Dâm ô trẻ em, cần sửa luật để trị tội phạm

Ngọc Lê
Ngọc Lê
18/04/2019 18:57 GMT+7

Nhằm bảo vệ trẻ em trước hành vi dâm ô, hiếp dâm..., các chuyên gia pháp lý, chuyên gia tâm lý học tội phạm cho rằng nên sửa luật, bổ sung thêm hành vi, tăng hình phạt.

Vụ việc bé gái bị sàm sỡ trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, P.1, Q.4, TP.HCM) gây chấn động dư luận thời gian qua. Nói về thực trạng điều tra án dâm ô đối với trẻ em, một điều tra viên cao cấp của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đánh giá, việc thu thập, đánh giá chứng cứ rất khó khăn. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng điều tra sơ sài, dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm và gây hậu quả khôn lường. 

Điều tra sơ sài dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm dâm ô

Vụ việc đau lòng như án dâm ô xảy ra ở Cà Mau. Tháng 9.2016, mẹ của bé Hồ Mộng Kiều (13 tuổi) tố giác hành vi dâm ô của ông Hữu Bê (57 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) đến cơ quan công an địa phương. Nghi phạm không thừa nhận và cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì "chỉ có lời khai của Kiều không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh ông Bê có hành vi hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em".
Do quá uất ức, Kiều đã tự sát vào ngày 10.2.2017, để lại lá thư tuyệt mệnh. Bộ Công an vào cuộc điều tra, kết luận ông Bê có ít nhất hai lần dâm ô nạn nhân, nên đã khởi tố vụ án, bắt giam vào ngày 19.9.2017.
Tháng 1.2018, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt ông Bê 7 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em. Trước đó, tháng 11.2017, Bộ Công an đã quyết định cách chức phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đối với thượng tá Trần Hồng Lộc - người ký vào quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cách chức đội trưởng, điều tra viên trung cấp đối với trung tá Đỗ Tấn Đạt. Hai cán bộ điều tra này còn bị cảnh cáo về mặt Đảng, bị điều chuyển công tác khác.
Từ vụ việc đau lòng trên, theo điều tra viên, trong luật hình sự hiện hành, hành vi dâm ô trẻ em là hành vi được thực hiện bằng các hành động như ôm trẻ em, sờ mó hoặc hôn hít vào bộ phận sinh dục, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ; bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người phạm tội.
Vẫn có trường hợp người phạm tội có hành vi thô bạo khi dâm ô trẻ em nhưng với tâm lý sợ người thân không tin mình nên nạn nhân thường im lặng hoặc một thời gian lâu sau đó mới kể lại cho người thân nghe, lúc này các dấu vết của bạo lực không còn nữa.
Do đó các chứng cứ vật chất hầu như không có. Trong khi đó, chứng cứ vật chất là chứng cứ có tính khách quan cao nhất, có giá trị chứng minh cao nhất. Chứng cứ nếu có, chủ yếu là gián tiếp và thường rất mờ nhạt.

Luật hiện nay quy định còn chung chung

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý học tội phạm, cho rằng về điều kiện phạm tội, hành vi dâm ô thường diễn ra khi nạn nhân chỉ có một mình, không có người thân thích bên cạnh. Ngoài trường hợp phát hiện quả tang, hầu hết các vụ dâm ô chỉ được biết đến khi nạn nhân sau đó kể lại hoặc do bạn cùng trang lứa của nạn nhân kể lại. Về nhận thức và tâm lý của nạn nhân, do hành vi dâm ô chưa gây ra nhưng tổn thất nghiêm trọng về thể chất như các vụ án hiếp dâm nên nạn nhân thường không quan tâm.
Tiến sĩ Báu cho rằng cần sớm sửa luật, tăng cường bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại, trong đó cần bổ sung thêm các hành vi xâm hại như: Nhìn hoặc bắt nhìn; nói chuyện dâm ô; động chạm, sờ mó vào cơ thể của trẻ em dưới 16 tuổi, dụ dỗ sex, cưỡng bức sex. Đồng thời, cần tăng chế tài đối với người có hành vi phạm tội. Sau khi chấp hành án xong về cộng đồng cần giám sát, định vị, cấm không được đến gần trẻ em. Người từng phạm tội phải đeo thiết bị định vị, buộc phải ở một khu vực, nơi cố định, an toàn cho trẻ em.
Tiến sĩ Báu còn cho rằng hiện nay Luật hình sự Việt Nam quy định về tội dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi còn chung chung, nhiều hành vi bị bỏ qua...
“Ở các nước phát triển, tất cả các hành vi nói trên đều là xâm hại trẻ em và không cấu thành vật chất mà cấu thành hình thức ngay từ khi phạm tội chưa thành. Chỉ cần chứng minh được có ý đồ phạm tội là kết tội được cho dù hậu quả chưa xảy ra, có thể đơn cử vụ Minh 'Béo' bị kết án ở Mỹ”, tiến sĩ Báu nhấn mạnh.

Giải pháp để chống tội phạm dâm ô

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu nêu ý kiến, để con em mình an toàn, không rơi vào tình huống tương tự như vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, phụ huynh cần thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản.
Cụ thể, hạn chế để trẻ đi một mình ở nơi vắng vẻ; không nên chỉ dạy trẻ cảnh giác với người lạ mà phải cảnh giác với tất cả mọi người, kể cả người thân, ruột thịt, trừ ba mẹ; tập cho trẻ thói quen xin phép trước khi đi đâu với ai cho dù là người quen, khi trẻ về phải gợi hỏi để trẻ kể lại quá trình đó; đào tạo kỹ năng cho phụ huynh chú trọng bảo vệ cả bé trai, thị phạm cho trẻ cách xử lý khi phải đi một mình ở những địa điểm thiếu an toàn bằng tình huống thực tế.
Ngoài ra, tiến sĩ Báu cho rằng nếu có điều kiện nên trang bị cho trẻ thiết bị định vị, báo động để kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố, không để xảy ra trường hợp tương tự như vụ trong thang máy Q.4.
 

Khó thực hiện hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm dâm ô ở Việt Nam

Nhiều ý kiến cho rằng có thể thiến sinh học hoặc thiến hóa học những kẻ ấu dâm, dâm ô với trẻ em để mang tính răn đe. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật cho biết khó thực hiện. Biện pháp thiến hóa học tức là sẽ tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa hormone vào người, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những ham muốn tình dục. Có thể áp dụng cả hình phạt thiến sinh học để người đó không còn khả năng tiếp tục phạm tội nữa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt này dành cho tội phạm trẻ em, như Mỹ, Indonesia và Hàn Quốc.
Tiến sĩ Báu cho rằng, thiến hóa học khó có thể áp dụng được ở nước Việt Nam vì còn liên quan tới thuần phong mỹ tục và văn hóa.
Tương tự, luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng đánh giá hình phạt này không phù hợp ở Việt Nam, mà cần có hình phạt hình sự, chế tài cao hơn đối với hành vi dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi so với luật hiện tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.