Cần tạo điều kiện để Việt kiều ứng cử

28/02/2016 00:00 GMT+7

Theo ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài, đến kỳ bầu cử QH, vẫn có một số Việt kiều có ý định ứng cử nhưng do vướng mắc, chưa đủ điều kiện pháp lý nên không thể thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài, đến kỳ bầu cử QH, vẫn có một số Việt kiều có ý định ứng cử nhưng do vướng mắc, chưa đủ điều kiện pháp lý nên không thể thực hiện được.

Năm 2007, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) ứng cử ĐBQH khóa 12. Để chuẩn bị cho việc ứng cử, từ năm 2004 ông Hưng đã nhập quốc tịch VN và năm 2006 về định cư trong nước. Ở hai vòng đầu lấy ý kiến tín nhiệm tại nơi làm việc và cư trú, ông Hưng không gặp phải trở ngại gì, được tín nhiệm cao khi trình bày nguyện vọng muốn ứng cử ĐBQH. Tuy nhiên, ở lần hiệp thương thứ 3 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức, ông Hưng không có mặt trong danh sách ứng cử ĐBQH.
Nhớ lại lần ứng cử ĐBQH năm đó, ông Hưng cho hay quyết định ứng cử ĐBQH với mong muốn đóng góp công sức của mình vào quá trình phát triển, hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, thời điểm đó và ngay cả bây giờ, bản thân ông cảm nhận dù có nhiều làn gió mới ở nghị trường nhưng việc Việt kiều ứng cử ĐBQH còn gặp nhiều khó khăn. “Cũng vì cảm nhận được lý do này nên có rất nhiều Việt kiều dù rất tâm huyết và muốn đóng góp tiếng nói ở nghị trường nhưng lại không mặn mà lắm với việc tự ứng cử ĐBQH. Một số bạn bè thân hữu cũng ủng hộ muốn tôi ra ứng cử ở kỳ bầu cử QH này, nhưng tôi trả lời không tham gia”, ông Hưng chia sẻ.
Lần đầu về nước từ năm 1976 và hiện phần lớn thời gian sinh sống, làm việc ở VN, ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) cho biết QH là nơi phải tập hợp được mọi ý nguyện của người dân. Do đó, rất cần thiết phải đa dạng các thành phần đại biểu tham gia QH. “Tôi nghĩ, Việt kiều ứng cử hay tham gia QH là chuyện bình thường. Quan trọng là nhà nước có muốn điều đó hay không mà thôi”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài, cho biết người VN ở nước ngoài được coi là một nguồn lực và cầu nối để phát triển đất nước. Trong số này vẫn còn rất nhiều Việt kiều còn giữ quốc tịch VN và theo quy định đều có quyền ứng cử ĐBQH. Tuy nhiên, hiện nay dù nhà nước đã có một số quy định đãi ngộ nhằm phát huy tiềm năng của Việt kiều như vốn, công nghệ, văn hóa nhưng chưa có quy định cụ thể khuyến khích tham gia nghị trường.
“Vẫn còn hàng triệu người VN ở nước ngoài giữ quốc tịch VN nhưng không có hay thất lạc giấy tờ. Những trường hợp này theo luật Quốc tịch nếu đăng ký và xác minh đầy đủ sẽ được cấp quốc tịch VN. Khi đó vấn đề đặt ra sẽ cấp bách hơn khi họ có quyền bầu cử, ứng cử”, ông Bình nói và cho rằng đến kỳ bầu cử QH, vẫn có một số Việt kiều có ý định ứng cử nhưng do vướng mắc hay chưa đủ điều kiện pháp lý nên không thể thực hiện được. “Do đó, mới đây, Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài đã kiến nghị Ủy ban T.Ư MTTQ VN có ý kiến với Thường vụ QH phải có chủ trương để Việt kiều được tham gia nghị trường”, ông Bình nói.
Ý kiến
Hoan nghênh việc tự ứng cử
       Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết trong những ngày vừa qua tại Ủy ban Bầu cử TP.HCM có nhiều công dân đến đăng ký hồ sơ tự ứng cử.
“Chúng tôi hoan nghênh việc tự ứng cử vì đây là một quyền của công dân được pháp luật quy định. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tự ứng cử kéo dài đến ngày 13.3. Việc vận động bầu cử giữa người tự ứng cử và người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở T.Ư giới thiệu đều được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật. Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ở đơn vị nào thì được vận động bầu cử ở đơn vị đó. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ. “Quyền ứng cử là để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trí tuệ của toàn dân để cùng tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Đây được xem là ngày hội của toàn dân. Tinh thần chung là lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn người ứng cử”, ông Lập nói.
Tân Phú
Thể hiện sự dân chủ ở diễn đàn QH
       Ảnh: Trung Hiếu
Năm 1997, bác sĩ Trần Thành Trai quyết định tự ứng cử ĐBQH khóa 10 ở khu vực TP.HCM và trúng cử với số phiếu khá cao.
Nói về quyết định tự ứng cử ĐBQH, ông Trai cho biết dù lúc đó đang là ĐB HĐND TP.HCM nhưng bản thân ông vẫn muốn trở thành ĐBQH để góp tiếng nói mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực y tế. “Tôi luôn ủng hộ việc công dân khi xét thấy có đủ điều kiện ra ứng cử ĐBQH.Bởi việc càng có nhiều người tự ứng cử thì càng thể hiện sự dân chủ ở diễn đàn QH và củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Đảng và Nhà nước đưa ra. QH nên mở rộng và tạo điều kiện cho những người ngoài Đảng tham gia. Việc có thêm người ngoài Đảng tham gia QH sẽ góp thêm nhiều tiếng nói, nhiều góc nhìn khác nhau ở nghị trường. Từ đó sự dân chủ ở QH càng tăng cao. Tôi tin tưởng QH khóa 14 sẽ có nhiều đổi mới”, ông Trai nhấn mạnh.
Trung Hiếu
Cần một thiết chế phù hợp với người ứng cử
       Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 12, cho biết qua theo dõi báo đài, mạng xã hội, ông thấy kỳ bầu cử này có rất nhiều người muốn ứng cử ĐBQH. “Đây là điều đáng mừng bởi quy định trong Hiến pháp 2013 đã đi vào cuộc sống, thể hiện được tính dân chủ, khuyến khích người có đức, có tài tham gia vào cơ quan quyền lực tối cao của đất nước. Chúng tôi cũng như người dân nói chung đều mong muốn, hoan nghênh có nhiều người đứng ra ứng cử để chọn ra những người có tài, có đức tốt nhất”, ông Cuông nói và kiến nghị cần phải có một thiết chế phù hợp với người ứng cử, nhằm tránh tình trạng người ứng cử quá đông mà tiêu chuẩn lại không đảm bảo.
Trước đây đã có những người được cơ quan nhà nước và đoàn thể chọn lọc, giới thiệu nhưng sau khi trúng cử, quá trình thực thi vai trò đã không hoàn thành nhiệm vụ lại còn vi phạm pháp luật, bị bãi miễn hoặc có những phát ngôn không chuẩn xác gây thất vọng đối với cử tri. Điều này cho thấy, việc lựa chọn với người tự ứng cử phải có thiết chế phù hợp để sàng lọc chọn ra người có tài, có đức thực sự, không gây ra phức tạp, khó khăn trong quá trình hiệp thương giới thiệu ứng cử viên. Thiết chế này cũng phải thể hiện được sự công bằng, dân chủ và minh bạch giữa người tự ứng cử và người được cơ quan đoàn thể giới thiệu... “Đối với người tự ứng cử, tôi cho rằng họ có thể vận động người dân ủng hộ như thu thập chữ ký, lấy ý kiến nơi cư trú để có nhiều người dân biết và ủng hộ. Trong quá trình tranh cử, cần phải tổ chức các hình thức đối thoại giữa các ứng viên hoặc hội nghị cử tri về chương trình hành động của họ sau khi trúng cử. Qua đó, người dân sẽ hiểu biết về ứng viên và có lá phiếu chuẩn xác”, ông Cuông nói.
Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.