Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nghiệm thu, thanh toán sai hơn 811 tỉ đồng

Thái Sơn
Thái Sơn
03/03/2021 06:19 GMT+7

Cơ quan Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đề nghị truy tố 36 bị can.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 36 bị can về tội “vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 224, bộ luật Hình sự.
Trong số này có các bị can Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC); Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và 33 bị can khác là giám đốc, phó giám đốc ban điều hành các gói thầu của dự án, kỹ sư tư vấn giám sát. Đáng chú ý, có một bị can người nước ngoài cũng bị truy tố là ông Takao Inami (quốc tịch Nhật Bản), Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng giám sát dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đường nối lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sạt lở nghiêm trọng

Công trình trọng điểm quốc gia vừa xài đã hỏng

Theo kết luận điều tra (KLĐT), dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến gần 140 km (từ TP.Đà Nẵng - TP.Quảng Ngãi), do VEC làm chủ đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án là 65 km, từ TP.Đà Nẵng đến TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) gồm 8 gói thầu về xây lắp. Giai đoạn 2 là hơn 74 km, gồm 5 gói thầu xây lắp chính. Dự án được khởi công từ 19.5.2013 đến 1.8.2017 thì hoàn thành thông xe giai đoạn 1, đến 2.9.2018 thông xe giai đoạn 2.
Dự án là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi vừa mới đưa vào vận hành khai thác, tại đoạn đường giai đoạn 1 đã xảy ra nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường, ảnh hưởng đến vận hành khai thác và an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Kết quả điều tra có đủ căn cứ xác định quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị giám sát đã thực hiện không tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng nên đã tổ chức thi công, nghiệm thu để đưa dự án vào vận hành sử dụng không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế của dự án.
Kết quả giám định tư pháp cho biết, chất lượng công trình của 7/7 gói thầu phần đường trong giai đoạn 1 đều không đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, như chất lượng vật liệu nguồn, chất lượng các hạng mục không đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu thiết kế dự án như chiều dày, hàm lượng nhựa, độ thấm. Mặt khác, nhiều chỉ số như độ dẻo, độ mài mòn không đạt yêu cầu, cường độ chịu tải không đảm bảo quy định… Những yếu tố trên là nguyên nhân gây hư hỏng khi dự án được vận hành khai thác, nhất là trong điều kiện nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột kết hợp với tải trọng và lưu lượng phương tiện xe qua tuyến.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, giá trị các gói thầu xây lắp không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nhưng đã được VEC và các đơn vị nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu số tiền 811 tỉ đồng.

Phó tổng VEC đổ lỗi cho cấp trên lẫn cấp dưới

Theo KLĐT, các bị can trong vụ án đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, bị can Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào với vai trò là lãnh đạo của VEC, trực tiếp chịu trách nhiệm tại dự án, đã không tuân thủ các quy định về xây dựng công trình, buông lỏng các hoạt động về quản lý, điều hành dẫn đến không kiểm soát được chất lượng công trình. Hành vi của bị can Hùng được xác định gây thiệt hại số tiền 422 tỉ đồng, là tiền VEC đã thanh toán cho nhà thầu. Quá trình điều tra, bị can Hùng khai báo quanh co, luôn đổ lỗi cho cấp trên và cấp dưới.

Tiếp tục điều tra các kỹ sư Nhật Bản, Tây Ban Nha

Theo KLĐT, trong vụ án này còn liên quan đến một số nhà thầu thi công dự án liên quan đến nhân sự của Bộ Quốc phòng, nên Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã tách vụ án và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng điều tra theo thẩm quyền. Mặt khác, trong vụ án còn có một số kỹ sư là người Nhật Bản, Tây Ban Nha tham gia dự án giai đoạn 1 đã về nước trước thời điểm khởi tố vụ án. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có các yêu cầu tương trợ tư pháp đến các nước này nhưng đến nay chưa có kết quả nên đã tách vụ án để xử lý sau.
Trong khi đó, bị can Lê Quang Hào cũng có hành vi tương tự với hậu quả gây thiệt hại số tiền 389 tỉ đồng, là tiền VEC thanh toán cho nhà thầu, nhưng đã nhận thức rõ vai trò bản thân, khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra, là những tình tiết được cơ quan điều tra đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử.
Đối với các bị can còn lại, cơ quan điều tra cáo buộc đã có các hành vi không tuân thủ các quy định về pháp luật dẫn đến tổ chức thi công, nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng. Trong đó, bị can Takao Inami trực tiếp xác nhận nghiệm thu chất lượng vật liệu, chất lượng các hạng mục, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhiều gói thầu. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, trong hoạt động tư vấn giám sát dự án, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, gây hư hỏng khi vận hành khai thác. Do đó, cơ quan điều tra xác định bị can Takao Inami phải chịu trách nhiệm với số tiền 567 tỉ đồng đã được thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng.
Nhiều bị can khác là tư vấn giám sát người Việt cũng phải chịu trách nhiệm với những khoản tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Đường dẫn lên cầu vượt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nứt toác như vừa động đất vào tháng 11.2019

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.