Cảnh báo sinh vật ngoại lai

17/08/2010 02:06 GMT+7

Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại VN là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái.

Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương...

Ngày 16.8, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã tổ chức hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc về bảo vệ thực vật, trong đó nổi lên vấn đề sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại ở VN. Theo TS Dương Minh Tú (Cục Bảo vệ thực vật), lợi ích thu được từ việc du nhập giống cây, giống con mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở nước ta thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, có loài SVNL đã gây ra nhiều tác hại đáng kể cho môi trường sinh thái. Mới đây nhất, việc một công ty ở Cần Thơ nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ là tiếng chuông báo động về thực trạng quản lý SVNL gây hại.

Theo Bộ NN-PTNT, rùa tai đỏ nằm trong danh mục không được phép nhập khẩu. Loài rùa này có xuất xứ từ Bắc Mỹ, có thể sống từ 50-70 năm. Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái. Ngoài ra, rùa tai đỏ còn có thể mang salmonella, loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn đối với người. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xếp loài này đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Điều đáng nói là rùa tai đỏ đã xuất hiện tại VN vào khoảng 10 năm nay, âm thầm trung chuyển qua các nước khác và một số được nuôi làm cảnh.  

Ngày 16.8, ông Ngô Minh Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP du lịch An Giang cho biết: Về thông tin Báo Thanh Niên phản ánh "bầy rùa tai đỏ đã bò lên núi Cấm", công ty đã cho người kiểm tra và phát hiện nhiều cá thể rùa tai đỏ đang sống ở hồ Thủy Liêm, Núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang). Ông Thanh nói công ty đã phối hợp các ngành chức năng tìm bắt được 39 con rùa tai đỏ đem tiêu hủy. Hiện công ty đang tiếp tục tìm bắt rùa tai đỏ, tuyên truyền du khách không đem rùa tai đỏ lên núi phóng sinh.

Sự chậm chạp trong công tác quản lý sinh vật gây hại đã gây ra rất nhiều hậu quả tai hại. Cách đây 2 năm, phong trào nuôi chuột Hamters rộ lên ở các đô thị, đến khi cái tên Hamters đã xuất hiện khắp nơi thì cơ quan chuyên trách là Cục Thú y mới lên tiếng khẳng định đây là loài động vật gặm nhấm, sinh sản rất nhanh, có khả năng lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như dịch hạch, xoắn khuẩn. Khi đó Cục Thú y mới yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển chuột Hamster nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người, không để chuột thoát ra bên ngoài gây hại mùa màng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Trong số các SVNL đã có mặt ở VN, nhiều loại sinh vật đến nay vẫn phát triển dai dẳng mà chưa có cách nào diệt trừ được. Điển hình nhất là cây mai dương (Mimosa pigra), một loài thực vật nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Chúng du nhập vào VN qua tàu bè, gió... Đến nay, cây mai dương đã xuất hiện khắp nước. Đây là loại cây không kén đất, phát tán nhanh và chưa ở đâu tiêu diệt được. Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể mọc được trừ vài loài cỏ lá nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Ở nhiều nơi như Vườn quốc gia Tràm Chim, Cát Tiên... loài cây này đang xâm lấn nhanh và chiếm lĩnh thay thế dần các thảm thực vật tự nhiên, đe dọa sự sống của các loài chim... Tương tự, các loài sinh vật xâm hại đến nay vẫn chưa thể tận diệt tại VN còn có cây bèo Nhật Bản, cây bông ổi (ngũ sắc), ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại dừa, bọ phấn thuốc lá...

Những nẻo đường xâm nhập

Rùa tai đỏ, sinh vật ngoại lai đứng đầu danh sách 100 loài gây hại nhất thế giới đã xuất hiện ở VN từ 10 năm nay - Ảnh: Q.Thuần

Theo TS Dương Minh Tú, hiện nay có nhiều con đường du nhập hay phương thức xâm lấn của SVNL, tuy nhiên, chủ yếu là qua con đường nhập khẩu như hàng hóa, quà tặng, quà lưu niệm, đồ chơi... Ngoài ra, SVNL còn được phát tán tự nhiên thông qua chim di cư, mưa, gió, bão, lốc xoáy hay sóng thần.

 Một con đường khác phát tán SVNL là từ nước dằn tàu ở tàu thuyền quốc tế. Nước dằn tàu là nước hồ, sông, biển được bơm vào trong tàu nhằm giữ cho tàu ổn định khi di chuyển. Nước này thường chiếm từ 30 - 40% trọng tải của tàu. Khi nước dằn tàu được bơm thải ra ngoài môi trường, các loại sinh vật này có thể bùng phát. Mặt khác, bến tàu lại là một trong những môi trường lý tưởng cho sinh vật biển tăng trưởng và phát triển. Một số loài vi tảo, khuê tảo không chỉ gây độc hại tới môi trường và các loài sinh vật khác mà còn có thể sản sinh ra nhiều độc tố thuộc các nhóm như PSP, ASP gây hội chứng hay quên; DSP: gây tiêu chảy; NSP: gây tê liệt thần kinh. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, riêng đối với hệ thống sông Sài Gòn, các vùng chịu tác động xâm lấn nhiều nhất của SVNL là khu vực hạ lưu sông Đồng Nai như Cần Giờ, vịnh Gành Rái, Lý Nhơn. Những SVNL nguy hại là các loài tảo, vi tảo, nếu tôm, cua, ốc, hến, nghêu, sò... ăn phải, dần dà sẽ tích tụ độc tố. Khi ăn những thức ăn này, con người có nhiều nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí có thể tử vong.

Theo thống kê của Cảng vụ hàng hải TP.HCM, mỗi năm có hơn 70% lượt tàu nhập cảnh ở cảng Sài Gòn là tàu quốc tế. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có 0,54 - 1% lượt tàu nhập cảnh với 232.462 tấn nước dằn được xử lý trước khi xả ra sông biển. Do vậy, sự phát tán của SVNL qua nước dằn tàu là rất lớn.

Quản lý không hiệu quả

Ốc bươu vàng đã lan tràn ở ĐBSCL và nhiều vùng khác trong cả nước - ảnh: T.Dũng

Trước sự phát triển và lan rộng của SVNL xâm hại, cơ quan chức năng VN đã có nhiều nỗ lực để ngăn ngừa và kiểm soát các loài này, tuy nhiên hiệu quả rất hạn chế.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, khó khăn đầu tiên là do hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và chưa chú ý đầy đủ đến việc quản lý các loài SVNL xâm hại nên khi vận dụng thường gặp khó khăn. Các cơ chế, chính sách khuyến khích, chế tài cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Hệ thống quản lý SVNL xâm hại cũng chưa tương thích với các nước, chưa có sự thống nhất trên cả nước, có sự chồng chéo giữa các ngành, gây trở ngại cho sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách. Năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu công việc, các công trình nghiên cứu khoa học về các loài SVNL xâm hại còn quá ít, chưa dự báo được những loài có nguy cơ xâm hại hoặc nguy cơ du nhập.

Để khắc phục những yếu kém này, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) mới đây đã đưa ra "Đề án ngăn ngừa và kiểm soát các SVNL xâm lấn ở VN từ nay đến năm 2020". Theo đó, Cục sẽ điều tra và lập danh mục các loài SVNL xâm lấn nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào VN cũng như các loài sinh vật bản địa bị tác động do SVNL xâm lấn; xác định mức độ bị tác động và triển khai áp dụng các biện pháp hồi phục; đồng thời, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp để kiểm soát, quản lý và diệt trừ các SVNL xâm lấn hiện đang tồn tại; tăng cường áp dụng các giải pháp diệt trừ, đến năm 2020 phấn đấu diệt trừ 50% loài SVNL xâm lấn nguy hiểm hiện có ở VN.  

Tôm hùm nước ngọt Mỹ xuất hiện ở Sóc Trăng

Ngày 18.7, Công ty TNHH Phú Thành xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã nhập trên 10 kg tôm hùm nước ngọt (tên khoa học là Red Swamp Crawfish) gồm 504 con thả nuôi ở xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Cơ quan chức năng đã kiểm tra nhưng công ty chưa xuất trình được các giấy phép nhập khẩu hay chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ngày 27.7, Giám đốc công ty là ông Hà Văn Tâm đã đề nghị Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho phép công ty nuôi tôm hùm khảo nghiệm trên diện tích 10 ha với 1.000 kg.

Cơ quan chức năng đã phát hiện đây là loài tôm ít thịt, vỏ dày, hung dữ và sinh sôi rất nhanh, đe dọa tôm bản địa. Loài tôm này có đôi càng to khỏe, ưa đào hang trú ẩn, là mối nguy cho các công trình kênh mương, hệ thống thủy lợi… Đến lúc này, Công ty Phú Thành mới thừa nhận việc nhập tôm không có giấy phép của Bộ NN-PTNT. Hiện công ty này đã làm đơn xin tiêu hủy số tôm trên.

T.Dũng

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.