Canh trời Trường Sa - Kỳ 1: Tìm quần đảo trong mây

26/05/2016 10:55 GMT+7

Đó là nhiệm vụ của các thế hệ phi công Su-22, Su-22M4, Su-27 thuộc trung đoàn 937, sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) từ nhiều năm nay.

Những chàng trai hơn 20 tuổi lần đầu lái Su-22 ra Trường Sa những năm 80 giờ đang dần nhường buồng lái cho con cháu sinh năm 1991-1992, canh trời giữ biển.
Kỳ 1: Tìm Trường Sa từ trong mây
Được thành lập từ cuối tháng 5.1975, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Nam bộ nhưng phải đến cuối tháng 11.1988, trung đoàn 937 mới chính thức được giao trọng trách bảo vệ Trường Sa - khu đặc quyền kinh tế biển và dầu khí phía Nam Tổ quốc…
Từ trực thăng đến máy bay huấn luyện
Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ (người mặc đồ bay, thứ 4 từ trái sang phải) đã có thâm niên 18 năm bay tiêm kích Su-22M4 bảo vệ Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Tuy đã là Thủ trưởng Quân chủng nhưng thỉnh thoảng ông vẫn từ Hà Nội vào Phan Rang bay cùng biên đội Ảnh tư liệu sư đoàn 370

Chuyến bay đầu tiên của Không quân VN ở Trường Sa được thực hiện bằng máy bay UH-1, chiến lợi phẩm của Mỹ. Đầu tháng 1.1976, trung đoàn 917 được giao nhiệm vụ dùng trực thăng UH-1 phối hợp với Vùng 4 Hải quân triển khai nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, tháng 3. 1976, tổ bay UH-1 (gồm lái chính Lê Đình Ký; lái chính Hồ Duy Hùng ngồi ghế lái phụ; dẫn đường trên không Vũ Xuân Cán) cất cánh từ sân bay Cam Ranh, hạ cánh xuống tàu đổ bộ LST của hải quân và lên đường ra Trường Sa. Khi đến gần đảo Trường Sa Lớn, tổ bay cất cánh từ boong tàu, đưa đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu (do thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN dẫn đầu) hạ cánh xuống đảo. Từ Trường Sa Lớn, trực thăng được sự hỗ trợ của tàu LST lần lượt hạ cánh xuống các đảo Song Tử Tây, Song Tử Đông, Sơn Ca... Đợt hoạt động bay trực thăng đầu tiên này kéo dài 2 tuần và là tiền đề cho việc triển khai một số trạm dẫn đường của Không quân VN tại Trường Sa, dẫn dắt máy bay sau này.
Tiếp đó, tháng 5.1976, tổ bay UH-1 (lái chính Nguyên Đình Khoa; lái chính Hồ Duy Hùng ngồi ghế lái phụ; dẫn đường trên không Vũ Xuân Cán) tiếp tục đưa đoàn cán bộ hải quân đi kiểm tra tất cả các đảo nổi, đảo chìm trên khu vực quần đảo Trường Sa. UH-1 cũng cất cánh từ Cam Ranh, hạ cánh xuống tàu LST để ra Trường Sa. Khi ra đến gần các đảo như Châu Viên, Sinh Tồn... tổ công tác lại áp dụng cách bay như đợt hoạt động trước.
Ngày 6.11.1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ngay hôm sau (7.11.1987), Tư lệnh KQ lệnh cho sư đoàn 372 tổ chức cơ động một phi đội Su-22M của trung đoàn 923 từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào Phan Rang (Ninh Thuận) hiệp đồng với các đơn vị Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn Phòng không 378 sẵn sàng chiến đấu. Ngày 14.11.1987, lực lượng dẫn đường đã cùng phi công thực hiện dẫn bay thành công Su-22M cơ động chuyển sân đường dài lần đầu tiên vào phía Nam.
Đưa máy bay Su-22M4 vào vị trí làm nhiệm vụ, tại sân bay Phan Rang Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đặc biệt, sáng 10.3.1988, Phi đội trưởng Vũ Xuân Cương và chuyên gia Liên Xô đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên máy bay SU-22 từ Phan Rang ra đảo Trường Sa và quay về căn cứ an toàn.
“Để bay ra được Trường Sa, phải lắp thêm 4 thùng dầu phụ cho Su-22M và việc luyện tập mấy tháng ở các đảo ven bờ, từ 100 km lên 200, 300 km và nâng lên 400km”, thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ kể lại.
Chuẩn bị tên lửa không đối đất cho máy bay làm nhiệm vụ trực chiến Trường Sa Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lợi thế Phan Rang
Sân bay Phan Rang (hay còn gọi là Thành Sơn) được xây dựng từ trong thế chiến thứ 2 bởi quân đội Nhật và được quân đội Pháp mở rộng quy mô phục vụ các chuyến bay vận tải hạng trung và chế độ cũ củng cố thành sân bay phản lực, trực thăng. Sau ngày 30.4.1975, sân bay Phan Rang trở thành nơi huấn luyện, sử dụng các máy bay chiến lợi phẩm.
Mãi giữa những năm 80, khi Trung Quốc bắt đầu triển khai ý định thôn tính một số đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng mới chọn sân bay Phan Rang là nơi đóng quân cho máy bay làm nhiệm vụ bảo vệ, do sân bay này chỉ cách Trường Sa 600km về phía Tây.
Biên đội Su-22M4 cất cánh làm nhiệm vụ tuần tiễu Trường Sa Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sau sự kiện 14.3.1988 và việc Trung Quốc chiếm 2 đảo Chữ Thập, Châu Viên ở Trường Sa, toàn bộ lực lượng không quân trực chiến phía Nam đặt trong tình trạng sẵn sàng xuất kích. Nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa được đẩy mạnh.
Ngày 24.4.1988, Tư lệnh Không quân VN điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Rang. Cuối tháng 6.1988, thêm 10 chiếc Su-22M được tăng cường và duy trì thường xuyên các chuyến bay nhiệm vụ. Trong 2 ngày (24 và 28.6.1988), các kíp trực ban dẫn đường của sư đoàn 372 và trung đoàn 923 đã phối hợp dẫn chính xác 2 đôi Su-22 lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và Phan Vinh. Đây là các chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên của máy bay chiến đấu Su-22M do các phi công trung đoàn 923 hoàn toàn độc lập thực hiện.
Máy bay Su-22M4 cất cánh bên cạnh tháp Chàm Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đầu tháng 10.1989, thiếu tướng Trần Hanh, Tư lệnh Không quân VN ra quyết định khôi phục phiên hiệu trung đoàn Không quân 937 (trực thuộc sư đoàn 372), đóng quân ngay tại sân bay Phan Rang, Ninh Thuận nhằm “tăng cường lực lượng bảo vệ vùng trời khu vực Nam Trung Bộ và chi viện, bảo vệ quần đảo Trường Sa, khu vực kinh tế biển ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.
Do đặc thù bảo vệ Trường Sa, trung đoàn 937 được trang bị 100% máy bay hiện đại, mới đưa về từ Liên Xô (cũ). Đây là máy bay tiêm kích bom Su-22M4, là lực lượng tác chiến để đánh các mục tiêu mặt đất, mặt nước và trinh sát đường không ở chiều sâu chiến thuật và chiến dịch; làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng tác chiến trong các loại hình chiến dịch phòng ngự, tiến công, chống đổ bộ đường biển, tiêm kích phòng không…
Hạ cánh và bung dù giảm tốc, sau khi làm nhiệm vụ Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngày 25.11.1988, tại sân bay Phan Rang, sư đoàn 372 chính thức tổ chức lễ công bố quyết định khôi phục danh hiệu trung đoàn Không quân 397 chuyên trách bảo vệ Trường Sa.
Tiêm kích bom thống soái Trường Sa
Thực ra, trước khi diễn biến căng thẳng Trường Sa tháng 3.1988, Bộ Quốc phòng đã lường hết các tình huống trên không trên biển và cử 20 phi công cùng 60 cán bộ kỹ thuật sang Liên Xô (cũ) chuyển loại sử dụng máy bay tiêm kích bom Su-22M4, để làm tiền đề khôi phục phiên hiệu trung đoàn 937 bảo vệ Trường Sa. Cuối năm 1988, chuyến hàng viện trợ đầu tiên gồm 4 máy bay Su-22M4 cập cảng Đà Nẵng và ngay lập tức được lắp ráp, bay thử. Đầu tháng 3.1989, số máy bay Su-22M4 này được chuyển về sân bay Phan Rang làm nhiệm vụ chuyển loại cho phi công, các thành phần và đảm bảo bay.
Các phi công trẻ thực hành trên buồng lái Su-22M4 Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thượng tá Bùi Văn Long ((Phân đội trưởng, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật hàng không, trung đoàn 937) kể: Thời điểm ấy, bộ phận kỹ thuật bám sân bay 24/24, ăn uống ngay giữa sân bay nắng nóng và mệt lắm, mới chui vào nghỉ dưới cánh máy bay. Phi công thì được ưu tiên trong nhà trực làm bằng cót ép, vốn là xưởng kỹ thuật để lại từ hồi chế độ cũ, nhưng cũng chỉ một chút là ra sân cùng tìm hiểu, học tập làm chủ máy bay.
Kiểm tra động cơ máy bay Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cuối tháng 8.1989, lần đầu tiên 7 phi công của trung đoàn 937 thực hiện cơ động 7 chiếc Su-22M4 từ sân bay Phan Rang ra tổ chức bắn tên lửa và ném bom thử nghiệm một số vũ khí mới, đặc biệt là tên lửa không đối đất. Thiếu tướng Lâm Quang Đại (khi đó là đại úy, Phi đội phó điều khiển 1 máy bay Su-22M4 trong đội hình cơ động) kể lại: Trong tháng 9 và 10.1989, các máy bay bắn thử thành công vũ khí mới và tính đến hết tháng 11.1989, toàn trung đoàn đạt hơn 2.000 chuyến bay an toàn. Đặc biệt, ngày 19.10.1989, đôi bay Su-22M4 là phi công Vũ Kim Điến và Nguyễn Văn Thận hoàn thành xuất sắc chuyến bay nhiệm vụ tiêm kích bom đầu tiên ra Trường Sa. Sau đó, các chuyến bay tuần tiễu - trinh sát Trường Sa được thực hiện liên tục. Thiếu tướng Lâm Quang Đại là một trong số những người bay ngay sau chuyến đầu tiên đó.
Hoàn thành nhiệm vụ, dừng tại khu vực bãi đỗ Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.