Căng thẳng khắc phục hậu quả sau bão

03/10/2013 03:00 GMT+7

>>T.Ư Đoàn, Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên kêu gọi giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai >> Thủy điện đồng loạt xả lũ Bão số 10 đã quật gãy, đổ gần như toàn bộ hệ thống cây xanh và hàng loạt hệ thống lưới điện tỉnh Quảng Bình khiến công việc khắc phục hậu quả sau bão hết sức căng thẳng.

Căng thẳng khắc phục hậu quả sau bão

Công nhân khắc phục sự cố điện ở phường Phú Hải, Đồng Hới - Ảnh: T.Q.N

Các nơi chi viện khắc phục sự cố điện

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến chiều tối 2.10, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn mất điện. Thành phố Đồng Hới chỉ lèo tèo vài cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn hạng sang... có máy nổ mới sáng đèn. Rất nhiều phóng viên báo chí khắp nơi đổ về đều mang laptop, điện thoại... chạy quanh để “xin tí điện”.

Hàng loạt cột điện khắp nơi gãy đổ. Ngành điện lực tung hết quân số ra hiện trường để xử lý, khắc phục hậu quả. Chiều 2.10, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty điện lực Quảng Bình Thái Hồng Quân cho biết hiện đang tập trung khắc phục đường điện trung áp 22 KV tại Đồng Hới; dự kiến, đến tối cùng ngày sẽ cung cấp điện một phần trên địa bàn thành phố. Tiếp đến, trong ngày 3.10 và các ngày sau sẽ cung cấp điện cho huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, rồi đến huyện Lệ Thủy. Tuy nhiên, vì mức độ thiệt hại quá lớn, nhiều đường điện chính bị gãy đổ và trời mưa nên việc xử lý không được thuận lợi.

Cùng ngày, 85 công nhân, kỹ sư và hôm nay (3.10) có thêm 40 người nữa của các công ty điện lực miền Trung, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế đến hỗ trợ Công ty điện lực Quảng Bình.

Tại phường Phú Hải, dọc QL1, cửa ngõ phía nam TP.Đồng Hới là cảnh cột điện gãy đổ ngổn ngang và công nhân dầm mình trong nước để khắc phục hậu quả. Vì không có điện nên nhiều hoạt động khác cũng bị tê liệt, nhất là nước sinh hoạt cho người dân. Trong khi đó, mặc dù được các đơn vị chủ quản khẩn trương khắc phục nhưng hệ thống thông tin liên lạc di động vẫn rất yếu, hầu như chỉ khu vực trung tâm TP.Đồng Hới mới có sóng; còn hệ thống liên lạc qua đường dây thì đứt nghẽn diện rộng, nhất là các huyện, thị.

Xử lý hàng núi rác

 

Cuối giờ chiều 2.10, tổng hợp số liệu từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Bình cho biết toàn tỉnh có 5 người chết, 1 người mất tích và 157 người bị thương. Ước tính thiệt hại tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tương đương gần 5.000 tỉ đồng.

Đến ngày 2.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên các đường phố ở Đồng Hới vẫn đầy ứ xác cây, rác và nhiều thứ khác.

Hiện lực lượng công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang nỗ lực làm việc, thu gom rác. Trò chuyện với chúng tôi, các nữ công nhân của tổ Đồng Mỹ thuộc đội số 1, Công ty TNHH MTV môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình, cho biết đã làm việc cật lực từ sau khi bão tan. Tuy nhiên, do trời mưa và mất điện nên gặp rất nhiều khó khăn; tối 1.10 phải bật đèn pin để làm.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc công ty - sớm thì cũng phải mất 5 ngày mới cơ bản dọn xong.

Mưa lớn, gây sạt lở nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi

Tại Quảng Ngãi, trong hai ngày 1 và 2.10, mưa lớn kéo dài làm nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Hoàng Như Lâm, Phó chủ tịch UBND H.Tây Trà, cho biết trên các tuyến đường về xã Trà Thanh, Trà Khê, Trà Lãnh xuất hiện 3 điểm sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, QL24C, đoạn qua địa bàn H.Trà Bồng có 4 điểm bị sạt lở, với hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống mặt đường, khiến giao thông giữa tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam bị chia cắt hoàn toàn. Trên tuyến đường 622B, đoạn qua các xã Bình Long, Bình Chương, Bình Mỹ (H.Bình Sơn), nước lũ tràn qua nhiều điểm, rất nguy hiểm nên chính quyền H.Bình Sơn bố trí lực lượng túc trực tại các điểm lũ tràn qua đường, ngăn chặn không cho người và phương tiện qua lại. 

* Thanh Hóa: Chiều 2.10, trên địa bàn các xã Mai Lâm, Trường Lâm, Trúc Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường, Hải Thượng, Hải Hà, Tĩnh Hải, H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nước lũ đã rút, chỉ còn một số thôn ở xã Tân Trường và Tùng Lâm bị ngập nước. Đến trưa 2.10, tuyến QL1A (đoạn qua địa bàn H.Tĩnh Gia) đã thông tuyến, các phương tiện lưu thông bình thường. Trước đó, ngành đường sắt cũng đã khắc phục sự cố sạt đường ray để đưa tuyến đường sắt bắc - nam hoạt động trở lại. 

Theo thống kê của H.Tĩnh Gia, lũ đã làm vỡ 4 hồ đập thủy lợi, gồm các hồ Đồng Đáng, Khe Thung, Khe Luồng và Thoi Loi. Nhiều hồ đập nhỏ khác bị sạt lở, hư hỏng. Hơn 1.200 ha lúa và rau màu các loại; 507 ha đầm nuôi trồng hải sản; gần 9.000 vật nuôi bị mất trắng... Ước thiệt hại 135 tỉ đồng.

Hiển Cừ - Ngọc Minh

Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An tử nạn do lũ cuốn trôi

Sáng 2.10, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Nghệ An đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tài Dũng (51 tuổi, Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An) cùng chiếc xe Fortuner 7 chỗ trên sông Hoàng Mai, TX.Hoàng Mai, Nghệ An.

Đêm 1.10, ông Dũng đi trên chiếc xe nói trên ra TX.Hoàng Mai dẫn 1 xe tải chở theo 10 tấn mì tôm và 100 thùng nước uống để cứu trợ cho người dân đang bị kẹt trong lũ. Khoảng 22 giờ 30, khi xe đến địa bàn P.Quỳnh Thiện, TX.Hoàng Mai, do QL1A đang bị nước ngập và trời tối, nên chiếc xe bị sập xuống cống nước bên đường và bị nước lũ cuốn trôi. Lái xe mở được cửa thoát ra ngoài, ông Dũng và chiếc xe bị nước cuốn trôi xuống sông Hoàng Mai. Đến 9 giờ 30 ngày 2.10, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã tìm thấy vị trí chiếc xe gặp nạn và thi thể ông Dũng trong xe.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại thời điểm chiếc xe gặp nạn, lực lượng chức năng đang lập nhiều trạm chắn trên QL1A không cho các phương tiện qua lại vì nước còn ngập sâu. Tuy nhiên, chiếc xe chở ông Dũng do đang thi hành nhiệm vụ nên đã được cho đi và khi xe sắp đến địa điểm tập kết hàng cứu trợ thì gặp nạn.

Chiều qua, trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định tối 1.10, UBND tỉnh đã phân công ông Dũng đi làm nhiệm vụ cứu đói cho người dân vùng lũ và phủ nhận các thông tin trên mạng nói ông Dũng đi việc riêng từ Hà Nội về và gặp nạn. “Tỉnh đã truy tặng anh ấy bằng khen về hành động dũng cảm”, ông Điền nói.

K.Hoan 

Chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đến với đồng bào gặp nạn

Hôm nay 3.10, đoàn công tác xã hội đầu tiên của Báo Thanh Niên và Công ty TNHH Bia Huế sẽ có mặt tại Quảng Bình để chia sẻ khó khăn với đồng bào chịu thiệt hại nặng của cơn bão số 10 vừa qua.                                        

Công ty TNHH Bia Huế đã trích hơn 200 triệu đồng từ nguồn quỹ từ thiện và hoạt động xã hội của công ty để chia sẻ khó khăn với người dân vùng bão. Với số tiền này, đoàn công tác xã hội của Báo và Công ty Bia Huế sẽ đến thăm và chia sẻ mất mát đau thương với 6 gia đình có người thiệt mạng và mất tích tại Quảng Bình (3 triệu đồng/gia đình) trao quà (gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá 1,3 triệu đồng) cho các hộ nhà bị tốc mái nặng và cho những hộ bị sập nhà tại hai xã Ngư Thủy Bắc (H.Lệ Thủy) và Quảng Xuân (H.Quảng Trạch). Đây là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10 gây ra.

Tính đến chiều 2.10, Báo Thanh Niên đã nhận được sự hỗ trợ đồng bào miền Trung của các đơn vị sau: Công ty TNHH Bia Huế : 200 triệu đồng. Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi: 30 triệu đồng. VP đại diện Agribank khu vực miền Nam: 5 triệu đồng. Chi nhánh Phan Đình Phùng của Agribank tại TP.HCM: 5 triệu đồng. Chi nhánh Gia Định của Agribank tại TP.HCM: 5 triệu đồng. Cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên hỗ trợ (đợt 1): 86.163.000 đồng.

Bùi Ngọc Long

Nguyễn Thế Thịnh - Trương Quang Nam

>> Bão số 10: 9 người chết, 199 người bị thương
>> Sau bão số 10: Công nhân vệ sinh gồng mình xử lý rác
>> Ba tỉnh thiệt hại 4.915 tỉ đồng sau bão số 10
>> Nhiều tỉnh vẫn mất điện do siêu bão số 10           

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.