Cần tăng mức xử phạt hành vi xâm hại trẻ em

28/05/2020 07:18 GMT+7

Ngày 27.5, Quốc hội có phiên thảo luận về thực hiện chính sách pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đánh giá cao chính sách của nhà nước khi đã quan tâm, dành nguồn lực chăm lo cho các “mầm xanh tương lai” của đất nước, song đại biểu (ĐB) Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cảm thấy đau lòng khi nhiều trường hợp người xâm hại chính là người thân của nạn nhân.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng môi trường gia đình được coi là an toàn nhất đối với trẻ em, nhưng thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông bà, cha mẹ, người thân gây ra. Hay tại môi trường giáo dục là nơi rèn luyện, giáo dục nhân cách cho trẻ em vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội, mà người gây ra chính là thầy giáo, nhân viên ngành giáo dục.

Đề nghị “thiến hóa học”

Vấn đề nhiều ĐB đặt ra là mức xử phạt đối với hành vi xâm hại trẻ em hiện nay còn quá nhẹ. Từ thực trạng này, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị xem xét nghiên cứu chế tài xử phạt người vi phạm theo hướng tăng nặng và phạt nặng. ĐB Nguyễn Thanh Hiền cũng đề nghị phải làm rõ hơn những điều, khoản, điểm nào của luật, của nghị định hay của thông tư cần sửa đổi, bổ sung; mức xử phạt phải được điều chỉnh như thế nào để đảm bảo tính răn đe.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em. Cụ thể, ĐB Phương đề nghị mở rộng hình thức phạt như “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại. Theo ĐB Phương, hình thức “thiến hóa học” đã được thực hiện ở các nước.

Đại biểu quốc hội đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Siết chặt môi trường mạng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) dẫn số liệu cho thấy VN có 68 triệu người dùng mạng xã hội.
Trong đó, hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 - 24. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi xâm hại trong đời thực. Trong đó, có hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, quay, chụp và phát tán; tiếp xúc với nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm, tiếp xúc với nội dung xúi giục tự tử; bị nhắn tin liên quan đến tình dục, nghiện internet hoặc game trực tuyến.
Từ thực tế trên, ĐB Hoa đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở T.Ư để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em. Bộ GD-ĐT bổ sung nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm phù hợp với độ tuổi.
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cảnh báo: “Việc xâm hại bị đưa lên mạng, hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời”. Vì vậy, theo ĐB Thủy, Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học, Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác.

3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Tờ trình 256 của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Chính phủ đề xuất 3 phương án.
Phương án 1: chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công toàn bộ 8 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỉ đồng; Phương án 2: chuyển đổi sang vốn đầu tư công đối với 5 dự án, gồm 4 dự án cấp bách (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
3 dự án có nhiều nhà đầu tư gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỉ đồng, vốn ngân sách khoảng 88.056 tỉ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỉ đồng.
Phương án 3: chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư (Vĩnh Hảo - Phan Thiết). 5 dự án còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng.
Mai Hà
 

Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Lê Quốc Phong (Bình Thuận), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, tán thành quan điểm của nhiều ĐB về tăng cường các môi trường, điều kiện lành mạnh để giúp trẻ em có môi trường thuận lợi phát triển toàn diện. Theo ĐB Phong, nhà thiếu nhi là một thiết chế rất quan trọng trong việc tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em. Tuy nhiên, năm 2016, khi có luật Trẻ em thì cả nước có 46 nhà thiếu nhi cấp tỉnh và 163 nhà thiếu nhi cấp huyện. Đến năm 2020, sau 4 năm thực hiện luật, số nhà thiếu nhi cấp tỉnh chỉ còn lại 26 và nhà thiếu nhi cấp huyện chỉ 101.
“Rất nhiều tỉnh, thành đã sáp nhập các nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa hoặc giải thể trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống này. Tôi nghĩ rằng, với nhà thiếu nhi thì chúng ta cần phải ứng xử với nó như là một thiết chế hết sức đặc biệt. Bởi vì đây là môi trường, điều kiện để giúp cho trẻ em có một không gian sinh hoạt lành mạnh”, ĐB Phong nói và đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo tất cả các địa phương phải quan tâm, đầu tư thỏa đáng để phát triển thiết chế này.

Đại biểu Lê Quốc Phong phát biểu tại phiên thảo luận của quốc hội chiều 27.5 về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.