Đại án Phạm Công Danh: 9.000 tỉ đồng được rút thế nào?

20/07/2016 10:06 GMT+7

Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 20.7, TAND TP.HCM bắt đầu phần xét hỏi với việc công bố bảng cáo trạng của đại diện Viện KSND.

tin liên quan

Phạm Công Danh và ‘những cánh tay đắc lực’
Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, nhiều lãnh đạo, cán bộ nhân viên của VNCB, cùng lãnh đạo của 14 công ty là “những cánh tay đắc lực” giúp ông Danh rút hàng nghìn tỉ đồng của VNCB.
Bảng cáo trạng dài 123 trang, dự kiến sẽ chiếm lượng thời gian khá dài. Chủ tọa nhắc các bị cáo nếu do sức khỏe không đảm bảo có thể được ngồi để nghe công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, các bị cáo bị truy tố về các hành vi: cố ý làm trái trong việc lập hồ sơ khống thực hiện Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking rút 63,276 tỉ đồng; cố ý lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, (Q.10, TP.HCM) rút 201,6 tỉ đồng; lập khống hợp đồng thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh (Q.10) rút 400 tỉ đồng; Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc rút 5.190 tỉ đồng nhưng chứng từ không có chữ ký của các chủ tài khoản, rút 300 tỉ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng VN (VNBC) 5.490 tỉ đồng; rút 903 tỉ đồng từ VNBC dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt; Hành vi vi phạm các quy định cho vay đối với 14 công ty, số tiền vay 5.000 tỉ đồng nhưng chỉ tất toán được 300 tỉ đồng.
Đối với hành vi cố ý làm trái trong việc lập hồ sơ khống thực hiện Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, theo đại diện Viện KSND, tháng 5.2013, để có tiền sử dụng và chi cho chăm sóc khách hàng phục vụ thanh khoản cho VNCB, Phạm Công Danh đã tổ chức cuộc họp 5 người gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (Phó Tổng giám đốc thường trực VNCB), Mai Hữu Khương (Thành viên Hội đồng quản trị VNCB), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng Ban kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (Nhân viên tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) bàn việc rút tiền.
Để thực hiện, Danh giới thiệu Phạm Thi Trang và Phạm Việt Thép (anh ruột của Trang) nhờ đứng tên thành lập Công ty TNHH dịch vụ và thương mại JSC An Phát (Công ty An Phát). Tuy thành lập nhưng công ty không hề hoạt động.
Sau đó, Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương tạo dựng hợp đồng với công ty An Phát về việc cung cấp dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cấp hệ thống Corebanking. Từ đó, Phan Thành Mai chỉ đạo kế toàn chi 63,276 tỉ đồng cho công ty An Phát. Sau đó, nhóm người này đã rút số tiền này ra, chia nhau sử dụng.
Ngoài ra, để có tiền trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và trả lãi vay ngoài, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập khống hợp đồng thuê mặt bằng và trụ sở tại số 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (Q.10), rút ra hơn 601 tỉ đồng.
Cụ thể, Phạm Công Danh phân công Mai Hữu Khương (Giám đốc) và Lưu Trung Kiên (Phó giám đốc Chi nhánh VNCB Sài Gòn) làm thủ tục thuê địa điểm làm trụ sở VNCB, ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Trung Dung thuê 8.000 m2 tại 268 Tô Hiến Thành với giá 5,6 tỉ đồng/tháng, thời hạn thuê 20 năm.
Công ty Trung Dung là doanh nghiệp của tập đoàn Thiên Thanh, thực chất là do Phạm Công Danh tự lập ra, nhưng không hoạt động gì. Tương tự, Danh cũng lập ra Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Hương Việt (cũng không hoạt động gì) để ký hợp đồng khống với Phan Thành Mai thuê mặt bằng tại số 816 Sư Vạn Hạnh để làm trụ sở làm việc cho VNCB, thời hạn thuê là 20 năm. Từ các hợp đồng này, Phạm Công Danh đã chỉ đạo kế toán VNCB chi toàn bộ số tiền hơn 601 tỉ đồng (của 2 hợp đồng) cho 2 công ty Trung Dung và Hương Việt, sau đó, 2 công ty này lại chuyển cho Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng.
Rút 5.490 tỉ đồng nhưng không có chứng từ, không có hồ sơ vay
Theo đại diện Viện KSND, sau khi đã nắm quyền chi phối, kiểm soát VNCB, Phạm Công Danh đã thông qua Phạm Thị Trang đặt vấn đề với ông Trần Quí Thanh (chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát), con gái của ông Thanh là bà Trần Ngọc Bích và một số người thân của Bích gửi tiền vào VNCB để Danh làm thủ tục vay – rút tiền.
Cách thức thực hiện như sau: Các thành viên của nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB, nhận sổ tiết kiệm. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cho Phan Thành Mai (Tổng Giám đốc), Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm sổ tiết kiệm của nhóm này. Sau khi hoàn thành thủ tục vay tiền, VNCB chi nhánh Sài Gòn giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB chi nhánh Sài Gòn.
Với cách thức này, từ tháng 12.2012 đến tháng 7.2013 đã có 16 lần vớ 122 khoản vay bằng hình thức cầm sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỉ đồng được thực hiện và các khoản vay này đều tất toán. Đây là khoản vay luân chuyển, khoản vay sau dùng để trả cho khoản vay trước, cộng với một phần Danh vay thêm, nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản trước.
Trong số tiền giải ngân, có 16.250,5 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh, sau đó, Danh đã chuyển qua nhiều tài khoản khác để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân. Các khoản vay này, đến thời điểm khởi tố vụ án đã được 2 bên thanh toán hết. Tuy nhiên, có 5.490 tỉ đồng được rút ra từ VNCB và chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh nhưng không có hồ sơ chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản.
Phiên tòa tạm nghỉ vào lúc 11 giờ sáng khi bản cáo trạng vẫn chưa công bố hết. Chiều nay, Đại diện Viện KSND sẽ tiếp tục công bố bản cáo trạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.