Cần làm rõ 'quyền tự do báo chí của công dân'!

12/10/2015 20:00 GMT+7

(TNO) Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, dự thảo cần bổ sung, làm rõ “quyền tự do báo chí của công dân”, không nên nhầm lẫn “quyền tự do ngôn luận trên báo chí” và “quyền tự do báo chí” của công dân là một!

(TNO) Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, dự thảo cần bổ sung, làm rõ “quyền tự do báo chí của công dân”, không nên nhầm lẫn “quyền tự do ngôn luận trên báo chí” và “quyền tự do báo chí” của công dân là một!

Phóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo - Ảnh: Độc LậpPhóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo - Ảnh: Độc Lập

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu như trên tại buổi góp ý dự thảo bộ Luật Báo chí (sửa đổi) ngày 12.10 do Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức.

Tại buổi thảo luận, góp ý cho dự thảo bộ Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách tiếp cận thông tin của người dân. Vì vậy, việc sửa đổi luật báo chí là cần thiết nhằm phù hợp với thực tiễn và Hiến pháp 2013.

Cần đảm bảo quyền lợi cho phóng viên

Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Báo chí (sửa đổi), có 12 điểm cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu là tổng biên tập, phó tổng biên tập của các báo, đại diện Sở Thông tin và Tuyền thông... đã đưa ra nhiều vấn đề mới từ thực tiễn của hoạt động báo chí, yêu cầu Luật Báo chí cần sớm sửa đổi.

Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận được bàn luận sôi nổi trong buổi hội thảo. Cụ thể, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, dự thảo cần bổ sung, làm rõ “quyền tự do báo chí của công dân” , không nên nhầm lẫn “quyền tự do ngôn luận trên báo chí” và “quyền tự do báo chí” của công dân là một.

Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Ngọc Lê

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến, dự thảo xây dựng riêng chương II quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận là cần thiết, phù hợp nhưng không phù hợp với tinh thần của "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin" như Hiến pháp quy định, vì đã phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân.

“Như vậy, không thấy quy định thế nào là quyền tự do báo chí của công dân nhưng lại quy định cơ quan báo chí bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân. Quá mâu thuẫn và thiếu sót trong quy định pháp luật về vấn đề này”, LS Hậu nói.

Trong buổi hội thảo hôm nay, LS Hậu còn cho rằng dự thảo chỉ chú trọng vào sản phẩm, tác phẩm báo chí mà bỏ qua yếu tổ chủ thể trong hoạt động báo chí, đặc biệt là nhà báo, phóng viên.

Theo quy định của Luật Báo chí năm 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999, trong luật không có chức danh phóng viên mà chỉ quy định về nhà báo. Thực tế cho thấy, phóng viên là lực lượng tham gia nhiều vào hoạt động báo chí và đối tượng này cần được luật hóa các quy định nhằm đảm bảo công tác quản lý cũng như đặt ra yêu cầu về quyền lợi, nghĩa vụ đối với phóng viên.

Gần đây, nhiều phóng viên bị từ chối thậm chí bị đánh, cản trở khi tác nghiệp. Tại sao lại bị cản trở, bởi phóng viên này không phải nhà báo và không có thẻ nhà báo. Vì vậy, nếu không được Luật Báo chí ghi nhận thì "phóng viên có quyền và nghĩa vụ thế nào trong hoạt động báo chí?".

Can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TP phân tích, về tổng thể, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã kế thừa những nội dung cơ bản của luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn 1 số bất cập như chưa đề cập đầy đủ về báo mạng và những thông tin cần nêu trên báo mạng, dự thảo cần có một chương riêng về báo mạng.
Ông Trực phát biểu tại buổi hội thảo -  Ảnh: Ngọc Lê
Ông Trực cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí. Theo ông Trực, phải làm thế nào mà cơ quan quản lý phát huy được tối đa vai trò quản lý, phát huy được thông tin truyền thông chứ không cần thiết phải lãnh đạo trực tiếp, bởi phương thức quản lý như vậy không phù hợp.
Đại diện của Liên đoàn lao động nêu ý kiến, tin tức báo chí hiện nay chủ yếu cướp giết hiếp, rất ít thông tin mang tính chất giáo dục con em, xã hội. Cần có định hướng báo chí viết theo đúng mục đích của nhà nước.
Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay một số tờ báo đưa tin, bài, hình ảnh có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em. Đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung này vào quy định cấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.