Cần xây dựng lòng tin đối với vấn đề Biển Đông

13/11/2017 06:31 GMT+7

Nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Việt Nam từ ngày 12 - 13.11.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được nhìn nhận là mốc son mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Xử lý tốt vấn đề trên biển
"Qua chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam có thể hiểu hơn quan điểm và chính sách của Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19. Dựa vào đó, Việt Nam sẽ có thể hình thành chính sách phù hợp trong bối cảnh thế giới mới." - Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược - CSIS, Mỹ)
Lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, diễn ra vào chiều 12.11 tại Phủ Chủ tịch với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Trong cuộc hội đàm sau lễ đón, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu; ủng hộ Trung Quốc phát triển lớn mạnh, phát huy vai trò tích cực, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số trọng tâm tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước về trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác; duy trì hòa bình, ổn định, xử lý tốt vấn đề trên biển.
Về tăng cường trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; thực hiện tốt “Tuyên bố tầm nhìn hợp tác quốc phòng đến năm 2025”, tổ chức tốt giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, đối thoại chiến lược quốc phòng, các cơ chế giao lưu hợp tác giữa bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, chia sẻ kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị, y học, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về an ninh, phối hợp phòng, chống các loại tội phạm...
Không làm phức tạp tình hình
Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác, Tổng bí thư đề nghị hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng quy mô thương mại song phương, áp dụng các biện pháp hữu hiệu cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam; tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; phấn đấu tạo tiến triển hơn nữa trong hợp tác lai tạo giống lúa, cây trồng thích nghi hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; xử lý ổn thỏa vấn đề tàu cá, ngư dân; quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông suối biên giới, hợp tác phòng ngừa, ứng phó lũ lụt, an toàn hạt nhân; tạo thuận lợi cho hợp tác kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không.
Về duy trì hòa bình, ổn định, xử lý tốt vấn đề trên biển, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững, giảm thiểu các nguy cơ bất ổn, xây dựng lòng tin đối với vấn đề Biển Đông giữa các nước liên quan là rất cần thiết, có lợi cho các bên, cho khu vực và thế giới. Các bên liên quan cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhau, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, hai bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả. Tích cực xem xét thúc đẩy các hình thức hợp tác phù hợp tại một số khu vực thực sự có chồng lấn phù hợp với luật pháp quốc tế; tập trung thực hiện lộ trình đã thống nhất, phát huy kinh nghiệm về phân định biển và hợp tác trong vịnh Bắc bộ để cố gắng đạt tiến triển đối với việc phân định và hợp tác tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ.
Phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác
Về phía Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất; khẳng định coi trọng việc gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; cho rằng hai bên cần nhìn nhận quan hệ Trung - Việt từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực.
Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác về thương mại, cơ sở hạ tầng, tài chính tiền tệ và kết nối chiến lược phát triển giữa sáng kiến Vành đai và Con đường với Hai hành lang, một vành đai kinh tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại phát triển cân bằng, bền vững, đạt mục tiêu 100 tỉ USD trong năm 2017.
Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 600 triệu nhân dân tệ trong 3 năm để cải thiện an sinh xã hội các tỉnh phía bắc Việt Nam; nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); đề nghị hai bên tăng cường phối hợp tại các cơ chế đa phương như Liên Hiệp Quốc, APEC, Trung Quốc - ASEAN, Lan Thương - Mê Kông, góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.
Sau cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai bên.
Chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ảnh: TTXVN
Tối 12.11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đang thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (ảnh). Cùng dự chiêu đãi có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi chiêu đãi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Trong lời đáp, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: Hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và sâu sắc, sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc và đổi mới của Việt Nam đều đang đối mặt với thời cơ và thách thức mới. Hai nước Trung Quốc - Việt Nam đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên trì con đường XHCN, hai bên tăng cường đoàn kết hợp tác, cùng phát triển phồn vinh, phù hợp lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.