tháng qua, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng. Mới đây, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện ở Bình Dương, được bác sĩ phát hiện dị vật trong bụng nên chuyển lên Bệnh viện Quân y 175.
 
Hội chứng Pica là gì?
Pica là một hội chứng đặc trưng bởi sự thèm ăn đối với các chất không chứa nhiều chất dinh dưỡng, chẳng hạn như kem đánh răng; tóc; giấy; thạch cao hoặc sơn; kim loại; đá hoặc đất; kính; hoặc phấn...
Bệnh thường dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, cần phẫu thuật khẩn cấp do tắc nghẽn đường ruột cũng như các triệu chứng phức tạp hơn như thiếu hụt dinh dưỡng và nhiễm ký sinh trùng. Hội chứng Pica được cho rằng có liên quan đến các rối loạn tâm thần và tình cảm khác. Các kích thích như chấn thương cảm xúc, thiếu thốn tình cảm, vấn đề gia đình, bị cha mẹ bỏ bê, những phụ nữ mang thai và gia đình tan vỡ có liên quan mật thiết đến Hội chứng Pica như một hình thức làm con người thỏa mãn.
Người mắc Hội chứng Pica rất nguy hiểm khi ăn nhầm những thứ có độc, có chứa khí gas, phân động vật có ký sinh trùng sẽ dẫn đến chảy máu dạ dày và tỷ lệ tử vong rất cao. Những người mắc phải, thường ăn đất đá, sỏi, dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu...
 
Theo đại tá Dũng, bệnh nhân được chẩn đoán là tổn dạ dày do dị vật. Các bác sĩ Khoa ngoại bụng đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật lấy dị vật ra. 
Kết quả, bác sĩ lấy ra khoảng 1 kg dị vật kim loại đã bị ăn mòn một phần như: cây đinh sắt, móc sắt, muỗng, đồ bấm móng nay, lưỡi dao, thỏi sắt...
Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên các bác sĩ phải tiến hành mổ mở và chụp X-quang trong khi mổ để tránh sót dị vật.
Sau 2 tiếng phẫu thuật, các dị vật là đinh sắt, móc sắt, muỗng, đồ bấm móng tay... đã được lấy ra. Hiện bệnh nhân được chuyển về Khoa ngoại bụng tiếp tục theo dõi và điều trị
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.