“Cấp cứu” bệnh viện

13/07/2019 08:00 GMT+7

Vụ cháy KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng sát vách Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM buộc bệnh viện phải di dời khẩn cấp cả ngàn bệnh nhân là hồi chuông cảnh báo an toàn cháy nổ cho bệnh viện.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình (CTCH) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, nằm bao bọc và liền kề với khu KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vốn đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn và tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Trong khi đó, kế hoạch xây mới BV vì nhiều lý do vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan...

Cảnh hoảng loạn chưa từng thấy

Nhân chứng kể lại vụ cháy Ký túc xá Cao đẳng Cao Thắng ở TP.HCM

Sáng 12.7, PV Thanh Niên trở lại BV CTCH. Bác sĩ (BS) Châu Văn Đính, Giám đốc BV CTCH, rùng mình nhớ lại vụ cháy KTX sát BV vào sáng 11.7. Theo BS Đính, khi vụ cháy xảy ra, BV chỉ lo di chuyển đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Rất may có BV Bệnh nhiệt đới sát bên, hỗ trợ chuẩn bị các máy thở phòng khi di chuyển bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới mổ xong phải di chuyển từ BV qua. Nếu không thì hậu quả khó lường. “Lúc đó, chúng tôi chỉ báo cho BS, điều dưỡng trong phòng mổ biết để ứng phó, di chuyển bệnh nhân, không báo cho bệnh nhân. Nếu cho bệnh nhân biết, người tỉnh táo, dù đang bị thương nhưng khi nghe cháy, khả năng họ sẽ chạy, rất nguy hiểm”, BS Đính nói và cho biết thêm, BV chỉ lo cứu bệnh nhân; còn tất cả vật tư, thiết bị… tại BV đều bỏ lại.

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình “ôm” KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũ kỹ

Ảnh: Duy Tính

BS Võ Quang Đình Nam, Phó khoa Nhi BV CTCH, khi xảy ra cháy thì đang mổ chỉnh hình vẹo cột sống cho bệnh nhân, phải đóng vết mổ để di chuyển bệnh nhân. BS Nam kể: “Khi nghe báo cháy KTX kế cận thì tôi đã mổ được 1/3 chặng đường (tức 1,5 giờ mổ). Nếu mổ hoàn thành thì bệnh nhân phải được bắt 16 ốc vít, đặt dụng cụ chỉnh hình, nhưng lúc này bệnh nhân mới được bắt 4 ốc vít. BS mổ bên trong, bên ngoài có người canh chừng. Tôi bình tĩnh cho cắt thuốc mê, đóng vết mổ và cho bệnh nhân ra hồi sức, giảm đau”. Cũng theo BS Nam, chiều cùng ngày, bệnh nhân được mổ lại. Tất cả phòng mổ, dụng cụ mổ đều phải vô khuẩn như từ đầu.
Gặp PV Thanh Niên tại BV CTCH, một bệnh nhân bị gãy chân đến từ Bình Thuận cho biết khi nghe cháy, anh đang đi nạng, may mắn thoát ra khỏi đám cháy nhờ người nhà hỗ trợ. “Tôi nhìn lên thì thấy khói phía bên KTX. Mọi người túa ra cầu thang. Còn chúng tôi là đàn bà nuôi các ông bà cụ trên 80 tuổi bị thay khớp háng, gãy chân không thể chạy được nên rất lo lắng”, bà Huỳnh Lan Phương (55 tuổi, ngụ Vĩnh Long, đang nuôi mẹ) chưa hết bàng hoàng.

KTX và BV đều cũ kỹ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, đã rất cũ và lụp xụp, an ninh cũng không đảm bảo. Tại mỗi tầng, dây điện chằng chịt quấn vào nhau, cầu thang luôn tối mù, khi lên xuống phải cầm đèn.
Nói về danh sách các sự vụ từng xảy ra ở khu KTX, BS Đính cho hay vài năm trước, có 1 tấm đan ở KTX rơi xuống làm bị thương một người ở dưới đường. Còn với BV, xà bần bên KTX rơi qua thường xuyên (do KTX cao hơn BV). Đặc biệt có lần ống nước từ KTX đâm thủng xuống khu phòng mổ của BV. Mặt khác, nước thải KTX ngấm qua Khoa Cấp cứu của BV gây nhiễm khuẩn. Hiện nay khu vực phía trên mái của BV giáp KTX thì phải quây lại bằng lưới B40.
Trong khi đó tại BV CTCH, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. BV xây dựng trên diện tích 6.000 m2, bắt đầu từ thập niên 1960 của thế kỷ trước. Hiện mỗi ngày BV tiếp nhận trên 600 ca nội trú (dù chỉ tiêu có 500 giường) và gần 1.500 bệnh nhân ngoại trú. Nhân viên y tế phải nhường phòng cho bệnh nhân nên không có chỗ nghỉ. Phòng mổ cũng xuống cấp.
Về mặt phòng cháy chữa cháy, do cơ sở cũ kỹ nên không thể triển khai hệ thống chữa cháy tự động. BV chỉ gắn được còi hú và ống nước đi vào các phòng, khi cần thì gắn dây chữa cháy. Vừa qua, BV đầu tư một máy bơm cấp cứu của Nhật. Ở phía mặt tiền BV, ngoài phần hành lang bị lấn chiếm thì nhân viên BV cũng không có chỗ gửi xe máy, BV phải thuê 2 bãi xe bên ngoài, còn bãi xe của BV để cho bệnh nhân.
Theo Công an Q.5, KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật là công trình rất cũ được xây dựng trước năm 1975, các điều kiện, trang thiết bị về PCCC không được đảm bảo. “Đây là KTX đã được đưa vào Nghị quyết 23/2017/NQ-HĐND TP.HCM về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC trên địa bàn TP.HCM được đưa vào sử dụng trước ngày luật PCCC ra đời. Đội Cảnh sát PCCC Q.5 (Công an Q.5) thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân, ban quản lý KTX phải cảnh giác về công tác PCCC. Trong khi chờ kế hoạch giải quyết của TP.HCM theo Nghị quyết 23/2017 thì trách nhiệm quản lý địa phương vẫn luôn được đề cao, tránh những vụ hỏa hoạn gây ra hậu quả đáng tiếc”, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TP.HCM cho hay.

Dự án cấp thiết vẫn nằm trên giấy

Cách đây 10 năm, chính quyền TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xây dựng BV CTCH mới, nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Theo PV Thanh Niên tìm hiểu, dự án BV CTCH mới được khởi động từ năm 2009 để thay thế BV hiện hữu. BS Đính cho hay đã có rất nhiều cuộc họp bàn về dự án này. Theo lãnh đạo BV CTCH, dự án BV mới được lập thiết kế xây dựng từ năm 2009, địa điểm tại Khu 6A, Khu chức năng số 6, Đô thị mới Nam Sài Gòn (H.Bình Chánh). BV CTCH mới đã thiết kế, bảo vệ thiết kế vào năm 2014. Theo thông báo chính thức từ Sở Y tế vào tháng 12.2016 thì BV CTCH mới xây trên diện tích 5,2 ha, quy mô 500 giường, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.680 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào quý 2/2017. Tuy nhiên đến tháng 5.2018, Sở KH-ĐT đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây mới BV CTCH theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo báo cáo này, dự án BV CTCH tọa lạc trên diện tích 5,6 ha, 11 tầng với hơn 70.000 m2 sàn xây dựng. Tổng đầu tư 2.166 tỉ đồng, trong đó 1.230 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án là UBND TP.HCM; nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Tổng công ty cổ phần đền bù giải tỏa (trụ sở tại TP.HCM). Trong báo cáo cũng nêu rõ do quỹ đất tại BV CTCH hiện hữu có nguồn gốc của người Hoa đóng góp từ thiện nên TP không tiếp tục sử dụng để thanh toán cho dự án xây mới BV CTCH (ban đầu dự kiến nhà đầu tư xây mới BV CTCH, sau đó lấy đất BV CTCH hiện hữu làm trung tâm thương mại). Do vậy TP dự kiến sẽ hoán đổi 4 lô đất thuộc khu dân cư phía bắc, số 4 trên trục lộ Đại lộ vòng cung, Khu đô thị Thủ Thiêm cho nhà đầu tư và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính pháp lý.
Tháng 5.2018, UBND TP có công văn gửi Thường vụ Thành ủy TP nêu lên tính cấp bách của dự án BV CTCH mới để Thành ủy xem xét. Theo công văn này, Ban Cán sự Đảng UBND TP cho biết BV CTCH hiện hữu thuộc danh mục các công trình BV cũ trong nội thành đã quá tải, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân, cần di dời ra khu vực ngoại thành theo quy hoạch chung của TP.
 

Nhiều BV cũ kỹ, nguy cơ cháy nổ cao

Trên địa bàn TP.HCM còn nhiều BV cũ kỹ và nguy cơ cháy nổ cao, như một số khu nội trú BV Nhi đồng 2, BV An Bình, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân Gia Định, BV đa khoa khu vực Củ Chi, BV đa khoa khu vực Hóc Môn, BV Q.Thủ Đức… Hiện các dự án BV cửa ngõ trọng điểm như BV đa khoa khu vực Củ Chi, BV đa khoa khu vực Hóc Môn chỉ mới dừng ở bước san lấp mặt bằng, chưa biết khi nào khởi công. Còn BV đa khoa khu vực Thủ Đức mới chuẩn bị đầu tư, đang rà soát để trình phê duyệt dự án. Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng một số dự án y tế thuộc Cụm y tế Tân Kiên (H.Bình Chánh) chưa hoàn tất, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.
Duy Tính

Dự án vướng giải tỏa

Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án BV CTCH mới có 62 hộ (bao gồm 3 doanh nghiệp). Đến nay, Tổng công ty cổ phần đền bù giải tỏa đã tiếp nhận từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh mặt bằng trống của 33 - 34 trường hợp với tổng diện tích 30.440 m², đạt trên 74% trên tổng diện tích cần phải giải phóng mặt bằng. Tổng công ty cổ phần đền bù giải tỏa đã chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường của 62 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 83 tỉ đồng và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh đã thực hiện chi trả cho các hộ đồng ý nhận tiền (60,4 tỉ đồng). Đã mở sổ tiết kiệm cho 29 hộ chưa đồng ý nhận tiền (22,9 tỉ đồng). Ngoài ra, H.Bình Chánh còn hỗ trợ chi phí liên quan cho các hộ bị ảnh hưởng như tạm cư, di dời... Có 8 hộ dân đang khởi kiện tại TAND TP trong dự án BV CTCH, trong đó TP chấp thuận chủ trương thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 8 trường hợp này. UBND H.Bình Chánh đã tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 1 hộ. Hiện nay UBND H.Bình Chánh đang tiếp tục thực hiện công tác vận động các hộ dân trước khi thực hiện cưỡng chế. Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, dù dự án giải tỏa được nhiều nhưng vẫn chưa thể san lấp, khởi công được do hiện trạng đất “da beo”. Lý do người dân chưa chấp nhận đền bù, di dời vì cho rằng giá còn thấp.
Duy Tính 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.