Cần loại bỏ 'giấy phép con' trong xuất khẩu lao động

09/03/2017 07:05 GMT+7

Ngày 8.3, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa, cho biết các DN lại gặp phải rào cản “giấy phép con” tại nhiều địa phương. DN được bộ cấp phép, cục phê duyệt đơn hàng, tỉnh cho phép nhưng khi về các địa phương tuyển dụng lao động, tạo nguồn lao động thì bị ách lại. Ông Minh bức xúc: “Có nơi để chờ xin công văn, chúng tôi phải nằm ở huyện 3 tháng mà vẫn chưa có giấy phép để xuống xã tiếp xúc với người lao động (NLĐ). Trong khi, qua tìm hiểu, người dân mong muốn được đi xuất khẩu lao động. Có cán bộ tư vấn của công ty xuống gặp dân còn bị công an bắt nhốt lại ở địa phương vì đi khi chưa được phép của huyện”. Ông Đàm Trung Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhân lực dịch vụ toàn cầu (Gmas) phản ánh, tại một số địa phương “giấy phép con” còn khống chế chỉ tiêu tuyển dụng, thời gian tuyển dụng. “Giấy phép chỉ cho tuyển đúng 100 người, không được hơn”, ông Bắc phản ánh.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết không ai quy định có giấy phép con, nhưng “phép vua thua lệ làng”. “Bộ LĐ-TB-XH phải ra văn bản chỉ đạo cho các địa phương phải loại bỏ ngay. Tuy nhiên, DN cũng phải xem lại, niềm tin của mình chưa đủ độ tin cậy với chính quyền”, ông Lợi nói.
Không chỉ lắng nghe ý kiến của DN, tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Qua khảo sát, thanh tra tại các DN, Bộ LĐ-TB-XH đã phát hiện nhiều vấn đề. Có DN khi thành lập bộ máy rất hoành tráng, nhưng sau khi hoạt động lại tách ra công ty mẹ, công ty con, văn phòng, chi nhánh… Thậm chí, có nhiều nơi còn mượn bộ máy để hoạt động. Với những DN này, Thanh tra Bộ đã đình chỉ thu hồi giấy phép”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Bộ LĐ-TB-XH cần chấn chỉnh những bất cập, đấu tranh với các DN làm chưa tốt, loại bỏ tiêu cực vòi vĩnh, trên cơ sở bình đẳng công khai, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần khắc phục tình trạng cản trở DN hoạt động”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại thể chế, các văn bản dưới luật, nghị định, thông tư còn bất cập, loại bỏ tất cả các loại văn bản, “giấy phép con”. Ngoài ra, những vấn đề còn đang tồn tại về thu tiền môi giới, môi giới, cò mồi, chuyển nhượng giấy phép bất hợp lý… sẽ được xử lý. Tới đây Bộ sẽ hoàn thiện 2 đề án: Nâng cao chất lượng việc đưa lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài và đề án đưa lao động kỹ thuật cao đi nước ngoài để trình Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu Bộ LĐ-TB-XH đề ra, từ năm 2017 - 2020, hằng năm sẽ đưa được từ 100.000 - 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70 - 80% lao động đã qua đào tạo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nguyên tắc cạnh tranh thị trường phải công khai minh bạch. Thế nhưng, Bộ LĐ-TB-XH lại chưa làm được điều này. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Tôi đã vào mạng của Cục Quản lý lao động thấy có danh sách 282 DN đang hoạt động, ngoài thông tin địa chỉ, số điện thoại, muốn tìm hiểu sâu thông tin DN thành lập năm nào, đưa đi thị trường nào, xuất khẩu bao nhiêu lao động... đều không có. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH nên có 1 trang web tiếp thu ý kiến của người lao động trong quá trình tuyển dụng, coi đây là nguồn tin quan trọng để hoàn thiện thể chế chính sách”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.