Cân nhắc kỹ các phương án đấu giá biển số xe

27/04/2017 06:57 GMT+7

Nhiều phương án về đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cân nhắc, lựa chọn để trình Chính phủ.

Ngày 26.4, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông báo kết quả hoạt động trong quý 1 và phương hướng nhiệm vụ quý 2/2017. Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.2017.
Trả lời Thanh Niên về việc những loại biển số nào sẽ được đưa ra đấu giá, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết cơ quan soạn thảo đang đưa ra nhiều phương án để cân nhắc. Theo đề án, cơ quan soạn thảo đã có các phương án như: đưa các biển số đẹp gồm biển số “ngũ quý” (55555, 88888...), biển số “lộc phát” (68, 88, 86...); hoặc đấu giá tất cả các biển số xe. Theo bà Mai, mặc dù người dân thường có tâm lý thích biển số đẹp, nhưng quan niệm về biển số đẹp mỗi nơi một khác.
Trả lời câu hỏi của báo chí, nếu biển số xe được coi là tài sản thì chủ xe có được thực hiện đầy đủ 3 quyền của chủ sở hữu (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) hay không, bà Mai cho hay biển số xe đẹp không chỉ là một tài sản đơn thuần như ô tô, xe máy, hay mảnh đất, mà còn là một công cụ để nhà nước quản lý, điều tiết trật tự an ninh đô thị, nên các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc kỹ về “lợi ích thu được từ việc bán đấu giá biển số xe, với bức tranh chung về quản lý trật tự, an ninh đô thị”.
Tại cuộc họp, Bộ Tư pháp cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy. Qua rà soát cho thấy trong Thông tư số 15/2014 quy định về đăng ký xe của Bộ Công an còn một số điểm chưa có sự thống nhất, dẫn đến việc có thể mở rộng đối tượng cấp biển số nền màu xanh cho xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác bảo đảm an ninh.
Do đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị với Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 15/2014 theo hướng quy định cụ thể đối tượng được cấp bảo đảm đúng loại hình, đối tượng và nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn công tác.
Tổ chức, cá nhân  được làm điều pháp luật không cấm
Tại cuộc họp báo, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, cho biết ngày 25.4, Bộ Tư pháp đã họp Hội đồng thẩm định về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an soạn thảo và đang chuẩn bị có văn bản để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo ông Hải, tại cuộc họp thẩm định, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nội dung tại khoản 3, điều 4 dự thảo nghị định có thể khiến nhà báo, người dân không được sử dụng thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình.
Dù chưa có văn bản chính thức, song ông Hải nêu rõ quan điểm của Bộ Tư pháp: “Nghị định này chỉ điều chỉnh về điều kiện, đối tượng kinh doanh, không điều chỉnh về việc sử dụng. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên trong dự thảo nghị định này không thể cấm anh A, anh B sử dụng thiết bị A, thiết bị B được. Nếu luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật”, ông Hải khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.