Cao tốc Bắc - Nam lo ‘nút thắt’ mặt bằng

Mai Hà
Mai Hà
25/12/2018 08:00 GMT+7

Dự án cao tốc Bắc - Nam đang phải chạy nước rút để kịp tiến độ, trong khi những nút thắt lớn về mặt bằng sạch, cũng như nguồn vốn, cơ chế bảo lãnh vẫn đang để ngỏ.

Mới giải phóng được 2 km đầu tiên

Theo nghị quyết Quốc hội đặt ra, tới năm 2021, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (gồm 11 dự án thành phần, quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài 654 km) sẽ phải hoàn thành. Sau gần 1 năm kéo dài từ khi được phê duyệt chủ trương, tới nay Bộ GTVT đã phê duyệt xong báo cáo nghiên cứu khả thi 11 dự án.
Hiện các dự án đang trong giai đoạn đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, khi chọn được tư vấn mới tiến hành công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tới nay, mới chỉ duy nhất dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là Cao Bồ - Mai Sơn đã bàn giao xong cọc mốc GPMB cho các địa phương, chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công xây dựng. 
Khối lượng giải phóng mặt bằng của toàn dự án là rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 năm để hoàn tất giải phóng mặt bằng, nên nếu các địa phương không tích cực, rốt ráo phối hợp triển khai sẽ rất khó hoàn thành
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT
Thực tế, Cao Bồ - Mai Sơn đi trước một bước trong GPMB nhờ đây là dự án “cũ”, trước đây là dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1. Sau đó, trong quy hoạch cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy mô 2 làn lên 4 làn xe, nhờ vậy công tác bàn giao cọc mốc cho các địa phương thực hiện đền bù GPMB đã hoàn thành từ tháng 9.2018.
Hiện dự án đã nhận bàn giao được 2 km mặt bằng từ địa phương đoạn qua H.Yên Mô (Ninh Bình).
Dự kiến đến tháng 7.2019, công tác GPMB của dự án Cao Bồ - Mai Sơn sẽ cơ bản hoàn thành. Ngoài Cao Bồ - Mai Sơn, 2 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến cũng sẽ khởi công xây dựng trong năm 2019. Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2019 phải lựa chọn được nhà đầu tư và thi công trong năm 2020 - 2021.

Hơn 4.746 ha phải GPMB

Theo thiết kế, khối lượng phải GPMB để hoàn thành 654 km cao tốc là 4.746,3 ha đất chạy xuyên qua 13 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 8/11 dự án thành lập được hội đồng GPMB. Ngoài Cao Bồ - Mai Sơn, 10 dự án còn lại vẫn chỉ đang... rục rịch chuẩn bị.
2 km đầu tiên dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã được bàn giao mặt bằng Ảnh: Đình Quang
2 km đầu tiên dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã được bàn giao mặt bằng Ảnh: Đình Quang
Dự án Mai Sơn - QL45 có chiều dài 63,67 km, theo tiến độ tổng thể được Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long trình Bộ GTVT, dự kiến tháng 12.2018 sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát thiết kế kỹ thuật và cắm cọc mốc GPMB. Song mốc này có thể không đạt được khi chỉ còn vài ngày nữa hết năm 2018 mà dự án vẫn chưa lựa chọn xong nhà thầu tư vấn.
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, hiện dự án mới đang triển khai công tác chuẩn bị.
Các đoạn tuyến cao tốc và khối lượng giải phóng mặt bằng
Các đoạn tuyến cao tốc và khối lượng giải phóng mặt bằng
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những dự án cao tốc có số phận long đong khi phải chuyển đổi nhà đầu tư sau nhiều năm không thể triển khai. Được đưa vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, ban đầu dự án Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 98 km) dự kiến sẽ triển khai cuối năm 2019, tuy nhiên do chưa có mặt bằng thực hiện nên dự án lại lùi mốc khởi công tới tháng 7.2020.
Báo cáo Bộ GTVT ngày 23.12, Ban QLDA Thăng Long cho biết, từ năm 2014 dự án đã được cắm cọc mốc bàn giao cho địa phương để chuẩn bị công tác GPMB. Nhưng do trước đây dự án chỉ quy hoạch 4 làn xe, sau đó Quốc hội phê duyệt lên 6 làn xe nên Ban QLDA phải làm lại hồ sơ điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi, dẫn tới việc chậm thống nhất giữa đại diện chủ đầu tư và UBND tỉnh Đồng Nai về phương án thu hồi, bồi thường, trong khi thời gian đến mốc bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu khởi công còn lại khá ngắn.
Diện tích đất cần thu hồi theo báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án Dầu Giây - Phan Thiết là 490,23 ha, nhưng diện tích đất cần thu hồi theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt là 415,43 ha, thiếu 74,8 ha so với FS duyệt. Ban QLDA Thăng Long cho biết, các huyện có dự án đi qua tại tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đang rà soát lại phần diện tích cần thu hồi còn thiếu. Hiện, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đang tổng hợp số liệu kế hoạch sử dụng đất từ các huyện và chính xác lại diện tích cần sử dụng.
Đáng chú ý, tổng số tái định cư là 208 hộ, trong đó riêng H.Xuân Lộc (Đồng Nai) chiếm diện tích lớn nhất 146 hộ nhưng vẫn chưa có khu tái định cư, hiện vẫn đang lập dự án. Theo ông Dương Viết Roãn, Ban QLDA Thăng Long đã có công văn đề nghị tỉnh Đồng Nai đăng ký kế hoạch sử dụng vốn năm 2019 làm cơ sở báo cáo Bộ GTVT bố trí vốn 2019 phục vụ GPMB, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản đăng ký vốn GPMB từ tỉnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, nhà đầu tư chỉ vào dự án khi được giao mặt bằng sạch, bởi vậy, nút thắt đầu tiên của dự án chính là mặt bằng. “Khối lượng GPMB của toàn dự án là rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 năm để hoàn tất GPMB, nên nếu các địa phương không tích cực, rốt ráo phối hợp triển khai sẽ rất khó hoàn thành”, ông Nhật cho biết.
Tiến độ thực hiện dự án thời gian tới phụ thuộc chủ yếu vào cắm cọc mốc GPMB và thực hiện khảo sát thiết kế kỹ thuật. Chỉ khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán được hoàn thiện xong khi đó các dự án mới được tiến hành tổ chức đấu thầu.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Hà Nội - TP.HCM chỉ còn 5 giờ 17 phút
Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ GTVT hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Báo cáo do liên danh tư vấn Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), TRICC, TEDISOUTH và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Theo tư vấn, dự án có chiều dài 1.559 km, đi qua 20 tỉnh, thành, điểm đầu tại ga Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nguồn vốn nhà nước không dưới 80% tổng mức đầu tư, 20% là vốn tư nhân.
Giai đoạn 1 của dự án (2020 - 2030) sẽ đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh (Nghệ An) dài 282,65 km và Nha Trang (Khánh Hòa) - TP.HCM dài 362,15 km. Giai đoạn 2 (2030 - 2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 901 km), trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.
Về quy mô đầu tư, dự án thực hiện xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, chỉ vận chuyển hành khách. Tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.
Toàn tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot... Theo tính toán của tư vấn, nếu chạy tàu với tốc độ 320 km/giờ, dừng tàu tại mỗi ga 2 phút, thời gian chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh hết 1 giờ 20 phút, đoạn TP.HCM - Nha Trang hết 1 giờ 35 phút, đoạn Hà Nội - Đà Nẵng hết 2 giờ 24 phút. Thời gian chạy toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM hết 5 giờ 17 phút (tàu đỗ ít ga) và 6 giờ 50 phút (tàu đỗ nhiều ga).
Về vốn đầu tư, tư vấn nhận định, phần đầu tư cho thiết bị và một số chi phí quản lý vận hành khai thác từ khối tư nhân khoảng 10 - 20% tổng mức đầu tư dự án (6 - 12 tỉ USD), nhà nước sẽ đầu tư tối thiểu 80% tổng mức đầu tư (52 - 47 tỉ USD).
Phần vốn đầu tư của nhà nước ước tính chiếm khoảng 7 - 10% vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2020 - 2030 và khoảng 7 - 7,6% cho giai đoạn 2030 - 2040. Nếu tính tỷ lệ GDP, mức đầu tư cho dự án chiếm tỷ lệ khoảng 0,4 - 0,55% cho giai đoạn 2020 - 2030 và khoảng 0,35 - 0,4% cho giai đoạn 2030 - 2040.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.