Cán bộ đăng ảnh chồn bay trên Facebook để… 'tuyên truyền bảo tồn động vật'

05/12/2015 10:29 GMT+7

Kết quả xác minh xung quanh vụ một cán bộ khuyến lâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) đăng hình chồn bay lên Facebook còn nhiều điểm chưa thuyết phục.

Kết quả xác minh xung quanh vụ một cán bộ khuyến lâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) đăng hình chồn bay lên Facebook còn nhiều điểm chưa thuyết phục.

Hình ảnh chồn bay trên trang Facebook của ông KỳHình ảnh chồn bay trên trang Facebook của ông Kỳ
Sáng nay 5.12, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết đã nhận được báo cáo kết quả xác minh của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang xung quanh thông tin, hình ảnh săn, bắt chồn bay đăng tải trên Facebook.
Hạt Kiểm lâm huyện đã làm việc trực tiếp với ông Thiều Quốc Kỳ (hiện công tác tại Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện Tây Giang, trú xã Atiêng), người chụp ảnh cùng với con chồn bay. Đồng thời, xác minh thông tin từ những người được cho có liên quan đến câu chuyện bán thịt chồn bay hoặc được giới thiệu là quán chuyên bán chồn bay ở Tây Giang.
Đáng chú ý, trong báo cáo do ông Lê Viết Sang, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang ký, những người vừa nhắc tên đều phủ nhận mình có liên quan đến việc xâm hại chồn bay.
Cụ thể, ông Thiều Quốc Kỳ xác nhận mình chính là người trong bức ảnh chụp kèm con chồn bay (vừa bị bắt), chụp tại nhà mình, nhưng cho rằng bản thân không tham gia giết thịt con chồn.
“Tôi có lưu giữ hình ảnh trên tại trang Facebook để khỏi bị mất chứ không phải để cổ động cho hành vi phạm pháp”, giải trình của ông Kỳ được Hạt Kiểm lâm huyện dẫn lời. Đặc biệt, ông Kỳ cũng khẳng định việc đăng tải hình ảnh chồn bay trên Facebook có mục đích sau này sẽ tuyên truyền bảo tồn động vật hoang dã, nếu có dịp (!).
Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa rõ khiến lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam yêu cầu tiếp tục xác minh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Tuấn nói: “Báo cáo xác minh chưa đến nơi đến chốn. Ông Kỳ nói chụp ảnh này ở nhà, nhưng chưa thấy làm rõ con chồn bay đó hiện ở đâu, của ai. Nên tôi yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện phải phối hợp với Công an huyện tiếp tục đi xác minh”.
Trong khi đó, bà Arất Thị Cúc và ông Nguyễn Văn Sao (cùng ở thôn Agrồng, xã Atiêng) cũng khẳng định họ không dính líu gì đến chồn bay, một loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm 1B.
Theo bà Cúc, thời điểm có 2 người đến nhà hỏi mua thịt chồn bay, bà có đưa ra 1 con Atông (tiếng Cơtu) nặng khoảng 1 kg, một loài giống dơi bay, bán lấy tiền đi chợ. Riêng 3 con đã làm thịt sẵn, cất trong tủ đá lúc đó cũng không phải chồn bay mà là loài cúi lúi do người dân địa phương nuôi.
Còn tại quán của ông Sao, nơi được “giới thiệu” là chuyên bán thịt chồn bay như một trang tin đã phản ánh, tổ kiểm tra của huyện Tây Giang cũng không phát hiện điều gì bất thường.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tiếp tục giữ quan điểm phải kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.
Ông Thiều Quốc Kỳ đã kịp xóa thông tin liên quan sau khi đăng bức ảnh lên Facebook hồi cuối tháng 11, do nhận được nhiều ý kiến phản ứng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 12 của UBND tỉnh Quảng Nam, nhiều nhà báo cũng thúc giục cơ quan chức năng sớm kiểm tra, phản hồi cho công luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.