Cao tốc Bắc - Nam lo ‘nút thắt’ mặt bằng: Thiếu cơ chế bảo lãnh, khó 'đắt khách'

Mai Hà
Mai Hà
25/12/2018 09:59 GMT+7

Về cơ chế thu hút nhà đầu tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư.

Để chào hàng, tháng 1.2019 Bộ GTVT sẽ làm roadshow giới thiệu dự án, gửi thư mời tới các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. “Nhiều nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế đều ngỏ ý quan tâm, nhưng điểm nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là cơ chế bảo lãnh Chính phủ vẫn chưa thực hiện được do chưa có các quy định cho phép”, ông Nhật nói.
Hiện, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng luật Đối tác công tư (PPP) và giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế chính sách về vấn đề bảo lãnh. Song khi thực hiện cơ chế bảo lãnh sẽ phát sinh nhiều vấn đề như nghĩa vụ trả nợ dự phòng, lại liên quan đến nhiều luật khác... Vì vậy, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam khó khả thi trong thời điểm này.
Dự kiến quý 3/2019, Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với 8 dự án theo hình thức PPP. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cho thấy cao tốc Bắc - Nam đang khó thu hút ngay cả với nhà đầu tư nội.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp đã tham gia đầu tư một dự án đường bộ lớn (xin giấu tên) cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng chắc khó trúng thầu”.
Lý do, theo ông, luật nọ đang đá luật kia làm khó cho nhà đầu tư. Các dự án BOT đa phần đều vay vốn ngân hàng thực hiện, theo hướng dẫn hạch toán của Bộ Tài chính những năm đầu tiên sẽ lỗ trước - các năm sau lãi, dù đây là “lỗ giả tạo” vì tính trên vòng đời dự án nào cũng có lãi trên vốn điều lệ. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị phải hướng dẫn lại hạch toán, phân bổ chi phí cho toàn bộ dự án, lãi trên vốn điều lệ mới đúng bản chất của BOT.
“Hiện các doanh nghiệp đều phải chờ hướng dẫn lại của Bộ Tài chính về phương pháp hạch toán. Nếu với hướng dẫn cũ doanh nghiệp sẽ “trượt” từ vòng nộp hồ sơ thầu, vì theo luật Đấu thầu, doanh nghiệp lỗ 3 năm sẽ không đủ điều kiện đấu thầu”, ông này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng cho biết, các cơ chế của dự án cao tốc Bắc - Nam chưa rõ ràng trong phân chia trách nhiệm hay rủi ro cho nhà đầu tư và nhà nước.
“Giả sử mặt bằng chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng chưa rõ, chỉ cần 5% mặt bằng tồn đọng đổ vỡ dự án cũng đủ khiến doanh nghiệp chịu trận. Hay hợp đồng đã ký, nếu thay đổi chính sách thì phải phân định rõ doanh nghiệp hay nhà nước chịu, nếu nhà nước thay đổi hợp đồng thì nhà nước phải đền tiền. Đã đấu thầu công khai, minh bạch thì nhà nước đừng sợ “hớ”, chỉ định thầu mới sợ “hớ”. Nhà đầu tư không lãi thì không ai làm, còn lãi như thế nào thì nhà nước phải tính”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Sau GPMB, việc thu hút nhà đầu tư tiếp tục là bài toán khó khi chào thầu và đấu thầu của Bộ GTVT. Và phải tới quý 3/2019, khi tiến hành đấu thầu mới trả lời được câu hỏi có thực hiện được cao tốc Bắc - Nam xong trong năm 2021 hay không.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng, gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.